Trang chủ Chuyên mônVăn học “TÌM VỀ DẤU XƯA” – MỘT CÁCH THƯỞNG THỨC VĂN HỌC CỦA NGƯỜI TRẺ

“TÌM VỀ DẤU XƯA” – MỘT CÁCH THƯỞNG THỨC VĂN HỌC CỦA NGƯỜI TRẺ

bởi Tổ Văn
67 views

Với mục đích dạy cho học sinh những gì có ích, có thể ứng dụng thực tiễn cuộc sống; giúp các em hiểu và yêu quý những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc từ đó hướng đến mục tiêu xây dựng một thế hệ học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa năng động, tự tin, bản lĩnh, đáp ứng những yêu cầu của công dân toàn cầu nhưng lại biết quan tâm đến những vẻ đẹp văn hoá của dân tộc, cô Nguyễn Thị Ngân Sương – giáo viên bộ môn Ngữ văn đồng thời cũng là giáo viên chủ nhiệm đã hướng dẫn các em học sinh lớp 11CV thực hiện dự án văn học “Tìm về dấu xưa”.

Sáng ngày 15/02/2023, tại lầu 2 thư viện của trường, buổi báo cáo dự án đã diễn ra trong không khí ấm áp, sôi nổi nhưng cũng rất trang trọng với sự tham dự của Quý phụ huynh lớp 11CV, thầy cô giáo tổ Ngữ văn và tất cả các em học sinh lớp 11CV trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa.

“Tìm về dấu xưa” là dự án văn học được thực hiện với mong muốn đưa các em học sinh tìm về một thời quá khứ vàng son của dân tộc qua những thứ vui tao nhã của người xưa trong tập truyện “Vang bóng một thời” của nhà văn Nguyễn Tuân. Khi thực hiện dự án, các em đã có cơ hội thoát ra khỏi những giới hạn kiến thức thông thường của một tác phẩm cụ thể, vận dụng những điều đã học để ứng dụng vào cuộc sống. Với các em, học văn không chỉ đơn thuần là phân tích, cảm nhận mà còn là một sự trải nghiệm, là cách thưởng thức văn học – văn hoá của người trẻ.

“Tìm về dấu xưa” – sự kết hợp sáng tạo văn học với âm nhạc thực hiện trên nền tảng Soundcloud qua sản phẩm truyền thông là podcast mang tên “Điệu Khuất” (Tìm kiếm giai điệu của một thời đã xa). Với mục đích chữa lành và nuôi dưỡng tâm thần cho các tâm hồn đang mỏi mệt và có khát khao tìm về nẻo an yên tâm hồn qua các giá trị văn hóa xưa, “Điệu Khuất” đã mang đến cảm giác an yên, những vùng trời hoài niệm để xua tan đi bao muộn phiền, mệt mỏi và để được trải lòng, để được an ủi và để được vỗ về yêu thương.  Đến hiện tại, “Điệu Khuất” đã được các em phát triển đến tập thứ ba (Trầm – Tĩnh – Lặng). Các em sẽ tiếp tục thực hiện dự án này trong những năm tiếp theo để thoả mãn niềm đam mê dành cho văn chương và để thực hiện dự án cộng đồng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chỉ cần quét mã QR hoặc truy cập link, mọi người sẽ được nghe với các tập của “Điệu Khuất” ở bất cứ nơi nào.

