STEM là viết tắt của Science, Technology, Engineering, and Mathematics. Theo Hiệp hội các giáo viên dạy khoa học quốc gia Mỹ National Science Teachers Association – NSTA, giáo dục bằng phương pháp STEM được định nghĩa như sau: “Giáo dục STEM là một cách tiếp cận liên ngành trong quá trình học. Trong đó các khái niệm học thuật mang tính nguyên tắc được lồng ghép với các bài học trong thế giới thực. Ở đó các học sinh áp dụng các kiến thức trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán vào trong các bối cảnh cụ thể. Giúp kết nối giữa trường học, cộng đồng, nơi làm việc và các tổ chức toàn cầu. Từ đó phát triển các năng lực trong lĩnh vực STEM và cùng với đó có thể cạnh tranh trong nền kinh kế mới”.
Vì những lợi ích trên, dạy học theo định hướng STEM ngày càng được chú trọng, và được khuyến khích áp dụng rộng rãi ở các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên đối với các bộ môn xã hội nói chung và các môn ngoại ngữ nói riêng, việc thực hiện các bài giảng theo định hướng STEM có nhiều khó khăn vì tính chất đặc thù của môn học. Để khắc phục vấn đề trên, giáo viên tổ ngoại ngữ đã nổ lực tìm ra giải pháp để kết hợp các phương pháp giảng dạy truyền thống và hiện đại để thiết kế nên những kế hoạch giảng dạy tiệm cận nhất với việc dạy học theo định hướng STEM. Bài viết này là sự chia sẻ một số hoạt động giáo viên tổ Ngoại Ngữ đã thực hiện để gắn kết STEM vào các tiết học.
1. Hướng dẫn và tổ chức cho học sinh thực hiện dự án liên môn giữa tiếng Anh và các môn học khoa học tự nhiên.
Học sinh được yêu cầu chọn một chủ đề đồng nhất giữa môn tiếng Anh và các môn khoa học tự nhiên để nghiên cứu. Thông qua học liệu số và tài nguyên mở trên mạng Internet (phần lớn bằng tiếng Anh) học sinh tự tìm hiểu, thực hiện thí nghiệm, thu thập dữ liệu, trình bày kết quả dự án và thực hành xây dựng các mô hình có các yếu tố kỹ thuật và khoa học hoặc trang trí các sản phẩm có các yếu tố nghệ thuật và thiết kế. Quá trình tự nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giáo viên sẽ giúp học sinh nâng cao kỹ năng đọc hiểu tài liệu, viết báo cáo và thuyết trình bằng tiếng Anh đồng thời nắm được các kiến thức khoa học của các môn kết hợp.
Sau đây là một số ví dụ minh họa:
a. Dự án khoa học liên môn Tiếng Anh – Sinh học: Chủ đề “Bảo vệ môi trường – Environment Conservation”
– Hoạt động mô phỏng và báo cáo thí nghiệm bằng tiếng Anh về sự phát triển của thực vật dưới tác động của ô nhiễm nước
– Hoạt động xây dựng mô hình minh họa về tác động của nạn phá rừng đối với thảm thực vật và xói mòn đất và báo cáo bằng tiếng Anh
b. Dự án liên môn Tiếng Anh – Địa lý: Chủ đề “Lễ hội – Festivals”
Hoạt động tìm hiểu cơ chế và thiết kế đèn trời từ lễ hội đèn trời Yi Peng, thuyết minh sản phẩm dự án bằng tiếng Anh.
2. Hoạt động nhóm và thuyết trình bằng tiếng Anh về các chủ đề khoa học trong giờ học tiếng Anh
Học sinh thảo luận nhóm về các chủ đề khoa học, liên quan đến các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch Sử, Địa lý và thực hành xây dựng các mô hình có các yếu tố kỹ thuật và khoa học hoặc trang trí các sản phẩm có các yếu tố nghệ thuật để minh họa cho bài thuyết trình. Hoạt động này đòi hỏi học sinh vận dụng các kiến thức khoa học đã được học từ các môn khoa học tự nhiên và vốn từ vựng tiếng Anh liên quan làm luận điểm cho bài thảo luận và thuyết trình. Quá trình này cũng hỗ trợ học sinh nâng cao kỹ năng trình bày kế hoạch và báo cáo bằng tiếng Anh, rèn luyện kỹ năng thuyết phục và tranh biện; trao đổi và cộng tác; giải quyết mâu thuẫn xung đột khi làm việc nhóm, đồng thời phát triển kĩ năng sử dụng các phần mềm thiết kế như Photoshop, Illustration … và các trang web hỗ trợ thiết kế như Canva để thực hiện các sản phẩm.
Sau đây là một số hoạt động minh họa:
a. Chủ đề “Môi trường”: Học sinh thảo luận về các vấn đề ô nhiễm môi trường và thiết kế Flash cards học tập từ vựng tiếng Anh về “Môi trường sống của chúng ta” bằng các phần mềm thiết kế.
b. Chủ đề “Technology”: Học sinh khảo sát, thảo luận, thuyết trình bằng tiếng Anh về các tồn tại về cơ sở vật chất của trường, từ đó thiết kế hoặc đề xuất các hệ thống và thiết bị điện tử phù hợp để giải quyết các vấn đề trên.
c. Chủ đề “Entertaiment”: Học sinh đọc hiểu và phân tích tác phẩm văn học bằng tiếng Anh kết hợp nghiên cứu và chế tạo sản phẩm ứng dụng kiến thức khoa học để minh họa cho tác phẩm. Học sinh được rèn luyện kỹ năng chọn lọc thông tin, kiến thức khoa học phù hợp và nghiên cứu nguyên vật liệu chế tạo phù hợp để tạo nên sản phẩm từ các vật liệu đã nghiên cứu. Cuối cùng, học sinh được yêu cầu trình bày về quá trình chế tạo bằng tiếng Anh. Qua đó, kỹ năng thuyết trình cũng được rèn luyện và bồi dưỡng.