Trong năm học 2019-2020, trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa đã đưa ra chiến lược phát triển nhà trường tiếp cận với giáo dục Quốc tế với sáu giá trị cam kết với xã hội, cộng đồng (giáo dục thể chất, ngoại ngữ, nghiên cứu khoa học, kỹ năng sống, hòa nhập cộng đồng, kết nối quốc tế). Nhà trường tập trung trang bị cho học sinh nhiều giá trị cốt lõi. Trong nhiều hoạt động góp phần hình thành và phát triển cho học sinh những giá trị cốt lõi trên, nhà trường tổ chức các chương trình tập huấn về chuyên môn, phương pháp giảng dạy tích cực, soạn giảng bài giảng điện tử, E-learning.
Hòa nhịp với hoạt động đổi mới của Nhà trường, các thầy cô tổ Ngữ văn trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa đã tích cực tham dự các buổi tập huấn Xây dựng bài giảng điện tử và sử dụng phần mềm E-Learning do Nhà trường tổ chức. Thầy cô tổ Ngữ Văn đã bước đầu tiếp cận, xây dựng và dần hoàn thiện bài giảng E-Learning của bộ môn Ngữ Văn. Với sự hỗ trợ của Ban Giám hiệu, bộ phận học liệu E-Learning đối với việc hỗ trợ tập huấn E-Learning cũng góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy.
E-Learning là bài giảng điện tử tương tác dạng HTML5 được tạo từ phần mềm Active Presenter. Bài giảng điện tử tương tác E-Learning đem đến những tiện ích cụ thể cho công tác dạy và học như kiểm tra học sinh hiểu bài, quản lý bài tập, chấm điểm online, tài liệu, dữ liệu cho học sinh thực hành, tương tác mạnh với học sinh… Bài giảng điện tử tương tác này tạo thuận lợi cho thầy cô giáo trong thực tiễn dạy học. Trong đó, có thể vận dụng soạn giảng ở nhiều đơn vị bài hoặc cụm bài trong chương trình; tương tác với học sinh một cách dễ dàng qua hệ thống các kiểu câu hỏi tương tác (câu hỏi đúng-sai, câu hỏi một lựa chọn, câu hỏi nhiều lựa chọn câu hỏi điền vào chỗ trống, câu hỏi tiểu luận, câu hỏi sắp xếp thứ tự, câu hỏi kéo thả, câu hỏi đánh giá…) từ đó, khơi gợi được hứng thú của HS và nắm bắt được mức độ hiểu bài của các em.
Đối với các giáo viên trẻ tuổi, việc tiếp cận các công cụ soạn giảng mới thật sự khơi gợi hứng thú và sự say mê. Các thầy cô tiếp cận phương pháp soạn giảng bài giảng E-Learing một cách nhanh chóng. Còn các thầy cô lớn tuổi, vượt qua tâm lí lo lắng ở giai đoạn đầu, với tinh thần cầu tiến, sự hỗ trợ nhiệt tình của các thầy cô giáo trẻ cũng như sự hỗ trợ tận tình của các thầy cô trong bộ phận Học liệu E-Learning, tất cả các thầy cô đều hào hứng với sự ra đời của “những đứa con tinh thần” – những bài giảng E-Learning đầu tiên.
Về phía quý thầy cô giáo, thầy cô mong rằng những bài giảng này sẽ hỗ trợ để các em học sinh phát triển được năng lực đặc thù của bộ môn Ngữ văn; đồng thời, rèn luyện được những năng lực chung, trong đó có các giá trị cốt lõi của học sinh Trần Chuyên. Về phía các em học sinh, các em đều tỏ ra hào hứng với những tiết học có sử dụng E-Learning ở Thư viện tiên tiến, hiện đại. Qua đó, sau mỗi giờ học, các em luôn thích thú và mong muốn sẽ được tiếp cận và trải nghiệm với bài giảng điện tử tương tác này nhiều hơn nữa ở học kì II nói riêng và các năm học tới nói chung.
Các bài giảng E-learning của tập thể giáo viên tổ Ngữ Văn đã, đang và sẽ hoàn tất sau đợt tập huấn. Việc đưa các bài giảng này vào dạy-học cũng gợi mở nhiều tiềm năng để giúp các em học sinh của Trần Chuyên tiến bộ và phát triển một cách toàn diện nhất, đáp ứng mong muốn nâng cao chất lượng giảng dạy, đem đến những bài học sinh động, hấp dẫn cho học sinh, của giáo viên tổ Ngữ Văn và giáo viên Trần Chuyên.
Sau đây là một số hình ảnh của quý thầy cô tổ Ngữ văn trong các buổi tập huấn Xây dựng bài giảng điện tử và sử dụng phần mềm E-Learning:
Giáo viên tổ Ngữ văn trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa chụp hình lưu niệm sau khi hoàn thành đợt tập huấn Xây dựng bài giảng điện tử và sử dụng phần mềm E-Learning.
Giáo viên tổ Ngữ văn trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa trong buổi tập huấn Xây dựng bài giảng điện tử và sử dụng phần mềm E-Learning đầu tiên.
Giáo viên tổ Ngữ văn trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa trao đổi với thầy Trần Ngọc Anh về đặc thù bài giảng E-Learning đối với môn Ngữ văn.