Tên lửa nước là một loại mô hình tên lửa sử dụng nhiên liệu là nước để làm lực đẩy. Đây là một loại trò chơi sáng tạo khá phổ biến ở các nước phát triển, và đang dần phổ biến ở giới học sinh tại Việt Nam.
Hằng năm Thành Đoàn TP.HCM kết hợp Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) đã tổ chức “Hội thi Tên lửa nước TP. Hồ Chí Minh”. Đây là cuộc thi dành riêng cho các bạn học sinh cấp 3, với mục đích tạo sân chơi lành mạnh, khuyến khích sự sáng tạo và đam mê khoa học của các bạn.
Để làm ra được một tên lửa nước hoàn chỉnh thì bạn có thể tận dụng những vật dụng có trong nhà để chế tạo, ví dụ: vỏ nhựa chai nước ngọt, bìa cứng, nhựa dẻo, ống nhựa, vải bạt, van xe máy hoặc xe đạp, các miếng xăm xe…
I. Tên lửa nước này hoạt động theo nguyên tắc nào?
Tên lửa nước hoạt động theo nguyên tắc phản lực (Reactive force): không khí được bơm vào trong thân tên lửa làm gia tăng áp suất. Khi tên lửa được phóng, do áp suất trong thân tên lửa cao hơn bên ngoài nên không khí sẽ phun ra ngoài theo lỗ hổng ở đuôi tên lửa (miệng chai). Tên lửa sẽ được đẩy về phía trước theo định luật bảo toàn động lượng: MV = mv
Với: M là khối lượng tên lửa
V là vận tốc tên lửa
m là khối lượng nước và khí
v là tốc độ của nước và khí
II. Hướng dẫn làm tên lửa nước bằng chai nhựa
1. Nguyên vật liệu
- Chai nhựa: 1 chai (loại chai cocacola, pepsi to)
- Băng dính: 1 cuộn loại to
- Giấy cuộn
- Đất nặn
- Bìa cứng
- Nước
- Van bơm xe đạp
- Nút chai gỗ
- Kéo, dao, bút vẽ …
2. Hướng dẫn chi tiết
2.1. Tạo mũi tên lửa nước
- Đem tờ giấy cuộn chuản bị sẵn cuộn chéo tạo thành hình nón để làm mũi của tên lửa.
- Lấy băng dính cuốn quanh chóp mũi tên để chống thấm và tăng độ chắc chắn. Nếu bạn muốn tên lửa đẹp hơn thì dùng băng dính nhiều màu quấn thêm, hoặc dùng sơn để xịt lên phần mũi tên lửa.
- Sau khi làm xong mũi thì gắn phần này vào đáy chai có sẵn. Tiếp tục dùng băng keo để dính chặt 2 phần này.
2.2. Cách làm cánh tên lửa
- Dùng bìa cứng cắt thành 4 hình tam giác. Lưu ý cố gắng cắt vuông góc để khi lắp vào tên lửa đứng thắng và bay xa hơn.
- Tiến hành bẻ các cạnh của hình tam giác để có thể gắn vào thân tên lửa dễ dàng hơn. Sau đó dùng keo hoặc băng dính dán vào thân chai thật chắc.
- Gắn khoảng nửa cốc đất nặn hoặc đất sét vào các đường gờ nổi trên miệng chai để tạo thành một đầu tròn bao ngoài.
- Dán băng dính bên ngoài để giữ cố định.
- Rót nước vào chai. Lưu ý nên đổ lượng nước bằng 1/3 chai thì tên lửa mới bay được xa nhất.
2.3. Gắn van xe đạp vào tên lửa nước
- Dùng dùi chọc một lỗ xuyên qua nút chai gỗ. Lưu ý kích thước lỗ bằng với đầu van bơm xe đạp.
- Nhét nút chai vào miệng chai thật chắc chắn.
- Nhét van kim bơm xe đạp vào lỗ hở trên nút chai gỗ. Đảm bảo chiếc van gắn khít vào nút chai gỗ.
2.4. Cách phóng tên lửa nước tự làm bằng chai nhựa.
- Đặt tên lửa thẳng đứng. Giữ tên lửa tại cổ chai và hướng ra xa mặt.
- Giữ tên lửa tại cổ chai và dùng bơm xe đạp bơm không khí vào chai.
- Khi đủ áp suất không khí thì thả tay để tên lửa nước phóng đi.
3. Lưu ý an toàn
- Cần chọn không gian rộng rãi, xa khu dân cư để phóng. Nếu có người qua lại cần có cảnh báo an toàn.
- Học sinh quan sát nên đứng cách xa bãi phóng một cách an toàn.
- Hạn chế người đến gần tên lửa khi bơm càng ít càng tốt.
- Nước sẽ bắn tung tóe khi phòng tên lửa, hãy mặc áo mưa nếu cần.
- Không sáng tạo tên lửa nước bằng các vật dụng sắc nhọn gây nguy hiểm.
- Hoạt động này chỉ nên thực hiện dưới sự giám sát của một giáo viên có chuyên môn.