Trang chủ Liên kếtCác câu lạc bộ [Dự án online] “Rằm xưa” – Đồ chơi dân gian Trung Thu

[Dự án online] “Rằm xưa” – Đồ chơi dân gian Trung Thu

bởi TDN Đoàn đội
109 views

[DỰ ÁN ONLINE] RẰM XƯA – ĐỒ CHƠI DÂN GIAN TRUNG THU

Trăng lên cao vằng vặc giữa trời thu
Hay trăng ghé xuống trần gian hòa cùng niềm vui ngày hội?

Hôm nay, ngày rằm tháng 8 Âm Lịch là ngày Tết Trung thu hay còn được biết đến là Tết Thiếu Nhi hay Tết Đoàn Viên. Đây là dịp cho trẻ con chơi đùa, rước đèn, các thành viên trong gia đình quây quần bên mâm cỗ dưới ánh trăng rằm. Đặc biệt nhớ những món đồ chơi thuần Việt xưa, từ những “con giống bột” nhỏ bé khắc sâu trong đó là tâm hồn thuần khiết của trẻ thơ, đến “ông tiến sĩ giấy” cùng “ông quân hầu đánh gậy trông trăng” đã trở thành biểu tượng cho tinh thần hiếu học người dân Việt Nam. Không thể không nhắc đến những chiếc lồng đèn giấy kiếng lấp lánh muôn màu, cất giữ ký ức tuổi thơ mãi mãi không bao giờ phai nhòa.

Với mong muốn tái hiện mảnh ký ức tuổi thơ, mang không khí Trung thu xưa trở lại trong ngày hiện đại, Câu Lạc bộ Văn hoá Việt Nam Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thực hiện dự án “Rằm Xưa” – ghi lại hình ảnh những món đồ chơi dân gian Trung thu.

LỒNG ĐÈN Hình ảnh chiếc đèn lồng truyền thống dường như không chỉ là món quà ý nghĩa trao tặng trẻ con nhân ngày lễ Trung thu mà còn là kỉ vật của người lớn gợi nhớ về một miền tuổi thơ đầm ấm quây quần bên gia đình, bạn bè. Đèn lồng trung thu truyền thống được làm từ tre và giấy phất dầu, trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là việc chọn lựa những đoạn tre tốt, sau đó chẻ, vót, cắt nan và lên khung. Sau khi khung hoàn thành, giấy kính được dán lên. Công đoạn cuối cùng là vẽ hoa văn trang trí.

LỒNG ĐÈN Trong ảnh là lồng đèn cá chép hóa long được làm từ nan tre và giấy bóng kiếng do nghệ nhân Nguyễn Bình thực hiện.

CON GIỐNG BỘT
Trước đây, con giống bột chính là một thành phần không thể thiếu cho mâm cỗ Trung Thu. Truyền thống này cũng được những người Bắc di cư đem vào miền Nam từ năm 1954, và tồn tại ở đây cho đến khoảng cuối thập niên 1980.
Đối với trẻ con thì việc tranh chia những con giống bột từ bàn ngũ quả trong màn phá cỗ đêm Trung Thu là điều quan trọng không thua gì việc rước đèn, múa lân, hay nhâm nhi bánh trái của dịp lễ này.

CON GIỐNG BỘT
Ở miền bắc, con giống bột Trung thu có 2 dòng với tên gọi: con giống Ta và con giống Khách (du nhập từ Trung Quốc, thường có ở Mã Mây, Hàng Buồm – là nơi sống của người Hoa kiều).
Con giống Ta gồm hai phong cách chính: Thứ nhất là con giống Đồng Xuân làm bằng bột hoàng tinh trộn bột nếp, sau đó quang dầu cho bóng.
Loại thứ hai là con giống Phú Xuyên làm bằng bột tẻ pha ít bột nếp, sau khi chơi đêm rằm xong có thể hấp lên ăn được. Đến những năm 60 thì nó được cải tiến, có cắm thêm que tre để tiện trang trí, là tiền thân của loại tò he được bày bán phổ biến hiện nay
Còn con giống Khách cầu kỳ, tinh xảo hơn dù nguyên liệu không khác phong cách Đồng Xuân là mấy. Đề tài phổ biến của các con giống Khách thiên về thần thoại huyền bí, như nghệ hí châu, sư tử hí cầu, cá hóa long, con thiềm thừ (cóc 3 chân trên cung Trăng)

