Kỉ niệm 78 năm Ngày Nam bộ kháng chiến, chúng ta cùng ôn lại truyền thống yêu nước, phát huy hào khí “Nam bộ kháng chiến” qua bài viết của đồng chí Nguyễn Văn Nên – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đăng trên báo Sài Gòn Giải phóng số ngày 23/9/2023.
Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy tinh thần Nam bộ kháng chiến cho hôm nay
Ngày 25-8-1945, Cách mạng Tháng Tám thành công ở Sài Gòn. Ngày 2-9-1945, Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân. Ngày 23-9-1945, tức chỉ 21 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt đồng bào tuyên bố độc lập, thực dân Pháp đã nổ súng quay lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Nhân dân Nam bộ đã nhất tề đứng lên chiến đấu chống lại kẻ thù. Cuộc kháng chiến của đồng bào Nam bộ và sau đó là cả nước bắt đầu!
- Trước ngày Nam bộ kháng chiến, nhìn thấu âm mưu của thực dân Pháp luôn khiêu khích, đưa ra nhiều yêu cầu phi lý bất chấp độc lập chủ quyền của Việt Nam, Xứ ủy Nam bộ và Ủy ban nhân dân Nam bộ đã đề cao cảnh giác, một mặt hết sức kiềm chế, mặt khác gấp rút chuẩn bị chiến đấu. Các đơn vị lực lượng vũ trang được bổ sung quân số và trang bị thêm vũ khí. Sài Gòn – Chợ Lớn được chia thành 5 mặt trận sẵn sàng đánh địch.
Đêm 22 rạng sáng 23-9-1945, khi quân Pháp nổ súng tiến công, đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng trong thành phố Sài Gòn, ngay lập tức, quân và dân Sài Gòn đã nhất tề đứng dậy tổ chức chiến đấu, quyết tâm bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được. Sáng 23-9, tại nhà số 629 đường Cây Mai – Chợ Lớn (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5), Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam bộ triệu tập hội nghị khẩn cấp, bàn chủ trương, biện pháp đối phó quân Pháp. Hội nghị thống nhất lập tức phải đánh địch đồng thời báo cáo khẩn cấp xin chỉ thị của Trung ương; quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam bộ và Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn – Chợ Lớn.
Thực hiện quyết nghị của Hội nghị, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn – Chợ Lớn đã lãnh đạo nhân dân toàn thành phố thực hiện nhiều biện pháp chống giặc: không họp chợ, công nhân các nhà máy đồng loạt nghỉ việc; quán tiệm không mở cửa, bàn ghế, tủ giường được bày dọn ra các đường phố chính, cây cối, trụ đèn được đốn ngã làm chướng ngại vật… để cản bước tiến của quân địch; phá hỏng nhà máy đèn để ban đêm thành phố chìm trong bóng tối… Trước tình cảnh đó, Hãng thông tấn Anh Reuters ngày 30-9-1945 đã mô tả: “Sau 7 ngày tình thế càng nghiêm trọng hơn. Chúng tôi ở Sài Gòn lâm vào cảnh rất nguy ngập về lương thực, vì trên bộ, quân và dân Việt Nam phong tỏa. Các kho gạo của quân đội Nhật trước đây đều bị người Việt Nam đốt phá hết nơi này đến nơi khác… Càng ngày càng khó kiếm thức ăn và nước uống”…[1]
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ tại kỳ họp thứ 11 HĐND TPHCM khóa X vào ngày 19-9. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Đêm 23-9-1945, sau khi nhận được điện của Nam bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Chính phủ họp khẩn cấp, nhất trí với quyết định của Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam bộ, kêu gọi đồng bào Nam bộ đứng lên kháng chiến bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Mặc dù phải đối phó cùng lúc với thù trong giặc ngoài, nhưng Đảng, Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân các tỉnh miền Bắc chi viện lực lượng, vũ khí, vật tư, lương thực cho Nam bộ kháng chiến. Trong thời gian ngắn, các tỉnh miền Bắc đã tổ chức nhiều đơn vị bộ đội Nam tiến, kịp thời vào Nam tham gia chiến đấu trên hầu hết các mặt trận ở Sài Gòn và nhiều địa phương khác ở khắp Nam Trung bộ.
