Trang chủ Chuyên môn TÍNH CÁCH NGƯỜI SÀI GÒN – TP. HỒ CHÍ MINH  

TÍNH CÁCH NGƯỜI SÀI GÒN – TP. HỒ CHÍ MINH  

bởi Lịch Sử Tổ
4,493 views

1. Quá trình phát triển và những yếu tố tác động đến sự hình thành văn hóa, tính cách con người Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh.

1.1. Quá trình phát triển văn hóa, con người Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh.

1.1.1 Trước khi người Việt đến khai hoang lập ấp.

Thời tiền sử: xuất hiện sớm lớp văn hoá Đồng Nai. Các tộc người bản địa ở đây trình độ phát triển còn hạn chế (Mạ, Stiêng, M’Nông, K’Ho,…), với những nước nhỏ (Bà Lịa, Xương Thành Tinh, Đốn Tốn, Xích Thổ,…).

Thời sơ sử (đầu công nguyên đến khi người Việt khai hoang lập ấp) xứ Sài Gòn đã chịu ảnh hưởng văn hoá Óc Eo (Phù Nam), văn hoá Angkor (Chân Lạp). Tuy nhiên, về cơ bản những tộc người bản địa ở đây vẫn sống tự trị và giữ những phong tục, tập quán, những đường nét văn hoá riêng.

1.1.2. Giai đoạn khai phá hình thành tính cách con người Sài Gòn.

Cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, lưu dân người Việt đến khai hoang lập ấp ở xứ Đồng Nai – Bến Nghé. Họ mang theo truyền thống văn hoá Đại Việt, sống bao dung, hài hoà với bộ phận người Minh Hương, các tộc người bản địa, dần dần hình thành những tính cách văn hoá, con người của vùng đất mới.

Khi chúa Nguyễn lập đơn vị hành chính trên vùng đất Đồng Nai – Bến Nghé (1698), người Việt đã đến đây sinh sống. Họ vẫn bảo lưu các giá trị văn hóa đất Tổ, đồng thời cũng bỏ đi một số tập tục không phù hợp của văn hoá phong kiến Bắc Hà để hình thành tính cách văn hoá Gia Định – Sài Gòn. Cuối thế kỷ thứ XVIII, chúa Nguyễn sau là Triều Nguyễn đã bước đầu xác lập và chủ động đưa Nho học vào hệ thống giáo dục đào tạo, góp phần xây dựng nền văn hoá, tính cách con người xứ Sài Gòn – Gia Định. Văn hóa Việt giữ vai trò chủ thể.

1.1.3. Văn hóa, con người Sài Gòn phát triển trong thời kỳ mở rộng giao lưu, hội nhập và lan tỏa.

Khi Sài Gòn bị thực dân Pháp xâm lược, văn hóa, con người Sài Gòn cũng có những phát triển quan trọng. Trong lúc vẫn giữ cái gốc văn hoá Việt, người Sài Gòn cũng đi đầu tiếp thu những yếu tố tích cực của văn hoá phương Tây: Từ chữ viết, triết học, tư tưởng, mỹ thuật, kiến trúc, văn chương… đến nếp sống cái ăn, cái mặc, cái ở. Chuyển từ văn hoá nông nghiệp thành văn hóa công nghiệp.

Trong thời kỳ đế quốc Mỹ xâm lược, chúng đã đưa vào Sài Gòn-Miền Nam lối sống thực dụng, tự do cá nhân, sùng bái vật chất, sống buông thả… Tuy nhiên, với bản lĩnh văn hoá của mình, người Sài Gòn đã biết tìm cách hạn chế những mặt tiêu cực và chọn lọc tiếp thu những mặt tích cực như khoa học kỹ thuật, quản lý, kinh tế, nếp sống kỷ cương tôn trọng pháp luật,…

Từ 1975 đến nay, xây dựng phát triển đất nước dù là giai đoạn khủng hoảng hay giai đoạn đổi mới, con người Sài Gòn cũng giữ vững những cốt cách văn hoá của mình, tiếp tục xây dựng nền văn hoá mới, con người mới, xứng đáng là nơi hội tụ văn hoá và lan tỏa văn hoá, xứng đáng là một trung tâm văn hoá của cả nước và khu vực.