“Tìm về dấu xưa” – sự kết hợp sáng tạo văn học với báo chí. Các em đã cùng nhau “thành lập” một nhà xuất bản mang tên Lạc Hoài, phát hành và tổ chức buổi ra mắt ấn phẩm văn hóa “Màu kí ức”. Qua ấn phẩm, các em học sinh đã vận dụng, kết hợp những kiến thức văn học từ các tác phẩm trong tập truyện “Vang bóng một thời” của nhà văn Nguyễn Tuân và văn hóa để giúp người đọc có, thể tiếp cận với những tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam cùng với những thú vui tao nhã từ xa xưa, đặc biệt là vào những dịp lễ Tết. Ấn phẩm “Màu kí ức” với sự sáng tạo và đầu tư công phu đã trở thành một sản phẩm báo cáo giá trị. Đặc biệt hơn nữa, các em học sinh đã thể hiện tài năng và cách cảm nhận văn hoá của mình qua thiết kế những chiếc thẻ bo góc nhỏ xinh về thú vui tao nhã của người xưa. Qua đó các em đã thể hiện niềm đam mê và tình yêu sâu sắc dành cho văn hoá Việt của những người trẻ hôm nay.

“Tìm về dấu xưa” – sự kết hợp độc đáo giữa văn học với điện ảnh. Trong vai trò là những nhà làm phim trẻ, các em đã sử dụng kiến thức đã học được để tạo nên những thước phim tài liệu về những những thú vui tao nhã của người Việt mà giờ đây một phần nào đó đã bị thời gian vùi lấp. Những nhà làm phim trẻ sẽ mang đến cho chúng ta những thước phim tài liệu trong series phim mang tên “Những nụ cười vang bóng” – được lấy cảm hứng từ tập truyện “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân. Các em chỉn chu trong việc chọn lựa hình ảnh, tư liệu; chọn người đọc lời bình rất truyền cảm; âm nhạc lồng vào phim rất phù hợp, đẩy cảm xúc của người nghe đi xa hơn. Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn ở phần giao lưu với khán giả đã chuyển tải được nhiều thông điệp hay về văn học, văn hoá và về đam mê của người trẻ.

“Tìm về dấu xưa” – sự vận dụng sáng tạo văn học vào thực tiễn. Buổi triển lãm tranh mang tên “Dấu xưa” – một sự kiện văn hoá về những thú vui tao nhã của người xưa kết hợp  với một workshop của câu lạc bộ văn hoá mang tên “Thỉnh” đã mang văn học vào đời sống hiện thực. Triển lãm “Dấu xưa” có hai gian trưng bày tranh với hai chủ đề: “Xưa” và “Nay”. Không gian trưng bày tranh và thư mời triển lãm được thiết kế rất nghệ thuật với tông màu trầm, hợp với chủ đề “Dấu xưa”. Và những bức tranh được thực hiện một cách sáng tạo trên những bìa carton khổ lớn. “Tìm về dấu xưa” để hiểu, để trân quý và để gìn giữ, phát huy những vẻ đẹp văn hóa ấy trong cuộc sống ngày nay. Thêm vào đó, các em còn tổ chức workshop “Thỉnh” để tạo cơ hội cho các khách mời được trải nghiệm nghệ thuật trà đạo, vừa giới thiệu về nét văn hóa đặc sắc này vừa thực hành pha trà. Không gian trà đạo được các em thiết kế tỉ mỉ, công phu từ bình cắm hoa sen tươi, khay đựng trà, bộ ấm trà mang dấu ấn thời gian. Khi đến tham dự workshop các khách mời sẽ được một booklet với chủ đề “Thỉnh” rất ấn tượng và nghệ thuật.

Buổi thao giảng đã được nhận về rất nhiều phản hồi tích cực từ Phụ huynh, giáo viên và học sinh. Đặc biệt, các em học sinh tìm thấy được hứng thú và đam mê trong việc học bộ môn Ngữ văn. Những giá trị tinh thần quý báu thông qua các sản phẩm sáng tạo của học sinh đã tạo nên những lan toả tích cực đến người dự. “Tìm về dấu xưa” đã một lần nữa thắp lên ngọn lửa tình yêu văn chương, yêu cuộc sống và yêu cả những giá trị văn hóa của đất nước của các bạn trẻ. Hy vọng rằng trong tương lai các em sẽ thực hiện được nhiều dự án văn học mang giá trị nhân văn và chạm được đến cuộc sống như thế.