Từ ngày mở đầu kháng chiến (23-9-1945) đến khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19-12-1946), trên chiến trường Nam bộ, ta đã từng bước thống nhất lực lượng vũ trang, hệ thống tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể cách mạng, diệt tề trừ gian, làm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch. Tuy nhiên, do lực lượng quân sự còn non trẻ, hệ thống tổ chức và chỉ huy mới hình thành thiếu thống nhất, chưa chặt chẽ, kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều, ta đã không ngăn chặn được sức tiến công của địch. Thực dân Pháp lần lượt chiếm đóng các thành phố, thị xã, các đường giao thông quan trọng, tăng cường càn quét, “bình định” các vùng nông thôn rộng lớn. Cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam hết sức gay go, quyết liệt.
Tuy chưa thể đánh bại được kế hoạch mở rộng đánh chiếm của thực dân Pháp, nhưng cuộc chiến đấu của quân và dân Nam bộ đã bước đầu làm thất bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch, khẳng định ý chí bảo vệ độc lập, tự do. 450 ngày đêm ròng rã kháng chiến tuy không dài nhưng cuộc chiến đấu ở Nam bộ đã tạo một dấu mốc rất quan trọng, tạo tiền đề cho việc xác lập đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện sau này, đồng thời khẳng định những quy luật của chiến tranh cách mạng trong điều kiện và bối cảnh mới của lịch sử. Đó là quy luật của chiến tranh nhân dân chống chiến tranh xâm lược, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Để ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân Nam bộ, tháng 2-1946, trong đợt tôn vinh các chiến công vang dội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ tặng đồng bào Nam bộ danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc”.
Trong điện văn gửi đồng bào miền Nam, ngày 28-3-1947, nhân dịp 100 ngày toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, đồng bào Nam bộ và miền Nam Trung bộ phấn đấu đã lâu, hy sinh đã nhiều. Nhưng càng hy sinh tranh đấu, đồng bào ta càng kiên quyết, càng dẻo dai, càng mạnh mẽ. Sự anh dũng của đồng bào trong đó đã làm gương cho đồng bào toàn quốc noi theo. Chúng ta đồng tâm hiệp lực, không sợ gian nan, kiên quyết tranh đấu đến cùng, thì trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất, độc lập nhất định thành công”[2].
- Năm tháng đã dần trôi qua nhưng những giá trị quý báu của các bài học trong Nam bộ kháng chiến 78 năm về trước vẫn còn vẹn nguyên giá trị to lớn, là cơ sở lý luận, thực tiễn quan trọng, giúp Đảng ta tiếp tục kế thừa, phát triển sáng tạo trong tình hình mới. “Nam bộ thành đồng” luôn là niềm tự hào, là nguồn động viên cổ vũ nhân dân ta vững bước tiến lên trên con đường xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Các bài học chủ yếu đó là: thứ nhất, khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ đối với cuộc kháng chiến ở Nam bộ; thứ hai, tinh thần chủ động, nhạy bén, sáng tạo của Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ; thứ ba, phát huy sức mạnh nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc để tiến hành kháng chiến; thứ tư, tranh thủ mọi điều kiện, thời cơ huy động sức người, sức của chi viện cho chiến trường; thứ năm, chỉ đạo tác chiến, kịp thời, linh hoạt, chủ động, sáng tạo, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc; thứ sáu, khẳng định sự sáng suốt, bản lĩnh, trách nhiệm của người lãnh đạo chỉ huy, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo và quyết định những vấn đề quan trọng trong những thời khắc quan trọng nhất của cuộc kháng chiến ở Nam bộ…
Một trong những giá trị đọng lại sâu sắc có ý nghĩa dẫn đường cho cách mạng Việt Nam nói chung và sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng là tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nhạy bén, linh hoạt, không khuất phục, đầu hàng trước bất kỳ thử thách, khó khăn nào của đồng bào Nam bộ, của các cán bộ, chiến sĩ, của những người lãnh đạo Xứ ủy. Đặc biệt, dấu ấn quan trọng của cuộc kháng chiến ở Nam bộ bắt đầu từ những quyết định cân não của người chịu trách nhiệm cao nhất, đó là đồng chí Trần Văn Giàu.
