Trang chủ Chuyên môn PHƯƠNG PHÁP SCAMPER

PHƯƠNG PHÁP SCAMPER

bởi Công Nghệ Tổ
97 views

SCAMPER là phương pháp tư duy sáng tạo được đề xuất bởi giám đốc sáng tạo người Mỹ Alex Faickney Osborn vào năm 1953 và được phát triển sâu rộng hơn bởi nhà quản lý giáo dục Bob Eberle trong đầu sách mang tên “SCAMPER: Games for Imagination Development” vào năm 1971.

SCAMPER là từ ghép từ chữ cái đầu của các từ sau: (S)ubstitute, (C)ombine, (A)dapt, (M)odify (hoặc Magnify, Minify), (P)ut to other uses, (E)liminate và (R)earrange. Dựa trên nguyên lý tạo ra sự thay đổi cho những thứ đang tồn tại xung quanh, SCAMPER giúp ta có những ý tưởng đột phá và giá trị hơn.

Ví Dụ Về Phương Pháp SCAMPER

Ví dụ ứng dụng mô hình SCAMPER có thể chia như sau:

S – Substitute (Thay Thế)

Substitute là thay thế những thứ đang có bằng những thứ khác, chẳng hạn nguyên vật liệu mới để cải tiến sản phẩm, thay thế bước nào đó trong quy trình sản xuất… Chúng ta có thể áp dụng cách thức này cho cả vật, người, nơi chốn, nguyên liệu, cảm xúc…

C – Combine (Kết Hợp)

Combine là kết hợp các sản phẩm, dịch vụ khác nhau thành sản phẩm, dịch vụ mới tối ưu hơn. Trong nhiều trường hợp, việc kết hợp những thứ chẳng hề liên quan đến nhau lại tạo ra ý tưởng mang tính đột phá.

A – Adapt (Thích Nghi)

Adapt là đặt tính năng, công dụng của sản phẩm, dịch vụ hiện tại vào một bối cảnh khác. Ví dụ, “ATM gạo” là ý tưởng vay mượn từ máy rút tiền ATM được đặt vào bối cảnh hỗ trợ người dân trong mùa dịch; hoặc máy nước nóng chạy bằng điện được cải tiến thành chạy bằng năng lượng mặt trời nhằm tận dụng điều kiện nắng nhiều.

M – Modify (Điều Chỉnh)

Modify là thay đổi kích thước (phóng to hay thu nhỏ), hình dáng, màu sắc, bổ sung tính năng… để tạo giá trị cao hơn cho khách hàng.

P – Put To Other Uses (Sử Dụng Cho Mục Đích Khác)

Put to other uses là tìm cách áp dụng sản phẩm/dịch vụ thông thường hoặc tái sử dụng các vật bỏ đi vào những việc khác với thường lệ, giúp tìm ra mục đích sử dụng mới khác với mục đích ban đầu.

E – Eliminate (Loại Bỏ)

Eliminate là loại trừ những đặc điểm, tính năng để giảm giá thành hoặc tạo ra sản phẩm ưu việt hơn. Ví dụ, loại bỏ lượng đường đã tạo ra thức uống dành riêng cho thị trường người ăn kiêng, hãng máy bay cắt suất ăn uống để giảm tiền vé, dịch vụ bác sĩ gia đình cho phép bác sĩ chủ động đến tận nhà bệnh nhân để thăm khám thay vì bệnh nhân phải đến phòng khám…

R – Rearrange (Thay Đổi Trật Tự)

Rearrange là tái cấu trúc, đảo ngược trình tự để thoát khỏi lối mòn tư duy, tạo ra ý tưởng khởi nghiệp mới với các sản phẩm, dịch vụ có trật tự khác với thông thường.

Sưu tầm

Nguồn: https://www.huongnghiepaau.com/scamper-la-gi