Giúp trang bị cho các em học sinh những giá trị văn hóa cốt lõi

 

Học sinh trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa đã sân khấu hóa các câu chuyện về Bác Hồ để chuyển tải những thông điệp ý nghĩa tới cho học sinh nhà trường.

Một trong những ngành tích cực triển khai xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh từ sớm và thường xuyên đó chính là ngành giáo dục. Ngay trong năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã xác định xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là một trong những nội dung trọng tâm để cùng chung tay xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Các trường học trên địa bàn đã chủ động, linh hoạt triển khai “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” theo đặc thù riêng, phù hợp với cơ sở vật chất, nhu cầu của giáo viên và học sinh, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Cùng với đó, giáo viên cũng vận dụng không gian này vào công tác giảng dạy để học sinh hiểu thêm và làm theo những lời Bác dạy. Không gian còn là nơi tổ chức các chủ điểm sinh hoạt, hội thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tuyên dương điển hình giáo viên, học sinh tiêu biểu trong học và làm theo Bác.

Hưởng ứng chủ trương xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (Q 1,TP Hồ Chí Minh) đã có những cách làm thiết thực, hiệu quả. Thầy Phạm Thanh Yên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết: “Nhà trường yêu cầu các tổ chuyên môn, trong đó nhóm bộ môn Khoa học xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, GDCD) là lực lượng nòng cốt trong việc triển khai các nội dung thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị. Các tổ chuyên môn tích hợp giới thiệu và lan tỏa các gương điển hình thông qua kế hoạch giảng dạy bộ môn của năm học. Việc tổ chức được triển khai dưới hình thức lồng ghép trong tiết học bộ môn, thao giảng chuyên đề hoặc báo cáo dự án học tập.

Cùng với đó, thời gian qua, Nhà trường đã tiến hành xây dựng phòng trưng bày, triển lãm “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại thư viện tiên tiến. “Mục đích bố trí tại thư viện vì đây là nơi thu hút sự quan tâm của học sinh, nơi tập hợp, lưu giữ những sách quý, tài liệu, tranh ảnh, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, học sinh, giáo viên có thể đọc sách, học nhóm, trao đổi. Thông qua không gian này, hình ảnh của Bác luôn hiện diện gần gũi với giáo viên, học sinh”, thầy Yên chia sẻ.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được đặt trong Thư viện của Nhà trường-nơi các em học sinh tham gia các buổi học, thảo luận, sinh hoạt nhóm.

Không chỉ dừng lại như những thư viện thông thường, thầy Phạm Thanh Yên cho biết, đây còn là nơi có thể sử dụng làm “lớp học” với các tiết giảng được lồng ghép những hình ảnh sinh động trực quan tại thư viện vào các bài học có liên quan.

Theo thấy Yên, “việc tổ chức dạy học tại không gian thư viện để thay đổi không gian lớp học truyền thống, tạo hứng thú và đưa “Không gian văn hoá Hồ Chí Minh” vào thực tiễn mà ở đây cụ thể là vào từng tiết giảng, vào từng bài học”.

Ngoài hoạt động giảng dạy, Nhà trường còn xây dựng chuyên mục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên Website; tổ chức các buổi sinh hoạt dưới cờ.

Đoàn trường cũng đề ra những giải pháp đưa “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” vào chương trình rèn luyện năm học 2023-2024 để Bí thư Chi Đoàn các lớp triển khai đến đoàn viên và các bạn học sinh ở lớp xây dựng kế hoạch học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thông qua những việc làm cụ thể, trong đó nổi bật là xây dựng các tiểu phẩm, sân khấu hóa bằng các vở kịch thi kể chuyện về Bác Hồ bằng Tiếng Anh.

Việc vận dụng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Nhà trường luôn mang tính thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả, không hình thức và tạo được niềm tin, ý thức tự giác và sự lan tỏa rộng rãi. Với chiến lược phát triển nhà trường theo định hướng “Tiệm cận giáo dục quốc tế trên nền tảng một trường công lập Việt Nam”, việc xây dựng và lan tỏa những giá trị, phẩm chất tốt đẹp của Bác Hồ sẽ góp phần định hình và trang bị cho các em học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa những giá trị văn hóa cốt lõi, bền vững trong hội nhập quốc tế và xây dựng nên cộng đồng văn hóa học thuật riêng của nhà trường.

Trở thành không gian tuyên truyền, học tập, sinh hoạt cộng đồng

 

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn phường Hiệp Phú (Q Thủ Đức) trở thành nơi kết nạp Đội viên cho học sinh vô cùng ý nghĩa.

Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thể hiện ý chí, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh. Thành quả đạt được bước đầu hôm nay là có sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, trong đó Đảng bộ, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan, đơn vị giữ vai trò nòng cốt.

Việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không phải làm để cho có, để báo cáo thành tích mà đã trở thành hoạt động vô cùng hiệu quả, thiết thực. Phường Hiệp Phú, quận Thủ Đức là đơn vị đã làm tốt điều đó. Cuối tháng 4 vừa qua, Đảng bộ Phường đã khánh thành “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trong điạ bàn dân cư thuộc khu phố 2. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Đảng ủy Phường Hiệp Phú cho biết, công trình này được xây dựng tại tiểu đảo công viên cũ với diện tích 250m2, kinh phí gần 500 triệu đồng từ nguồn vận động trong Nhân dân và các đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân trong và ngoài địa phương. Bố cục gồm 28 khung triển lãm nội dung, hình ảnh liên quan tới cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tư tưởng Hồ Chí Minh đối với các giới, ngành và các lĩnh vực. Đồng thời, cũng trong không gian này còn lồng ghép các nội dung thông tin về lịch sử Đảng bộ, quy hoạch của địa phương và định hướng 7 khu quy hoạch trọng điểm sáng tạo của TP Thủ Đức.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cho biết, thông qua Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Đảng bộ Phường mong muốn góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi tới cán bộ, đảng viên, Nhân dân trên địa bàn về thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo  đức, phong cách Hồ Chí Minh, thấm nhuần tư tưởng của Người vào trong đời sống xã hội, trở thành lối sống, nếp nghĩ, nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

“Chúng tôi mong rằng, qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân tích cực học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần xây dựng, củng cố giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần vào sự phát triển của Phường nói riêng và TP Thủ Đức nói chung”, đồng chí Nguyễn Chí Thanh bày tỏ.

Ngay từ khi lên ý tưởng, kế hoạch xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trên địa bàn, chính quyền và người dân đã họp bàn và đi tới thống nhất xác định mục đích nơi đây phải là nơi tuyên truyền, sinh hoạt, học tập, rèn luyện thể dục cho cộng đồng dân cư đồng thời, công trình ấy chính là “tài sản” mà bà con sẽ phối hợp với chính quyền quản lý, giữ gìn và duy trì hoạt động thường xuyên để phục vụ cộng đồng.

Vui mừng khi Phường có một không gian không chỉ đẹp mà còn vô cùng ý nghĩa, anh Nguyễn Văn Tươi (địa chỉ 25 Ngô quyền khu phố 2) chia sẻ, trước kia nơi đây là một công viên nhỏ, bà con cũng có tới tập thể dục, vui chơi song vì là nơi công cộng nên đôi lúc vệ sinh cũng chưa thật sự sạch sẽ. Khi Phường có kế hoạch xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, chính quyền cũng đã họp để xin ý kiến của bà con từ mô hình thế nào, triển khai ra sao cho tới công tác quản lý sau khi công trình đi vào hoạt động, nên rất đồng thuận và cho tới nay, ai cũng rất phấn khởi, hài lòng.  Công trình là sự chung sức đồng lòng của chính quyền và Nhân dân, thể hiện sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm, năng động của cán bộ địa phương. Công trình được gắn hệ thống camera xung quanh để đảm bảo an ninh nhưng anh Tươi cho biết, “không cần camera phát hiện mà có bất kỳ hành động nào bất thường là bà con ra nhắc nhở liền. Bà con ở đây giám sát tích cực lắm, đảm bảo an toàn tuyệt đối cả ngày lẫn đêm. Họ xem không gian này là nơi thiêng liêng và ai cũng muốn chung tay, góp sức để gìn giữ, luôn dọn dẹp sạch sẽ”.

Không gian này cũng là nơi mà nhiều giáo viên đưa học sinh của mình tới để có thêm những cảm nhận sâu sắc hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua tranh, ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Người.

Anh Tươi cũng cho biết, hiện nay, nơi đây ngoài là không gian sinh hoạt cộng đồng của bà con thì còn là nơi diễn ra các buổi lễ kết nạp đội, đoàn trang trọng cho học sinh; là nơi giáo viên đưa học sinh tới để tìm hiểu thực tế, giúp các em hiểu sâu sắc hơn các bài học về Bác trong sách, vở. “Tư liệu về Bác thì người dân được tiếp cận rất nhiều trên các phương tiện truyền thông nhưng đôi lúc bà con nghe mà không nhớ thì nay, nhờ có không gian này, mỗi sáng, tối bà con ra đây tập thể dục, ngồi hóng mát có thể dễ dàng tìm hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp, về tư tưởng, đạo đức của Bác. Có người còn kể ở nhà có đứa cháu nhờ hướng dẫn làm bài văn về Bác, họ nói luôn cứ ra ngoài đó (Không gian văn hóa Hồ Chí Minh-PV) đọc sẽ biết làm, ngoài đó đủ hết thông tin”, anh Tươi vui mừng cho biết. Cũng theo chia sẻ của anh Tươi, với không gian ý nghĩa và đẹp, trong dịp Lễ 2/9 vừa qua, nơi đây đã đón rất nhiều các bạn trẻ, nhiều gia đình dẫn theo con cái tới để vui chơi và chụp hình kỷ niệm.

Chia sẻ về việc lan tỏa của không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong thời gian qua, bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay không gian văn hóa Hồ Chí Minh hiện hữu ở trong mỗi cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn thành phố. Nhưng quan trọng hơn là tấm gương của Người luôn tồn tại ở trong tim mỗi chúng ta để học tập noi theo. Chính vì thế, trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay, người dân ở Thành phố mang tên Bác mong muốn tiếp tục chắt lọc những giá trị văn hóa và không ngừng tự hoàn thiện bản thân để có thể noi theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./..

Bài, ảnh: Vương Lê