×
Trong thời khắc khó khăn ấy, nhất là như chưa có sự liên lạc với cơ quan đầu não tối cao của Trung ương ở Hà Nội, bằng cảm quan chính trị sâu sắc, khả năng lãnh đạo nhạy bén, linh hoạt, quyết đoán của mình, đặc biệt là sứ mệnh trước lịch sử, nhân dân và đất nước, người đứng đầu ở Nam bộ khi ấy đã thể hiện xuất sắc bổn phận, vị trí, vai trò của mình, cùng quân và dân Nam bộ, Nam Trung bộ làm nên cuộc Nam bộ kháng chiến như một dấu son hào hùng trong lịch sử của dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên trao đổi với các đại biểu khi tham quan Trung tâm Điều độ hệ thống điện TPHCM vào ngày 6-7-2023. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Tiếp nối truyền thống yêu nước, phát huy hào khí “Nam bộ thành đồng”, Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay luôn nỗ lực, phấn đấu, xứng đáng với những việc mà thế hệ cha anh đã làm được. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chung sức, chung lòng vượt qua mọi khó khăn thử thách, gian khổ, hy sinh, cùng cả nước làm nên những thắng lợi to lớn trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, nhiều dấu ấn nổi bật, tạo chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Với phương châm: “Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh”.
Trong giai đoạn cách mạng mới, trước nhu cầu đòi hỏi của đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm huy động và phát huy nhân tài trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó, đề cao việc lựa chọn, trọng dụng những cán bộ dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm. Mới đây, ngày 22-9-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Thành phố đang tập trung mọi nguồn lực triển khai quyết liệt Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố xác định rất rõ, đây là cơ hội rất lớn để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển bứt phá và bền vững của thành phố trong thời gian tới. Hướng đến mục tiêu “đến năm 2045: Thành phố Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao…”
Để thực hiện thắng lợi các Nghị quyết, sứ mệnh của cả đội ngũ cán bộ các cấp của thành phố đối với thành phố Hồ Chí Minh là rất vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của đồng bào và cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ hết lòng, hết sức từ các chuyên gia, nhà khoa học, thành phố cam kết quyết tâm thực hiện khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung và sẽ có biện pháp bảo vệ để cán bộ an tâm hành động. Trong giai đoạn có ý nghĩa rất quan trọng này, rất cần một tinh thần Nam bộ kháng chiến trong việc đưa thành phố tăng tốc và phát triển mạnh mẽ.
Đã trải qua 78 năm, bài học mà Nam bộ kháng chiến để lại, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết rất quan trọng có giá trị cho sự phát triển của thành phố trong thời gian tới thì tinh thần quật khởi, ý chí mạnh mẽ, đoàn kết, quyết tâm, chủ động, linh hoạt, sáng tạo của Ngày Nam bộ Kháng chiến rất cần cho công cuộc xây dựng và phát triển hôm nay.
———-
(1) Nguồn: https://hochiminhcity.gov.vn/tin-tuc/v/-/asset_publisher/6MeKi7djC3fc/content/sai-gon-ung-len-va-khang-chien-chong-thuc-dan-phap-thang-loi-1930-1954
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tr.136.
NGUYỄN VĂN NÊN
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh