Trang chủ Chuyên môn Chuyên đề: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CHẾ ĐỘ ĐẠI NGHỊ VÀ CHẾ ĐỘ TỔNG THỐNG

Chuyên đề: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CHẾ ĐỘ ĐẠI NGHỊ VÀ CHẾ ĐỘ TỔNG THỐNG

bởi Lịch Sử Tổ
163 views

Chuyên đề: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CHẾ ĐỘ ĐẠI NGHỊ VÀ CHẾ ĐỘ TỔNG THỐNG

TS. Nguyễn Tiến Vinh

       Các nhà nước dân chủ hiện nay thường theo hai hình thức: đại nghị và tổng thống, khác nhau ở cách bầu chọn những người đại diện và lãnh đạo.

      Trong chế độ đại nghị, chính phủ (đứng đầu là thủ tướng) do đảng hay liên hiệp các đảng nắm đa số trong Quốc hội lựa chọn. Sự khác nhau giữ hai hình thức này được thể hiện trong những vấn đề sau:

      Dân chủ đại nghị và dân chủ tổng thống khác nhau ở quan hệ giữa lập pháp và hành pháp. Trong chế độ đại nghị, Quốc hội giữ thế thượng phong, còn trong chế độ tổng thống thì tổng thống vừa là nguyên thủ quốc gia, vừa là người đứng đầu chính phủ. Tổng thống và đại biểu Quốc hội (lập pháp) đều do dân bầu.

     Trong chế độ đại nghị, các đảng chính trị đóng vai trò rất quan trọng, mặc dù các nghị sĩ là những người đại diện cho toàn dân chứ không phải cho một đảng phái hay một nhóm người nào. Các đảng phái chính trị có ảnh hưởng lớn hơn trong giai đoạn bầu cử vì sau khi bầu cử, họ thường liên kết thành các nhóm đa số hay nhóm đối lập.

      Trong chế độ tổng thống, các đảng phái chính trị có ảnh hưởng ít hơn đối với hoạt động của các cơ quan lập pháp. Ví dụ như ở Mĩ, khi cả tổng thống và Quốc hội đều là người của một đảng thì tổng thống sẽ dễ dàng hơn trong việc thông qua các dự luật tại Quốc hội (Thượng viện và Hạ viện).

       Sự khác nhau chủ yếu giữa chế độ đại nghị và tổng thống là mối quan hệ giữa nhánh lập pháp và hành pháp. Trong chế độ đại nghị, hai nhánh này gần như là một vì thủ tướng và các thành viên chính phủ đều là nghị sĩ. Thời gian cầm quyền của chính phủ thường được giới hạn trong khoảng 4 đến 5 năm, trừ khi phe ủng hộ thủ tướng bị mất đa số tại Quốc hội. Trong trường hợp như thế, người ta sẽ tiến hành tổng tuyển cử và thành lập chính phủ mới.

        Trong chế độ tổng thống, tổng thống vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là người đứng đầu chính phủ. Tổng thống cũng như các nghị sĩ đều do nhân dân trực tiếp bầu. Theo mô hình phân quyền, thành viên chính phủ thường không phải là nghị sĩ. Nếu đảng của tổng thống nắm đa số ghế tại Quốc hội, chính sách của tổng thống sẽ dễ được thông qua hơn; nhưng khác với thủ tướng, tổng thống không phụ thuộc vào phe đa số, ông có thể tại vị mà không cần có đa số trong Quốc hội ủng hộ.

Các ưu điểm và hạn chế của hai hình thức đại nghị và tổng thống:

      Ưu điểm chính là chế độ đại nghị là ở tính mềm dẻo và khả năng phản ứng với những biến động. Các chính phủ đại nghị, đặc biệt là khi được bầu theo lối tỉ lệ thường có xu hướng đa đảng, khi đó, ngay các đảng phái nhỏ cũng có thể có đại diện trong các cơ quan lập pháp. Kết quả là, những nhóm thiểu số cũng có thể tham gia vào các quá trình chính trị ở trong các cơ quan cao nhất của chính phủ. Sự đa dạng như thế góp phần thúc đẩy những cuộc đối thoại và thỏa hiệp khi các đảng đối kháng với nhau thành lập liên minh cầm quyền. Nếu liên minh tan vỡ hay đảng mất quyền cai trị thì thủ tướng phải từ nhiệm và một chính phủ khác được thành lập hoặc phải tiến hành tổng tuyển cử, nhưng không có khủng hoảng đe dọa chính hệ thống dân chủ.

    Hạn chế chính của chế độ đại nghị là mặt trái của tính mềm dẻo và sự tham gia của nhiều đảng phái trong chính phủ, tức là thiếu tính ổn định.

  1. Liên hiệp đa đảng có thể không ổn định và sẽ tan vỡ ngay khi có khủng hoảng. Điều đó có nghĩa là thời gian cầm quyền của chính phủ thường tương đối ngắn.
  2. Chính phủ có thể bị các đảng hay các nhóm cực đoan khống chế, họ có thể dọa rút khỏi liên minh cầm quyền và như thế chính phủ phải từ nhiệm, họ cũng có thể đòi chính phủ thi hành những đường lối theo xu hướng của họ. Hơn nữa, thủ tướng chỉ là lãnh tụ chính tri, không đủ uy quyền của một người do dân trực tiếp bầu.
  3. Một lo ngại nữa: thiếu các hạn chế hiến định, đảng chính trị chiếm đa số tuyệt đối trong Quốc hội có thể thực hiện các cương lĩnh chính trị với những hậu quả nghiêm trọng mà không được ngăn chặn kịp thời, có thể dẫn đến tình trạng độc tài của đa số trong tương lai.

     Ưu điểm chủ yếu của chế độ tổng thống là, thứ nhất, trách nhiệm trực tiếp trước dân, thời gian dài và có sức mạnh; thứ hai, vì tổng thống do dân bầu nên ông có uy quyền, không lệ thuộc vào thái độ của các đảng phái trong Quốc hội; thứ ba, hai nhánh quyền lực đều có thực quyền và về lí thuyết thì ngang nhau, chế độ tổng thống cố gắng làm cho lập pháp và hành pháp đều mạnh, mỗi nhánh đều do dân cử và có thể làm đối trọng và kiểm soát lẫn nhau.

      Hạn chế là ở chỗ tổng thống và nghị sĩ được bầu riêng rẽ, có thể xảy ra tranh chấp, dẫn đến không thể giải quyết được những bất đồng. Tổng thống có thể không nhận được đủ số phiếu ủng hộ tại Quốc hội nên không thể thực hiện được một chính sách nào đó, đồng thời, ông có thể sử dụng quyền phủ quyết, ngăn không cho Quốc hội thông qua một dự luật nào đó. Do được bầu trực tiếp nên tổng thống có thể có quyền lực hơn thủ tướng. Nhưng tổng thống lại phải thỏa hiệp với cơ quan lập pháp, dù nó có bị phe đối lập kiểm soát hay không, vì đây là cơ quan cũng được dân trực tiếp bầu một cách độc lập với tổng thống. Kết quả là kỉ luật đảng ở đây yếu hơn so với chế độ đại nghị. Khác với thủ tướng, tổng thống không cách chức hay thi hành kỉ luật các đảng viên. Thủ tướng, khi nắm được đa số tuyệt đối, có thể đảm bảo rằng chương trình của ông sẽ được thông qua. Gặp trường hợp khi thượng viện kiên quyết bảo vệ ưu quyền của mình thì tổng thống phải đàm phán rất lâu mới có thể thông qua được một tu chính nào đó.