1.2. Các yếu tố tác động đến việc hình thành, phát triển của văn hóa, tính cách con người thành phố Hồ Chí Minh.

1.2.1.  Điều kiện tự nhiên.

Sài Gòn-Gia Định là một địa bàn dễ làm ăn sinh sống :

“Ai về Gia Định thì về

Nước trong gạo trắng dễ bề làm ăn”

Sài Gòn – Gia Định là vùng đất thuộc xứ nóng, sông nước, kênh rạch chằng chịt. tạo nên những nét khu biệt văn hóa so với với vùng xuất phát: cách ăn, mặc, nét ở và phương tiện đi lại; cấu trúc văn hóa “Làng” truyền thống cũng thay đổi.

1.2.2.  Yếu tố về dân cư, văn hóa các tộc người sinh sống trên địa bàn Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh.

Người Việt đến khai hoang lập ấp ở vùng đất mới đã tiếp thu chọn lọc “văn hoá Đồng Nai” của người Stiêng, người Mạ… với phương thức canh tác lúa rẫy, rồi văn hoá người Khmer, người Chăm.

Người Việt đến xứ Sài Gòn, Đồng Nai đã sống thuận hoà và bổ sung cho mình văn hóa người Hoa Minh hương, những người có tri thức, có vốn, có tay nghề, có kinh nghiệm quản lý. Tuy nhiên chủ thể văn hoá Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh vẫn là người Việt, vẫn là văn hoá dân tộc Việt Nam.

1.2.3.  Yếu tố kinh tế.

Vùng đất Gia Định – Sài Gòn đất đai mênh mông muốn sống đầu bưng hay cuối ruộng đều được, chính quyền phong kiến lại thừa nhận quyền sở hữu riêng về ruộng đất  đã tạo cho con người Sài Gòn những tâm lý, tính cách khác với vùng đất Tổ, thoát khỏi “tự cung-tự cấp”, kinh tế thương mại phát triển sớm.

Chính hoạt động ngoại thương nhộn nhịp tạo cho Sài Gòn sớm trở thành nơi “đại đô hội nhất nước”. Con người Sài Gòn sớm nắm bắt được văn minh công nghiệp, văn hóa Sài Gòn -thành phố Hồ Chí Minh dần dần dựa trên nền tảng sản xuất công nghiệp ngày một hiện đại.

1.2.4.  Yếu tố giao lưu văn hóa.

Sài Gòn là nơi hội tụ, giao lưu văn hóa với các vùng, các miền, các khu vực và các nước trên thế giới. Tinh hoa văn hóa mọi miền của đất nước cũng như trên thế giới tới Sài Gòn được thu nạp để hội tụ rồi lan toả đi mọi miền và thế giới.

Ngày nay trong điều kiện đa dạng hóa, đa phương hoá quan hệ đối ngoại, TP.HCM trở thành nơi giao lưu văn hóa, nơi tiếp xúc với nhiều nền văn minh. Con người Sài Gòn tự chọn lọc tiếp thu những tinh hoa trong quá trình giao lưu hội nhập để không ngừng hoàn thiện, không ngừng phát triển.

2. Tính cách văn hóa con người Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh.

2.1. Người Sài Gòn là gì?

Theo T.S Nguyễn Thị Hậu: “ “người Sài Gòn” là sự hòa nhập về văn hóa (tính cách, lối sống, ngôn ngữ, tín ngưỡng, ẩm thực, trang phục…) của người Việt, người Hoa và những tộc người “bản địa”. Người ta cứ quen nói rằng “Sài Gòn 300 năm” nhưng đó chỉ là nói về thời kỳ thiết lập nền hành chính của Chúa Nguyễn từ 1698 mà quên mất chưa biết Sài Gòn còn có quá khứ hơn 3000 năm của văn minh Đồng Nai – Cửu Long. Văn minh ấy do những tộc người khác “Việt” dựng nên. Rồi từ thế kỷ XVI – XVII, người Việt, người Hoa đã dấn bước vào vùng đất này, từ đó Sài Gòn, Nam bộ có thêm lớp chủ nhân mới. Cùng với người Khmer, người Mạ, người Chăm… sự hòa nhập truyền thống, văn hóa của tất cả những chủ nhân đã tạo nên Sài Gòn”

