Như chúng ta đã biết, cùng với nước mặt, nước dưới đất cũng có vai trò quyết định đến sự sống và sự phát triển của loài người. nhưng do nguồn gốc hình thành khác nhau nên các nguồn nước rất khác nhau cả về thành phần hóa lí cũng như hàm lượng các tạp chất chứa trong nước.Chính vì có các tính chất khác nhau đó nên công nghệ xử lí và làm sạch nước cũng khác nhau. Tuy nhiên tất cả các công nghệ xử lí nước đều được đưa ra sau khi nghiên cứu thành phần lí, hóa của chúng.
Thành phần hóa học của nước dưới đất:
Khác với nước mặt, do tiếp xúc trực tiếp với đất đá nên nước dưới đất là một dung dịch hóa học phức tạp, nó chưá hầu hết các nguyên tố trong vỏ quả đất. Tuy nhiên các nguyên tố và ion đóng vai trò chủ yếu chỉ khoảng 10 loại là Cl–, HCO3–, SO42-, CO32-, Ca2+, Mg2+, Na+, K+, H+, NH4+.
Ion Cl– thường nằm dưới dạng hợp chất NaCl do các muối bị hòa tan hay do nước mặn bị chôn vùi trong các đá trầm tích biển đi lên pha trộn vào. Sự có mặt của Cl– làm cho nước có vị chát (mặn).
Ion HCO3– chủ yếu gặp trong nước nhạt, thường là do hòa tan các đá cacbonat.
Ion SO42- trong nứơc dưới đất thường ở dạng hợp chất H2SO4 hay CaSO4, sinh ra do hòa tan đá chứa sunfat. Nước chứa nhiều SO42- cũng có vị chát.
Các ion kim loại kiềm như Na+, K+…có ở những vùng nước gần mặt đất, vùng dân cư đông đúc mà hàm lượng Na+, K+ tăng cao thì đây có thể là dấu hiệu nước dưới đất đã bị ô nhiễm.
Khi nước có độ khoáng cao chủ yếu chứa Ca2+, Mg2+, là do sự hòa tan các đá giàu khoáng vật canxit và đôlômit, làm cho nước có tính cứng, gây đọng cặn cacbonat trong ấm, nồi đun nước.
Ion H+ có trong nước dưới đất là do nước và các axit phân li ra. Đại bộ phận nước dưới đất có tính kiềm yếu và trung tính.Nước trong vùng có các mỏ khoáng sản kim loại, mỏ than thường có tinh axit.
Tính chất vật lí của nước dưới đất
Độ trong suốt, màu, mùi, vị, tính dẫn điện, tính phóng xạ của nước dưới đất phụ thuộc vào lượng các chất có trong nước. Phần lớn nước không màu, không mùi. Nước chứa sắt có vị lợ, tanh. Nước có chứa cacbonat canxi và magie có vị ngọt dễ chịu. Nước có độ khoáng cao thường có tính dẫn điện mạnh.
Trích từ bài viết của tác giả Trần Công Bút
tnmtphutho.gov.vn
GV Hóa Khối 8.