Trang chủ Chuyên môn Nông nghiệp hữu cơ và xu hướng toàn cầu

Nông nghiệp hữu cơ và xu hướng toàn cầu

bởi Tổ Sinh Học
79 views
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển trong đó có Việt Nam. Hiện nay, thực phẩm sạch được người dân đặc biệt chú ý quan tâm vì nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều quá mức cần thiết vẫn còn xảy ra thường xuyên tại một số nơi, ảnh hưởng lâu dài tới môi trường sống, nguồn nước ngầm và đất đai.
Trong những thập kỷ gần đây, nông nghiệp Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành tựu đáng kể về năng suất, sản lượng, chủng loại và quy mô sản xuất đã tạo ra khối lượng sản phẩm rất lớn đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, nông nghiệp nước ta đang đứng trước những thách thức không nhỏ đó là vấn đề ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu, suy giảm đa dạng sinh học, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật,… Để khắc phục những nhược điểm đó, nông nghiệp nước ta đang từng bước chuyển dịch sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Trên thị trường, người dân đã biết đến và đang làm quen dần với các sản phẩm nông sản sạch như: rau sạch, rau an toàn và một số hoa quả, thực phẩm an toàn.
Theo tổ chức Nông nghiệp Hữu cơ Quốc tế (IFOAM): Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống đồng bộ hướng tới thực hiện các quá trình với kết quả bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt, nhân đạo với động vật và công bằng xã hội, không sử dụng các hóa chất nông nghiệp tổng hợp và các chất sinh trưởng phi hữu cơ, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại và các vật tư theo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất.
Ở nước ta, hiện nay với sự phát triển mạnh về khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ hóa học, trong sản xuất nông nghiệp đã sử dụng nhiều hơn các loại chất kích thích sự tăng trưởng cây trồng, vật nuôi và một số loại hóa chất phòng trừ sâu bệnh, cỏ dại. Điều này đem đến các kết quả trái ngược nhau, một mặt năng suất cây trồng vật nuôi tăng cao, mặt khác việc sử dụng nhiều hóa chất đã dẫn đến an toàn thực phẩm không đảm bảo và môi trường sinh thái bị hủy hoại.
Trước thực trạng đó, Việt Nam cũng như các nước khác đã quan tâm nhiều đến nông nghiệp sạch, trong đó có nông nghiệp hữu cơ, vì vậy diện tích nông nghiệp hữu cơ đang ngày càng tăng lên. Theo Viện nghiên cứu NNHC (FiBL) và IFOAM (2016), năm 2014 diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đạt hơn 43.000 ha, đứng thứ 56/172 nước trên thế giới, thứ 3 trong ASEAN (sau Indonesia và Philippines). Ngoài ra, Việt Nam còn có 20.030 ha mặt nước cho thu hoạch sản phẩm hữu cơ, 2.200 ha cho thu hái tự nhiên, đưa tổng diện tích nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam lên hơn 65.000 ha. Diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam tăng nhanh, gấp hơn 3 lần trong giai đoạn 2007-2014. Năm 2016, diện tích canh tác hữu cơ đã tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010 và đạt khoảng 77.000 ha. Tuy nhiên,  đây vẫn là con số quá nhỏ so với 50,9 triệu ha canh tác hữu cơ của thế giới và 11,53 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp của Việt nam. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam còn rất lớn khi mà nhu cầu tiêu dùng sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam và các nước ngày càng tăng lên.
Phân bổ nông nghiệp hữu cơ toàn cầu theo châu lục:
Ở châu Á, hiện nay diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ khoảng 2.900.000ha, 130.000 trang trại. Các quốc gia sản xuất hữu cơ lớn nhất trong khu vực: Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, SriLanka, Hàn Quốc và Thái Lan. Thị trường lớn nhất hiện nay là Nhật Bản và một số thị trường đang nổi lên như Trung Quốc, Malaysia, Singapo và Thái Lan.
Ở thị trường trong nước,  giá thành sản phẩm hữu cơ còn cao, các tiêu chuẩn đánh giá còn đang trong quá trình hoàn thiện, người dân và các cơ sở vẫn chưa hiểu nhiều về vai trò và lợi ích của nông nghiệp hữu cơ. Nói cách khác, sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ đối với người tiêu dùng; hầu hết người tiêu dùng còn chưa phân biệt được khái niệm “sản phẩm hữu cơ”, nhiều lúc còn nhầm lẫn giữa sản phẩm sạch và sản phẩm hữu cơ. Nhà nước ta đã có những chính sách về sản xuất nông nghiệp hữu cơ như: Nghị định số 109/2018/NĐ-CP và mới nhất là “ Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030” với quan điểm phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển đa đạng sinh học, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ; tăng cường áp dụng rộng rãi các biện pháp hữu cơ (phân bón hữu cơ, thuốc sinh học…) trong sản nông nghiệp và từng bước tăng dần tỷ lệ sản phẩm hữu cơ được chứng nhận theo yêu cầu thị trường trong nước và thế giới; Phát triển nông nghiệp hữu cơ ở các quy mô, cấp độ từ hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nhằm tạo ra thực phẩm hữu cơ, môi trường an toàn cho người nông dân và sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao; đồng thời có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, các thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ yêu cầu không được sử dụng 5 nguồn vật liệu đầu vào cho sản xuất gồm: Hóa chất bảo vệ thực vật; Phân hóa hóa học; Chất kích thích tăng trưởng; Sản phẩm đột biến gen và phân bắc. Nguồn vật liệu đầu vào của sản xuất nông nghiệp hữu cơ chủ yếu dựa vào luân canh, sử dụng phân chuồng đã qua ủ nóng, phân xanh, phân vi sinh và áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp để canh tác.
Canh tác nông nghiệp hữu cơ mang lại nhiều lợi ích như:
  • Duy trì và bảo toàn độ phì nhiêu của đất
  • Ít gây ô nhiễm nguồn nước (nước ngầm, sông, hồ)
  • Đa dạng sinh học cao, bảo vệ đời sống hoang dã (chim chóc, ếch nhái, côn trùng,..)
  • Ít sử dụng năng lượng đầu vào không có khả năng phục hồi từ bên ngoài
  • Ít dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm
  • Không có hoocmon và chất kháng sinh trong các sản phẩm động vật
  • Chất lượng sản phẩm tốt hơn (hương vị, đặc tính tích lũy,.)
  • Giảm thiểu sự tác động của biến đổi khí hậu đang xảy ra trên toàn cầu
          Với phương thức canh tác làm việc với chu trình tự nhiên, bảo toàn và làm phong phú hệ sinh thái nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ sẽ mang lại lợi ích không chỉ đối với sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng mà còn góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nền nông nghiệp./.
Nguyễn Thị Thu Hiền – TT Khuyến Nông
Nguồn tham khảo: https://khuyennong.quangtri.gov.vn/thong-tin-khoa-hoc-ky-thuat/nong-nghiep-huu-co-va-xu-huong-toan-cau-217.html