Theo một ông già chạy xe ôm ở quận Tân Bình, “đất Sài Gòn trước tiên là đất của những tay hảo hớn, bởi chỉ có những người mạnh mẽ từ tâm hồn đến thể xác mới quyết định bỏ xứ ra đi đến đất mới, cũng chính họ mở đường cho con cháu mưu cầu sự sống mới và tự do. Tánh hảo hớn và phóng khoáng là máu huyết căn cơ của người Sài Gòn”.

Ở góc đường Cao Thắng và Phan Thanh Giản cũ (nay là Điện Biên Phủ) có một cái miếu lớn gọi là Thành Hoàng Bổn Cảnh. Là nơi  tưởng nhớ những vong linh của tướng quân Lê Văn Khôi  và các nghĩa binh bị xử chém, vùi xác ở quanh khu Kỳ Hòa, thành Gia Định dưới thời vua Minh Mạng. Một nhà nghiên cứu lịch sử miền Nam đã nói: “Không rõ lắm những nghĩa quân này có phải là người Sài Gòn không nhưng tôi tin chắc khi họ chết, họ là người Sài Gòn”.

Như vậy, ai đã vô Sài Gòn làm ăn sinh sống, có thể trở thành “người Sài Gòn”, bởi Sài Gòn phóng khoáng và rộng rãi mang lại cơ hội cho mọi người, bởi Sài Gòn không tự coi mình là đặc biệt khi đang sống bằng nguồn lực của chính mình và của những người đến từ mọi miền, đồng thời Sài Gòn cũng luôn chia sẻ, đóng góp những gì mình có cho cả nước.

2.2. Tính cách văn hóa con người Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh.

2.2.1. Yêu nước nồng nàn, kiên cường chống ngoại xâm là tính cách truyền thống tốt đẹp của người dân Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh.

Yêu nước nồng nàn, kiên cường chống ngoại xâm của người Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh được minh chứng trong suốt chiều dài lịch sử ra đời và phát triển. Đó là tính cách đặc trưng nhất, là linh hồn của văn hóa, con người Sài Gòn – Tp. Hồ Chí Minh. Sài Gòn là nơi mấy trăm năm phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm. Các thế lực ấy không từ bỏ một thủ đoạn nào để khuất phục người Sài Gòn. Ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước trở thành cái vốn có, trở thành chỗ đứng của người Sài Gòn để xử sự mọi chuyện trên đời: “Sự kiện mô xoài; ủng hộ Tây Sơn chống quân Xiêm ở Rạch Gầm – Xoài Mút mặc dù chưa hiểu nhiều về Tây Sơn; triều đình bỏ dân thì họ ủng hộ Trương Định Nguyên soái Bình Tây; Pháp núp sau quân Anh trở lại Sài Gòn thì “Nam bộ kháng chiến”; tàu chiến Mĩ đến Sài Gòn thì biểu tình phản đối, đấu tranh; nước nhà tạm thời bị chia cắt thì từ phong trào dân chủ đến tiến hành chiến tranh đến cùng để thống nhất nước nhà…

2.2.2. Tính linh hoạt, năng động, sáng tạo.

Sài Gòn là nơi giao lưu văn hoá mọi miền, giao lưu và chọn lọc. Sài Gòn tiếp thu lưu giữ những điều hợp lý, vận dụng để thay đổi những điều không còn hợp lý và sự thay đổi đó diễn ra rất nhanh chóng. Nó được khẳng định, bổ sung, nhân lên gấp bội trong điều kiện hàng trăm năm kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường phát triển nhất nước.

