Trang chủ Liên kếtCác câu lạc bộ Bộ ảnh “Đông bình Tây quả” của Câu lạc bộ Văn hóa Việt Nam (Phần 1)

Bộ ảnh “Đông bình Tây quả” của Câu lạc bộ Văn hóa Việt Nam (Phần 1)

bởi TDN Đoàn đội
69 views
[PHOTOSHOOT] ĐÔNG BÌNH TÂY QUẢ – PHẦN 1
     Trong đời sống tinh thần của người Việt, gian thờ là “hồn” của mỗi gia trang, nhất là vào những dịp trọng đại như Tết cổ truyền, khu vực thờ cúng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Ngoài việc sắm sửa đầy đủ đồ thờ như bộ tam sự, bát nhang,… thì cách sắp xếp vật cúng cũng phải theo nguyên tắc, đó là “Đông bình Tây quả”. Hiểu nôm na, đây chính là cách bày trí trên nghi thờ gia tiên, phổ biến ở miền Nam.
     Ở đó, bình bông phải được đặt ở hướng Đông (tức bên phải) – tượng trưng cho một mùa xuân hoa nở, và mâm ngũ quả đặt ở hướng Tây (tức bên trái) – tượng trưng cho mùa thu khi hoa kết trái. Ngoài ra ông bà ta còn quan niệm, đặt bông hướng Đông có ngọn gió mang hương thơm thoảng lên bài vị, trái cây để hướng Tây không những có hơi ấm của đèn làm quả ngọt trái thơm mà còn thuận phía tay phải ông bà dùng.
Với mong muốn giới thiệu đến mọi người các bước cắm bông trên nghi thờ gia tiên phổ biến ở Nam Bộ mà bạn có thể áp dụng vào dịp Tết này, Câu lạc bộ Văn hóa Việt Nam thực hiện phần đầu tiên của bộ ảnh “Đông bình Tây quả” mang tên “Đông bình”.
     Để thực hiện được dự án “Đông bình Tây quả” – được phụ trách chính bởi bạn Phạm Nhật Tiến, Câu lạc bộ Văn hóa Việt Nam xin chân thành cảm ơn:
– Anh Nguyễn Duy Linh: hỗ trợ về mặt thông tin và hình ảnh
– Chiêu Minh Các: hỗ trợ về địa điểm chụp ảnh
– Bạn Diễm Phụng và bạn Quang Tâm: chỉnh sửa hình ảnh
==============
Mọi thắc mắc hay ý kiến đóng góp vui lòng liên hệ:
– Email: vanhoaviettdn@gmail.com
– Facebook: @vanhoavntdnschool
BƯỚC 1: CẮT BÔNG
     Khi chưng bông cúng dâng lên nghi thờ gia tiên, điều đầu tiên không thể thiếu chính là cắt bông để điều chỉnh độ dài ngắn của thân tùy theo kích thước và chức năng của chúng, giúp bông cắm vào bình được đều hơn.
BƯỚC 2: CẮM BÔNG ĐỘN
     Loại bông đầu tiên được cắm vào bình gọi chung là bông độn, chủ yếu cho đầy bình để dễ chưng bông. Bông độn thường là bông nhỏ, thân dày và lá to, ở đây, chúng mình sử dụng bông cúc nhỏ.
     Chọn bông cúc vừa mới nở, màu tươi, cánh đều khít nhau, nở xòe tròn đều. Nên chọn bông có thân đủ cứng để khi cắm không bị rũ xuống gây mất thẩm mỹ.
     Cắm bông đẹp và cao nhất đặt ở giữa làm bông chính, cao hơn bình khoảng 20-25cm. Sau đó, cắt các bông còn lại thấp hơn bông chính tầm 3cm rồi cắm xung quanh.
BƯỚC 3: CẮM BÔNG NGỌN
     Tiếp sau cắm bông độn chính là bước cắm bông ngọn. Người ta thường dùng các loại bông nhỏ mọc thẳng đứng như huệ trắng, bông ly, salem,… Trong hình, chúng mình sử dụng huệ trắng – tạo nên sự phối màu hài hòa với bông cúc nhỏ.
     Chọn bông huệ chưa nở, nhiều nhuỵ và nhuỵ mới hé để hoa lâu tàn. Nên chọn các bông có kích thước và chiều dài tương đương.
     Cắm huệ xung quanh cho tròn bình, cách tầng bông độn cỡ 10-15cm. Khi này, búp nụ đan xen màu xanh non.
     Một bình bông đẹp chính nhờ vào sự tinh tế của người cắm khi sắp xếp các bông ngọn. Ở bước tiếp theo, chúng mình cắm huệ đỏ xen với huệ trắng tăng tính thẩm mỹ.
     Nếu như bông huệ trắng tượng trưng cho tuổi trẻ, sự trong sáng, thuần khiết, thì bông huệ đỏ tượng trưng cho sự hạnh phúc, thịnh vượng và sung túc.
     Các cành trắng và đỏ cắm so le nhau, ôm gọn lớp bông độn. Không để bông xoè quá rộng làm mất tính thẩm mỹ của bình bông.
BƯỚC 4: CẮM BÔNG ĐIỂM XUYẾN
     Để tạo sự phối hợp hài hòa cân đối với các bông nhỏ trong bình, cắm bông điểm xuyến là một bước không thể thiếu. Bông điểm xuyến thường là bông lớn như đồng tiền, hướng dương,… Trong hình, chúng mình sử dụng bông cúc lớn, cắm theo tầng.
     Cũng như ở phần chọn bông cúc độn, ở đây, ta chọn bông cúc vừa nở, có màu tươi, nở xòe tròn đều, không có cánh bị dập nát, cành phải có lá tươi xanh mướt.
     Cắm bông cúc to hướng ra ngoài, bắt đầu từ tầng cao ở sát các bông ngọn. Lưu ý không cắm bông nở quay mặt vào góc khuất để bông hút được dương khí tốt.
     Bông điểm xuyến được cắm theo 3 tầng, từ cao xuống thấp. Trong hình, chúng mình đang hoàn thiện các tầng bông cúc, canh cho đều bình bông.
BƯỚC 5: CẮM BÔNG TRANG TRÍ
     Bình bông đã gần được hoàn thiện! Bước cuối cùng chính là cắm bông trang trí lấp đầy khoảng trống phía trên của bình. Ở đây chúng mình cũng dùng bông nhỏ, trong hình là bông salem.
     Salem có thân dài mảnh, vì vậy cần chú ý trong khoản cắt bông để có được chiều cao tương xứng với các bông khác trong bình.
     Salem được cắm cuối, ở sau các bông khác để tô điểm cho bình bông thêm trang nhã.
HOÀN THÀNH!
     Vậy là bình bông để chưng lên nghi thờ gia tiên ngày Tết đã được hoàn thiện. Với những ý nghĩa mà “Đông bình” mang lại, cùng với những hướng dẫn trên, chúng mình hy vọng các bạn có thể tự tay tạo nên một bình bông rực rỡ sắc màu ngày Tết bên gia đình.