Trang chủ Chuyên mônGDCD THAO GIẢNG CỤM MÔN GDCD – DỰ ÁN LỄ HỘI VĂN HÓA VIỆT NAM

THAO GIẢNG CỤM MÔN GDCD – DỰ ÁN LỄ HỘI VĂN HÓA VIỆT NAM

bởi GDCD Tổ
49 views

Ngày 6/4/2023 vừa qua, tổ GDCD tổ chức thao giảng cụm với dự án Lễ hội văn hóa Việt Nam được thực hiện bởi cô Bùi Thị Trần Thy và cô Châu Hồng Phúc.  Buổi báo cáo dự án có sự tham dự của cô Nguyễn Thị Kiều Diễm – Sở GD&ĐT TPHCM.

Dự án mang chủ đề: Lễ hội văn hóa Việt Nam kết hợp liên khối giữa học sinh khối 9 và học sinh khối 11 với nội dung 2 bài: GDCD9- Bài 7: Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc và GDCD 11- Bài 13: Chính sách giáo dục đào tạo khoa học và công nghệ, văn hoá.

Mục đích xây dựng dự án:

  • Giúp học sinh tìm hiểu một số nét văn hóa của dân tộc Việt Nam thông qua trang phục, ẩm thực, âm nhạc…
  • Giúp học sinh tổ chức một mô hình lễ hội văn hóa thu nhỏ nhằm hiểu được cách thức để lưu giữ văn hóa dân tộc.

Dự án lồng ghép không gian văn hóa Hồ Chí Minh để cho thấy văn hóa không chỉ thể hiện bằng giá trị vật chất và những giá trị tinh thần mà văn hóa còn thể hiện trong chính cốt cách tốt đẹp con người qua nhiều thế hệ mà tiêu biểu là tấm gương đạo đức chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dự án mô phỏng nhiều hình thức để giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè các nước trên thế giới:

Trang phục được đầu tư công phu để cho thấy rằng: Văn hóa Việt Nam đa sắc màu hòa quyện tạo nên một thể thống nhất, trong nét văn hóa có lan tỏa tính dân tộc và tình đoàn kết. Khi nhìn vào những bộ trang phục truyền thống, chúng ta biết ngay đó là trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Việc tổ chức buổi giao lưu xoáy sâu vào một chủ đề: “Bản sắc âm nhạc truyền thống” để khai thác sự đa dạng trong âm nhạc mang âm hưởng truyền thống Việt Nam. Buổi giao lưu có sử dụng tiếng Việt lẫn tiếng Anh, giúp các em học sinh rèn luyện kĩ năng về ngoại ngữ, và cũng thể hiện mục đích văn hóa Việt Nam có sự hội nhập với quốc tế, có sự tiếp cận những tinh hoa của nhân loại để kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Học sinh biết ngoại ngữ cũng là lợi thế để giúp các em hội nhập quốc tế.

Trong buổi giao lưu có sử dụng nhạc cụ dân tộc, đây cũng là cách để giới thiệu cho học sinh cách tiếp cận các nhạc cụ dân tộc. Quá trình tập luyện của rất đầu tư từ hình thức lẫn nội dung, quan trọng là các em rất tự tin thể hiện bài nhạc đến mọi người.

Đến với lễ hội, thầy cô được thưởng thức một vài loại bánh truyền thống của Việt Nam, thường xuất hiện vào các dịp lễ lớn của đất nước. Những bánh với hương vị truyền thống đó nhằm nhắc nhở con cháu luôn nhớ về cội nguồn dân tộc.

Với gian hàng trò chơi trả thơ và ghép ảnh giúp cho mọi người được tiếp cận với văn hóa Việt Nam qua nhiều hình thức sinh động, lôi cuốn.

Học sinh được sắm vai vào các nhân vật các em yêu thích (VD chuyên gia nghiên cứu về văn hóa, nhằm thể hiện được ước mơ của các em học sinh về nghề nghiệp). Ngoài các nhân vật chính trên sân khấu, nhiều em học sinh thể hiện kĩ năng của mình thông qua nhiều nhân vật như nghệ nhân, các bạn phóng viên truyền hình, bộ phận truyền thông, kĩ thuật, … Các em học sinh đóng vai những người am hiểu về văn hóa Việt Nam và giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế thông qua lễ hội này. Những cẩm nang truyền thông là những sản phẩm do chính các em học sinhbiên soạn và thiết kế. Đây cũng là phương pháp giúp học sinh hiểu hơn về văn hóa Việt Nam.

Nhìn chung đây chính là một lễ hội thu nhỏ được tổ chức bởi chính học sinh nhưng giúp học sinh vừa hiểu về văn hóa Việt Nam, vừa hình dung được cách thức tổ chức lễ hội một cách lớn hơn và quy mô hơn. Qua đây học sinh được rèn luyện thêm nhiều kĩ năng và có thêm nhiều kiến thức về văn hóa Việt Nam và hơn hết là dành tình yêu cho quê hương của mình.

Sau đây là một số hình ảnh của dự án

  Học sinh thuyết minh về các loại bánh truyền thống  Ban nhạc Áo bà ba sử dụng nhạc cụ dân tộc trình diễn Tiết mục Lý cây bông