2.2.3. Tính trọng nghĩa, khinh tài.

Trong quá trình phát triển, không chỉ đương đầu với thú dữ, điều kiện tự nhiên hoang sơ mà còn chống lại kẻ thù hai chân để tồn tại. Từ đó tính cách của người Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh là trọng người biết hy sinh cho cộng đồng, dũng cảm, anh hùng, không sợ khó khăn, đùm bọc tương trợ nhau.

Bình trà đá mien phí

Tính trọng nghĩa, khinh tài, trong giai đoạn hiện nay có nhiều biến đổi do điều kiện kinh tế, giao lưu văn hóa, khoa học – kỹ thuật. Con người thành phố cần quý trọng sức lao động, tiền của vốn liếng tích lũy để công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển nó cũng nảy nở những mặt trái nếu không nhận thức đúng và vận dụng phù hợp.

2.2.4. Tính phóng khoáng, hiếu khách.

Người Sài Gòn phóng khoáng vì không bị bao quanh bởi lũy tre làng truyền thống. Người Sài Gòn là người “tứ chiếng”, sống phóng khoáng, tự do cho bản thân mình, họ cũng chấp nhận sự khác biệt về phong tục tập quán của những người khác, khoan dung với những người làm khác mình, sống khác mình.

Trong giai đoạn hiện nay, phóng khoáng hiếu khách là một tính cách rất có ý nghĩa trong việc xây dựng đại đoàn kết dân tộc, trong việc đề xuất và thực hiện nhiều chính sách xã hội, phong trào xã hội, trong việc kêu gọi và tiếp nhận đầu tư. Tuy nhiên, cần chú ý mặt trái là vượt quá phóng khoáng sẽ là lối sống tuỳ tiện, giải quyết công việc không chú ý khuôn phép nguyên tắc.

2.2.5. Tính cách dung hợp, hài hòa.

Văn hóa Sài Gòn là kết quả của sự hội tụ nhiều nền văn hóa trong đó văn hóa dân tộc là cốt lõi. Từ đó có một tính cách văn hóa là dung hợp hài hòa, cho phép người Sài Gòn “gạn đục khơi trong” để chọn lọc, tiếp thu văn hóa các miền, văn hóa các nước.

Người Sài Gòn có phần dung hòa về lý thuyết nhưng lại thuần nhất về hành động. Lối sống người Sài Gòn vừa chất phác, giản dị vừa phóng khoáng, vừa có nét thoải mái tự do của người nông dân Nam bộ vừa có kỷ cương tôn trọng pháp luật của xã hội công nghiệp.

Dung hợp, hài hòa được hình thành phát triển vừa có căn cứ khách quan tự nhiên, xã hội, giao lưu kinh tế, văn hóa vừa do con người nhận thức giáo dục bồi dưỡng nên. Đây là điều kiện thuận lợi xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, cho quá trình hội nhập quốc tế.

2.2.6. Tính thực tế.

Người Sài Gòn trọng nội dung hơn trọng hình thức, trọng thực hành nhiều hơn trọng lý

thuyết. Người Sài Gòn tin vào tính thiện nên bộc trực thẳng thắn. Không tính kỹ, không nghĩ sâu mà thấy việc là làm ngay nhưng rõ ràng không chấp nhận loại “sọc dưa”, không chấp nhận lối sống “sọc dưa”, “đá cá, lăn dưa”.

Người Sài Gòn đánh giá con người thường căn cứ việc làm, trọng những người làm giỏi hơn là nói nhiều. Từ tính cách trọng làm hơn trọng nói, người Sài Gòn – TP.HCM chú ý nhiều đến làm kinh tế buôn bán, làm thợ, thủ công nghiệp, công nghiệp hơn là văn chương, lý thuyết. Tuy nhiên, do trọng thực hành hơn trọng lý thuyết cho nên có lúc người Sài Gòn không nghiên cứu tính toán kỹ, không suy nghĩ sâu.

