Trang chủ Chuyên môn Nhớ hương vị Tết cổ truyền. Những giá trị còn mãi với thời gian của tết cổ truyền Việt

Nhớ hương vị Tết cổ truyền. Những giá trị còn mãi với thời gian của tết cổ truyền Việt

bởi Công Nghệ Tổ
64 views

Mỗi năm một lần, những người con dù học tập, làm việc hay sinh sống ở bất cứ nơi đâu đều mong ngóng da diết cái không khí chộn rộn để ‘về nhà ăn Tết’.

Dù qua thời gian, nhiều nghi lễ truyền thống có bị mai một, thì Tết Nguyên đán vẫn khẳng định giá trị truyền thống đặc biệt hiển nhiên với người Việt.

Truyền thống Tết Việt

Trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, Tết Nguyên đán luôn là khoảng thời gian được háo hức trông đợi nhất. Không chỉ là một phong tục tập quán mang đậm sắc màu giá trị văn hóa, Tết cổ truyền còn mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, như một cuộc hành hương tìm về cội nguồn đối với mỗi gia đình.

Phong vị Tết cổ truyền gói trọn trong câu đối dân gian:

“Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu tràng pháo, bánh chưng xanh”

Tết ngày xưa ẩn trong mùi khói từ góc bếp củi luộc bánh chưng, trong cái mùi thoang thoảng của hạt nếp quyện với thịt mỡ dưới những lớp lá dong của đêm 28, 29 tháng Chạp. Xếp bên cạnh những cặp bánh chưng thờ tổ tiên, biếu tặng ông bà, người lớn cũng mang đến cho lũ trẻ sự háo hức khi gói những chiếc bánh tí hon dành riêng cho mỗi đứa.

Thế rồi sáng 30, tung tăng cùng mẹ đi phiên chợ Tết sắm sửa, chuẩn bị cho mâm cỗ những ngày năm mới. Đôi câu đối đỏ cùng tràng pháo treo trước nhà báo hiệu cho thời khắc chuyển giao đầy rộn ràng đã tới bên thềm nhà.

Chuẩn bị Tết chộn rộn là thế, ba ngày “Tết cha – Tết mẹ – Tết thầy” cũng mong ngóng nào áo dài xúng xính, nào chúc nhau năm mới an khang. Lũ trẻ chờ đợi những phong lì xì đỏ, những món kẹo ngọt, ô mai. Mẹ thì mong chờ được bày biện những chén đĩa mới tinh đón khách tới chơi nhà. Tết ngày xưa cứ khiến lòng người nôn nao đợi chờ như vậy đó.

Thế rồi công việc bận rộn, đời sống ngày một hối hả, dường như Tết Việt đang dần mất đi hương vị đậm đà, ấm áp của ngày xưa và trở nên nhạt nhòa bản sắc.

“Bên cạnh Tết nguyên đán, Tết Tây và Giáng sinh cũng ngày càng được chú trọng hơn. Việc sắm Tết của dân thành thị không còn khác ngày thường là mấy” – GS, TSKH Trần Ngọc Thêm chia sẻ cảm nhận về Tết kiểu hiện đại ngày nay.

Ảnh hưởng của quá trình hội nhập, toàn cầu hóa cuốn người ta theo guồng quay của văn hóa phương Tây. Nhiều gia đình nhất là những nơi thành thị không còn giữ được nguyên vẹn những phong tục cổ truyền khi mà mọi thứ đều có thể được mua sẵn, chỉ mất một chút thời gian là xong.

Muốn bánh chưng có bánh chưng, muốn dưa hành có dưa hành, tội gì nhọc công hì hụi trông nồi bánh cả đêm trời. Đặt người làm bánh mang đến tận nhà hoặc ra siêu thị mua là có hết.

Rồi ba ngày chúc Tết năm mới không còn là vấn đề quan trọng khi những chuyến du lịch xa xôi, những lịch trình vui vẻ cùng bè bạn đã được lên kế hoạch từ rất sớm.

Dù trong tâm thức, mỗi người dân Việt Nam hiện đại đều hiểu được rằng sẽ thật khó khăn để có thể giữ lại được đúng cái phong vị ngày Tết xưa, nhưng ta vẫn luôn trân trọng những cảm xúc đẹp đẽ với hương vị Tết quen thuộc, bình dị mà thiêng liêng của Tết cổ truyền Việt Nam. Trong sâu thẳm mỗi người vẫn luôn mong ngóng được chìm trong không khí truyền thống ấy mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Cuộc sống hiện đại mang đến nhiều thay đổi trong cái cách người Việt đón Tết, nhưng những giá trị cốt lõi của Tết Nguyến Đán thì vẫn vẹn nguyên theo năm tháng.

Đã từ lâu, Tết Nguyên Đán mang một ý nghĩa văn hóa – tinh thần rất lớn trong đời sống của người Việt. Tết không chỉ thể hiện sự giao cảm giữa trời đất và con người theo quan niệm của người phương Đông, mà thiêng liêng hơn đó chính là ngày sum họp, đoàn tụ của mọi gia đình sau một năm làm lụng vất vả.

Mỗi khi Tết đến, bất kỳ ai dù làm nghề gì, ở bất cứ nơi đâu cũng đều mong được trở về quê hương, cùng quây quần bên nồi bánh chưng đêm 30 và tận hưởng phút giây ấm áp bên bữa cơm tất niên cùng gia đình, người thân trước thềm năm mới.

Không chỉ vậy, Tết Nguyên đán còn là khởi đầu cho một năm với nhiều thành công và may mắn. Vì vậy mà ngay từ trước Tết, nhà nhà đều tất bật sắm sửa cây cảnh, cành mai, cành đào để trang hoàng nhà cửa thêm rực rỡ và chào đón một năm với nhiều may mắn, phát tài phát lộc.

Bước sang mùng 1 Tết, cả người lớn lẫn trẻ nhỏ đều xúng xính trong bộ quần áo mới, sửa soạn tân trang để đi chúc tết họ hàng và bạn bè. Đây cũng là thời điểm mà tất cả mọi người trao nhau lời chúc tốt đẹp và những phong bao lì xì đỏ, tượng trưng cho ước nguyện mang lại hạnh phúc và tài lộc đến mọi người trong năm mới.

Dù là Tết nay hay Tết xưa, tục lệ này vẫn luôn được gìn giữ và thực sự trở thành một truyền thống tốt đẹp trong văn hóa của người Việt.

Sưu tầm.

Theo báo Tuổi trẻ Online

Nguồn từ 2 bài viết:

https://tuoitre.vn/nho-huong-vi-tet-co-truyen-20180131153510576.htm

https://tuoitre.vn/nhung-gia-tri-con-mai-voi-thoi-gian-cua-tet-co-truyen-viet-20201231121702576.htm