ÔNG TIẾN SĨ GIẤY Mỗi dịp Rằm tháng 8 xưa, các gia đình thường mua ông Tiến sĩ làm bằng giấy để thắp hương cùng với mâm cỗ Trung thu sau đó tặng lại cho con cháu để trước bàn học với ý nghĩa mong cho các con học hành, thi cử đỗ đạt. Nguyên liệu làm nên ông tiến sĩ giấy là nứa và giấy màu đơn giản. Tuy nhiên, những công đoạn hình thành sản phẩm khá phức tạp, đòi hỏi nghệ nhân tính cẩn thận và tỉ mỉ. Trung bình để hoàn thiện một ông tiến sĩ giấy mất khoảng gần hai tiếng đồng hồ.

ÔNG ĐÁNH GẬY TRÔNG TRĂNG Hình tượng “hai ông quân hầu đánh gậy trông trăng” thể hiện niềm tin sự khát khao của người dân vào chân lý. Đêm trung thu là đêm trăng tròn, ánh trăng ấy sẽ luôn rọi sáng để người dân đi ra khỏi tăm tối, cũng như ông Đỗ Kính Tu khi còn sống dù triều Lý có suy đồi. Ông đáng gậy trông trăng trở thành biểu tượng tinh thần ham học cho trẻ em. Món đồ chơi mang niềm hi vọng của cha mẹ rằng khi lớn lên, con sẽ trở thành người có ích cho xã hội.

ÔNG TIẾN SĨ GIẤY VÀ ÔNG ĐÁNH GẬY TRÔNG TRĂNG
Nguyễn Thị Tuyến, nghệ nhân duy nhất ở làng Hậu Ái giải thích: “Trong đêm trăng rằm, tiến sĩ giấy và hai ông đánh gậy được đặt bên mâm ngũ quả cúng trăng. Sau đó, ông Tiến sĩ sẽ được phụ huynh trịnh trọng đưa đến trước bàn học để cầu mong cho con cái học hành thành đạt. Hai ông đánh gậy được treo ở gần cửa sổ hoặc nơi có gió để các ông múa. Trước kia thời chiến tranh hai ông múa gươm, nhưng thời bình chúng tôi thay bằng gậy cho các ông múa, thể hiện tinh thần rèn luyện sức khỏe.”

LỒNG ĐÈN ÔNG SAO
Đèn ông sao có thể nói là loại đèn phổ biến nhất với các em nhỏ. Đèn ông sao có thể nói là loại đèn đơn giản nhất nhưng cũng không kém phần thu hút với các thế hệ trẻ em. Đơn giản là thế nhưng hình ảnh ngôi sao năm cánh là hình ảnh biểu trưng mang nhiều ý nghĩa. Trong văn hóa phương Đông, 5 cánh tượng trưng cho ngũ hành tương sinh tương khắc trong phong thủy (Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ). Nó thể hiện mong muốn sự cân bằng, hòa hợp trong cuộc sống. Ngôi sao còn là biểu tượng của sự khởi đầu mới, tham vọng và mục tiêu. Người ta tin lồng đèn ông sao có tác dụng xua đuổi ma quỷ, cầu mong sự may mắn trong cuộc sống,… Đặc biệt đối với những thế hệ trải qua thời chiến tranh, cuộc sống khốn khó nên chiếc đèn ông sao với những nguyên liệu sẵn có đã trở thành món đồ chơi quen thuộc, là hi vọng, là “ánh sao hòa bình” cho người dân Việt Nam bấy giờ.

CÂU LẠC BỘ VĂN HOÁ VIỆT NAM CHÚC MỌI NGƯỜI TRUNG THU VUI VẺ!

===============
Chụp ảnh: Anh Steven Dương
Đạo cụ: Anh Chu Doan Kien
Mẫu ảnh: Minh Khang, Hồng Minh, Đình Duy, Như Ý

==============
Mọi thắc mắc hay đóng góp ý kiến vui lòng liên hệ:
– Email: vanhoaviettdn@gmail.com
– Facebook: @vanhoavntdnschool