3. Con người Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ mở rộng giao lưu, hội nhập và lan tỏa.

3.1. Những điều kiện mới.

Thời kỳ khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, con người Thành phố cũng phải chuyển tính cách cho phù hợp. Phù hợp với kinh tế tri thức, xã hội thông tin; phù hợp với kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thời kỳ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân chủ. Về mặt này Thành phố có những thuận lợi trong quá trình phát triển nhưng cũng còn những điều ngổn ngang cản ngại trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, con người mới; cần tốn nhiều công sức để tiến tới đời sống “văn minh, hiện đại”.

Xây dựng văn hóa, con người Thành phố trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Thành phố vốn có quan hệ rộng mở với khu vực và thế giới. Điều kiện đó nó sẽ chi phối nhiều đến sự hình thành tính cách, văn hóa con người Thành phố.

3.2. Phương hướng phát triển văn hóa, con người thành phố Hồ Chí Minh.

Phát triển văn hóa của Thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của nhân dân Thành phố. Tập trung xây dựng môi trường văn hóa đô thị lành mạnh, văn minh, nếp sống thị dân, tôn trọng pháp luật, kỷ cương, tác phong công nghiệp. Xây dựng ý thức giữ gìn môi trường và văn minh nơi công cộng.

Đẩy mạnh giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, danh dự của người Việt Nam, công dân Thành phố mang tên Bác. Duy trì thường xuyên cuộc vận động tu dưỡng đạo đức, lối sống; xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý và trong kinh tế.

Đại hội đại biểu lần thứ X Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 (tháng 10-2015) định hướng phát triển văn hóa Thành phố: “Gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, … nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình;.. Xây dựng môi trường văn hóa để con người phát triển toàn diện; nghiên cứu, phát huy đặc trưng, tính cách của con người thành phố trong đặc điểm chung của con người Việt Nam, luôn năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình; … Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc, các giá trị văn hóa mang nét đặc trưng của Nhân dân thành phố; tập trung đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa tiêu biểu,… khuyến khích sáng tạo, sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học – nghệ thuật có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao. Phát triển, nâng cao giá trị nhân văn của văn học – nghệ thuật thành phố, góp phần tích cực xây dựng nhân cách, bồi đắp tâm hồn con người, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa của Nhân dân. Tích cực ngăn chặn và từng bước đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội;…đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong giáo dục, hình thành nhân cách thế hệ trẻ…”. Đây là phương hướng phát triển văn hóa của thành phố Hồ Chí Minh trong những năm cuối thập niên 20, đầu thập niên 30.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng

sản Việt Nam, trong bài diễn văn tại Đại hội đại biểu lần thứ X của Đảng bộ thành phố

nhiệm kỳ 2015 – 2020, ngày 14-10-2015, chỉ đạo Thành phố: “…dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của Thành phố; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thật sự là Thành phố nghĩa tình”.

                       

Chỉ cần 2.000đ, những người có hoàn cảnh khó khăn đã có một bữa cơm ngon lành

 

TP.Hồ Chí Minh có phải là thành phố đáng sống ?

Đến nay, thành phố vẫn tiếp tục xây dựng “Bộ tiêu chí TP.Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Những tiêu chí “thành phố sống tốt” hay “thành phố đáng sống” là thước đo nhằm giúp cho chính quyền và cả người dân nhận biết kết quả, mức độ thụ hưởng các mặt vật chất và tinh thần của cư dân đô thị trong một khoảng thời gian nhất định.

Một thành phố văn minh, hiện đại không chỉ cần những quy chuẩn kỹ thuật phục vụ và tạo ra tiện nghi cho cuộc sống mà còn là nơi có đời sống tinh thần phong phú ,đa dạng, nhân văn, thể hiện bằng mối quan hệ tốt đẹp giữa những con người (trong cộng đồng, chính quyền và cư dân), giữa con người và thiên nhiên, cụ thể như thái độ, ứng xử, sự quan tâm, ý thức, trách nhiệm không chỉ ở hiện tại mà còn đối với quá khứ (di sản văn hóa), đối với tương lai (môi trường, khai thác tài nguyên, phát triển bền vững…). Vì vậy những tiêu chí hướng đến việc nâng cao tri thức, tính trách nhiệm, sự tự giác và tinh thần dân chủ là biểu hiện cơ bản và quan trọng của một xã hội văn minh, hiện đại.

