Trang chủ Quốc tế - Khoa họcKhoa học kỹ thuật Học sinh, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tham gia chương trình Sakura Science Program 2023 tại Nhật Bản

Học sinh, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tham gia chương trình Sakura Science Program 2023 tại Nhật Bản

bởi Kỹ Thuật Khoa Học
188 views

Ngày 20/07 – 26/07/2023, ba bạn học sinh gồm Nguyễn Đỗ Quốc Nguyên (lớp 11CH), Bùi Ngọc Phương Linh (lớp 11CH), Phạm Linh Đan (lớp 11CH) và cô Phạm Thị Tú Hạnh đã tham gia chương trình Sakura Science Program 2023 dành cho học sinh trung học, tại Nhật Bản. Ngoài đoàn Việt Nam còn có sự tham gia của các học sinh và giáo viên trường trung học Sapporo Kaisei (Nhật Bản), trường trung học Princess Chulabhorn Phitsanulok (Thái Lan), trường trung học David Kaunda National STEM (Zambia).

Sakura Science Program (SSP) là chương trình được khởi xướng bởi Cơ quan phát triển Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (Japan Science and Technology Agency – JST) từ năm 2014, hướng tới mục tiêu thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo. Chương trình SSP tham gia tài trợ cho các học sinh, sinh viên, những nguồn nhân lực trẻ có trình độ cao đến Nhật Bản một thời gian ngắn để tham quan, trải nghiệm các công nghệ hiện đại, khoa học tiên tiến, cũng như tham gia các hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa với sinh viên và con người Nhật Bản.

Trong thời gian một tuần ở Hokkaido và Tokyo (Nhật Bản), đoàn học sinh và giáo viên đã tham gia các hoạt động:

Tham gia sinh hoạt với gia đình host: Mỗi học sinh trong đoàn kết bạn với một học sinh ở trường Sapporo Kaisei và ở chung, tham gia sinh hoạt với gia đình của họ như là một thành viên trong gia đình. Qua đó, các em học sinh ở các quốc gia khác có thể hiểu hơn về văn hóa, phong tục và nếp sống gia đình của người dân Nhật Bản.

Tham quan trường đại học Hokkaido University:

  • Nghe buổi báo cáo về Origami in Science của PGS.TS Shigetomi Kaori. Qua đó, học sinh có thể hiểu được sơ lược về kĩ thuật Origami và ứng dụng của nó trong nhiều ngành khoa học khác nhau, đặc biệt trong y tế và khoa học vật liệu.
  • Tham quan viện nghiên cứu khoa học nhiệt độ thấp và nghe bài báo cáo của PGS.TS Aoki Shigeru về Low temperature science. Qua đó, học sinh được giới thiệu về nghiên cứu khoa học nhiệt độ thấp và hải dương học và những vấn đề nan giải mà con người đang phải đối mặt liên quan đến hai ngành học này. Sau đó, đoàn được tham quan phòng chứa mẫu vật -20°C và -50°C để được trải nghiệm nhiệt độ ở Nam Cực và tìm hiểu về các lõi băng đang được viện nghiên cứu.
  • Tham quan Hokkaido University Museum, nơi lưu giữ hình ảnh, mô hình về các thành tựu khoa học công nghệ, lịch sử hình thành và những nhà khoa học của đại học Hokkaido đã có những đóng góp quan trọng trong các ngành khoa học.

Giao lưu khoa học và văn hóa với học sinh trường trung học Sapporo Kaisei

  • Tham gia cuộc thi thiết kế dù (Parachute contest) do trường trung học Sapporo Kaisei tổ chức. Thông qua cuộc thi, học sinh có thể vận dụng các kiến thức vật lý, toán học để thiết kế chiếc dù có thời gian lơ lửng trên không trung lâu nhất và đáp gần mục tiêu nhất có thể. Ngoài ra, tại trường trung học Sapporo Kaisei, học sinh còn được thực hành sử dụng và quan sát mẫu vật bằng kính hiển vi SEM dưới sự hướng dẫn của giáo viên nhà trường.
  • Thuyết trình và giao lưu trao đổi giữa các đoàn học sinh về đề tài nghiên cứu đã thực hiện. Trong đó, 2 đề tài của đoàn Việt Nam là Nghiên cứu trích ly tinh bột từ phụ phẩm hột mít để ứng dụng tạo màng chỉ thị tinh bột/PVA dùng trong bảo quản thực phẩm tươi sống (Phương Linh, Quốc Nguyên) ở lĩnh vực hóa học và Thu dịch chiết enzyme laccase từ giá thể trồng nấm và bước đầu xử lý thuốc nhuộm Remazol Brilliant Blue Reactive (RBBR) (Linh Đan) ở lĩnh vực hóa sinh.
  • Nấu mì Somen(そうめん): Thực hành nấu mì lạnh Somen và thưởng thức Somen, gà chiên Nhật Karaage theo truyền thống Nhật Bản.
  • Tham gia Trà đạo Nhật Bản: Trải nghiệm 1 buổi trà đạo truyền thống của Nhật Bản. Đoàn được nghe giới thiệu sơ lược về lịch sử hình thành và các nghi thức của 1 buổi Trà đạo truyền thống.

Tham quan núi lửa Usu

  • Hikking, tìm hiểu các kiến thức về địa lý, sự phun trào núi lửa và những hậu quả để lại sau phụn trào núi lửa tại Toya-Usu UNESCO Global Geopark. Tham quan tàn tích sau cuộc phun trào năm 2000.
  • Tham quan bảo tàng núi lửa Usu: Quan sát các mẫu vật thu thập được sau các vụ phun trào trong lịch sử, đọc và nghe các ghi chép về lịch sử các lần phun trào và trải nghiệm mô phỏng khoảnh khắc núi lửa phun trào năm 1977 và 2000. Ngoài ra, còn được tham quan phần bảo tàng về lịch sử tự nhiên và sinh quyển của khu vực núi lửa Usu.
  • Tham gia hội thảo về thiên tai và nhìn nhận về vấn đề thiên tai.

Tham quan nhà máy xử lý CO2 ở Tomakomai, Hokkaido:

  • Nghe thuyết trình giới thiệu sơ lược về dự án công nghệ cao xử lý CO2 và được tham quan nhà máy thực hiện quy trình công nghệ cao đó.

Tham quan bảo tàng nghệ thuật khoa học TeamLab.

Tham quan quận Asakusa sầm uất của thủ đô Tokyo: Tham quan đền thờ đầu tiên của Tokyo: Kinryū-zan Sensō-ji và phố cổ Nakamise-dōri.

Tham quan bảo tàng khoa học quốc gia Tokyo: Học sinh có cơ hội quan sát và tìm hiểu về lịch sử, tự nhiên, sinh vật, địa chất của Nhật Bản và toàn bộ lịch sử  và quá trình phát triển của nhân loại.

Chuyến tham quan, học tập và trải nghiệm thú vị đã mang đến cho học sinh, giáo viên những kỉ niệm đẹp, khơi gợi sáng tạo và hứng khởi học tập cho người tham gia.

Dưới đây là một số hình ảnh từ chuyến tham quan.