Trang chủ Liên kếtHọc tập và làm theo lời Bác Việc nào cũng cần sự tận tụy, chăm chút

Việc nào cũng cần sự tận tụy, chăm chút

bởi admin
42 views

Bác Hồ thăm nông dân ở Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đang gặt mùa (năm 1954). (Ảnh tư liệu/TTXVN)

(Thanhuytphcm.vn) – Hồi ở chiến khu Việt Bắc, các cơ quan đóng sâu ở trong rừng. Hàng tháng, mọi người phải đi lấy gạo về ăn, có khi mất cả ngày mới được một chuyến. Một lần, Bác Hồ đi công tác qua một con suối, thấy đông cán bộ, trong đó có nhiều trí thức, trên đường đi lấy gạo về, đang ngồi nghỉ. Bác dừng chân hỏi: “Đố các cô các chú, trong nghề nông, việc nào làm dễ nhất?”. Mọi người cùng trả lời. Người bảo dễ nhất là gieo mạ, gặt hái; người thì cho là xay lúa, giã gạo… Thấy mọi người thảo luận một lúc khá lâu nên một bác sĩ giục Bác: “Thưa Bác, Bác chấm cho ai trả lời đúng ạ?”. Bác cười: “Theo Bác, việc làm dễ nhất là đi đến kho lấy gạo về nấu ăn…”.

Một câu chuyện rất ngắn mà cũng hết sức sâu sắc, ý nghĩa. Đặt ra một câu hỏi, Bác đã có ý “gợi mở” cho nhiều đồng chí; trả lời câu hỏi ấy là một lời nhắc nhở chạm cả vào trái tim và khối óc, thậm chí là một lời cảnh báo đến những ai còn xem nhẹ công việc tay chân, xem nhẹ việc đi lấy gạo. Tất cả chúng ta đều không thấy Bác dạy nhưng chính sự gợi mở và cách trả lời của Người đã là lời dạy mà có thể với nhiều đồng chí sẽ không thể nào quên.

Trong công việc của nhà nông, để làm ra được hạt gạo đều rất vất vả, từ khâu làm đồng (cày, bừa, đắp bờ…), làm giống (ủ giống, gieo mạ hoặc sạ…), cấy, giặm, bỏ phân, nhổ cỏ, thiếu nước thì tưới, dư nước thì tiêu, trừ sâu rầy, thu hoạch (gặt, cắt, đập, mang về sân phơi…) và đến bước cuối là đem giã (chà) thành gạo. Việc nào cũng cần sự chăm chút mới có thể đạt kết quả tốt nhất. Bởi vậy dân gian đã đúc kết: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Xưa kỹ thuật còn lạc hậu, dùng sức người là chính nên việc đồng áng vô cùng nhọc nhằn, nay đã có có máy móc giúp sức, công việc có nhẹ nhàng hơn, nhưng không vì thế mà làm ra được hạt gạo dễ dàng. Do đó, phải quý trọng sức lao động của người nông dân, phải quý trọng hạt thóc, hạt gạo; bởi vậy, nhiều người đã coi đó là “hạt ngọc” của trời.

Suy cho cùng, công việc nào có ý nghĩa thiết thực đến đời sống, đến nhiều người khác thì đều vất vả và vì thế đều phải cần sự tận tụy, chăm chút. Chỉ có những việc không tạo ra giá trị, không có ý nghĩa thì mới không cần quan tâm đầu tư. Thí dụ, người chèo đò đưa khách sang sông, tưởng chừng là việc đơn giản, chỉ cần có đò, biết chèo chống thì có thể thu tiền khách, không cần kỹ năng, không cần trình độ. Thực ra, trong công việc ấy, mục tiêu lớn nhất không phải chỉ đưa khách sang bến mà chính là phải bảo đảm an toàn cho mọi người, cho khách và chính bản thân người đưa đò. Do đó, việc chèo chống tuy không cần trình độ nhưng phải có kỹ năng, có kinh nghiệm và có thể ứng biến tốt trong từng hoàn cảnh cụ thể. Chẳng hạn, người chèo đò phải chú ý con nước, hướng gió, sự hợp tác của khách đi đò… để có cách xử lý phù hợp; bất kể sự bất cẩn nào đều có thể dẫn đến hậu quả tai hại.

Hay trong một cơ quan, người làm công việc có thể coi là tương đối đơn giản về trình độ là nhân viên tạp vụ, lao công, dễ có mặc cảm rằng mình là người thấp nhất. Kỳ thực, người làm công việc này cũng tạo ra giá trị quan trọng và có ý nghĩa cho cơ quan nên cũng cần sự cẩn trọng, chăm chút. Việc lau dọn hành lang, cầu thang, phòng họp… không chỉ tạo ra các khoảng không gian sinh hoạt sạch sẽ cho mọi người trong cơ quan mà còn tạo ra bộ mặt tích cực cho cơ quan khi có khách đến thăm. Hay trong phòng họp, bàn ghế được lau sạch, ly tách được rửa kỹ, các chậu cây được kê đặt hợp lý… cũng sẽ tạo ra ấn tượng và tâm lý tốt cho người dự họp. Rộng hơn, những điều đó còn ít nhiều phản ánh yếu tố ngăn nắp, kỷ cương của cơ quan đó.

Do đó, mỗi người khi được giao thực hiện một nhiệm vụ đều phải cố gắng thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, không được tự mình “đóng khung” việc đó có quan trọng hay không, bởi việc nào cũng quan trọng và từ từng việc của từng người sẽ tạo nên một chuỗi, một hệ thống các công việc của cả cơ quan. Một người tự cho mình làm công việc không quan trọng, ít ý nghĩa nên ít chăm chút, làm cho phần việc đó không được thực hiện tốt, hẳn nhiên làm giảm giá trị của kết quả chung trong đơn vị.

Đương nhiên, mỗi người cũng cần tránh việc tự đề cao vai trò, vị trí của mình, từ đó có thái độ ứng xử không đúng mực như tỏ vẻ “ta đây”, coi thường công việc của người khác, giành lấy công lao trong đóng góp chung… Công việc nào cũng có thể là không quan trọng nếu sản phẩm được tạo ra một cách vội vàng, thiếu cẩn trọng, không thể hiện rõ sự đầu tư, chậm tiến độ… bởi khi đó nó không còn tạo ra giá trị, không đóng góp được vào kết quả chung, thậm chí còn “kéo” chất lượng công việc chung của cả tập thể đi xuống.

Bởi vậy, từng người trong cơ quan đơn vị dù là lãnh đạo hay nhân viên đều phải thể hiện sự tận tụy, chăm chút trong từng công việc, từng sản phẩm của mình để đóng góp vào kết quả công việc chung của tập thể. Đây phải là tâm thế làm việc của tất cả mọi người trong hệ thống chính trị, trong từng cơ quan, đơn vị.

Vân Tâm

Nguồn: Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố: https://hcmcpv.org.vn/