Ảnh minh họa: News.Zing

Còn về đặc điểm thứ ba là “thành phố nghĩa tình” thì từ góc độ văn hóa – xã hội có thể nhận thấy, Sài Gòn từ khi khởi lập (thế kỷ XVIII với thành Gia Định) đến nay luôn có ba điều cơ bản:

1/ Làm ăn dễ dàng, kinh tế phát triển đa dạng, cởi mở, bất cứ trong điều kiện nào người Sài Gòn cũng có thể biến thành cơ hội để kiếm sống, để phát triển.

2/ Sài Gòn là nơi “đất lành chim đậu”. Vùng đất của những người tứ xứ nhưng chính  họ lại trở thành người Sài Gòn, không phân biệt gốc gác xuất xứ nên có sự công bằng, chính trực trong làm ăn, trong quan hệ đối xử.

3/ Cũng từ nguồn gốc lịch sử của dân cư Nam bộ, Sài Gòn có  lối sống nghĩa tình, hào sảng, bao dung dựa trên sự tin cậy lẫn nhau trong các mối quan hệ..

Trên thực tế Sài Gòn – TP.HCM có thể đáp ứng nhu cầu của người dân từ bất cứ nơi nào hoàn cảnh nào đến đây tìm kiếm cơ hội sống và cả cơ hội làm giàu.Thậm chí đối với nhiều người, dù còn nhiều điều khó khăn và hạn chế nhưng Sài Gòn vẫn là một “thành phố đáng sống” hơn một số nơi khác trong nước.

Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh vẫn còn có rất nhiều thực trạng đáng buồn khi hằng ngày người dân vẫn phải đối mặt ùn tắc giao thông. Nhiều tuyến đường, khu vực bị ngập nước mỗi khi mưa to hoặc triều cường. Nhiều khu dân cư, bà con vẫn phải sống trong khói bụi, tiếng ồn, mùi hôi của các khu xử lý rác. Người dân thành phố khi đi ra đường vẫn còn lo bị cướp giật; tình trạng thanh niên nghiện hút, còn gây bất an trong đời sống người dân. Khi “đường dây nóng” của thành phố hằng ngày vẫn nhận được nhiều cuộc gọi của người dân phản ánh những điều bức xúc. Chính quyền, các quận, huyện vẫn phải ký hàng nghìn thư xin lỗi người dân vì giải quyết thủ tục hành chính không đúng hẹn…

Thực tế cuộc sống cho thấy, nếu ta gặp trở ngại rồi chỉ biết ca thán, oán trách thì mọi thứ sẽ không thể vì thế mà tốt đẹp lên; cũng không khiến cho cuộc sống trở nên đáng sống hơn. Thay vào đó, người ta sẽ có tiếng nói và hành động đóng góp tích cực, cụ thể để cùng nhau giải quyết những trở ngại đó.

Có thể nói khí thế, quyết tâm xây dựng “Thành phố đáng sống” đang lan tỏa mạnh mẽ từ các vị lãnh đạo đến từng người dân. Cụ thể hóa quyết tâm này, đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền, ủy ban mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp trong thành phố có giải pháp thực hiện quyết liệt các Chương trình hành động thực hiện bảy Chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 10 (nhiệm kỳ 2015 – 2020) đã đề ra. Bám sát mục tiêu, các chỉ tiêu chủ yếu; đề ra những giải pháp thực hiện cụ thể trong cơ quan, đơn vị mình, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong toàn xã hội, cùng hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đưa thành phố thật sự trở thành đô thị đáng sống.