Trang chủ Liên kếtCác câu lạc bộ [Dự án online] Photoshoot: “3 miền nối liền dải tóc” – Những kiểu tóc thời Nguyễn của CLB Văn hóa Việt Nam

[Dự án online] Photoshoot: “3 miền nối liền dải tóc” – Những kiểu tóc thời Nguyễn của CLB Văn hóa Việt Nam

bởi TDN Đoàn đội
786 views

[DỰ ÁN ONLINE]
PHOTOSHOOT: 3 MIỀN NỐI LIỀN DẢI TÓC – NHỮNG KIỂU TÓC THỜI NGUYỄN

“Cái răng, cái tóc là gốc con người”

Từ xa xưa, “răng” và “tóc” đã trở thành chuẩn mực cho vẻ đẹp của người Việt. Nếu như việc chăm sóc “răng” lúc bấy giờ chỉ là nhuộm đen, bất kể đàn ông hay đàn bà, thì việc nuôi dưỡng và chăm chút cho “tóc” lại công phu trong từng kiểu cách, là nét văn hóa phong phú đặc trưng riêng của mỗi miền đất nước. Mái tóc đẹp giúp hình thành một tổng thể hài hòa, trở thành “cái gốc” của nhan sắc, từ đó ghi dấu hình ảnh của con người Việt Nam. Không chỉ mang nét đẹp hình thể, cách thực hiện kiểu tóc ở mỗi miền Bắc, Trung, Nam được lưu truyền và phát huy còn là hiện thân của truyền thống văn hoá lâu đời, có giá trị sâu sắc trong đời sống tinh thần dân tộc.

Với mong muốn mở mang kiến thức về phục sức trong lịch sử, từ bỏ nhận định rằng “kiểu tóc truyền thống của Việt Nam chỉ có cái mấn và cái khăn vành”, Câu lạc bộ Văn hóa Việt Nam THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa xin giới thiệu đến các bạn những hiểu biết của chúng mình trong quá trình tìm tòi cũng như phỏng dựng lại những kiểu tóc đặc trưng ở mỗi miền đất nước thời Nguyễn.

Lưu ý: Ở mỗi bức ảnh là thông tin về từng kiểu tóc.

Phụ nữ 3 miền, từ trái sang phải: Trung – Bắc – Nam Miền Trung – CỘT KHĂN LƯƠN Miền Bắc – CHÍT KHĂN LƯƠN Miền Nam – BÚI BÁNH LÁI

Miền Bắc – CHÍT KHĂN LƯƠN
Học giả Phan Kế Bính đã mô tả y phục phụ nữ miền Bắc những năm đầu thế kỉ XX rằng:
“Đàn bà vấn khăn thâm, hoặc lượt hoặc nhiễu, hay vải nâu. Giời rét thì bịt thêm cái khăn vuông bằng vải nâu hoặc bằng xuyên thâm”. Khác với phụ nữ miền Nam, phần lớn là búi tóc sau gáy, phụ nữ miền Bắc hầu hết luồn tóc thật vào khăn, để chống lại cái rét căm căm mùa đông miền Bắc.

Miền Bắc – CHÍT KHĂN LƯƠN
Là kiểu tóc phổ biến nhất cho phụ nữ miền Bắc ngày xưa. Trước tiên, họ quấn tóc trong một cái khăn vải đen cuộn thành ống quấn trọn mái tóc. Nếu tóc không đủ dài trong quá trình chít thì độn thêm “con rắn” để khăn được căng và tròn đều. Khi chít, chải tóc gọn qua một bên rồi bỏ vào khăn, dùng con rắn làm cốt đặt vào giữa tóc và khăn. Bắt đầu vấn, quấn khăn lại bao tóc và con rắn, dùng đinh tăm ghim lại cố định phần đầu và giữ nếp đó quấn tròn lại thành kiểu chít khăn lươn. Khi chít hết còn dư một phần tóc buông thõng ra là tóc đuôi gà, còn vải dư thì gập vào trong để cột khăn lại, cố định khăn và hoàn thành khăn chít.

Miền Bắc – TRÙM KHĂN MỎ QUẠ
Về mùa rét, ngoài cách chít khăn phổ biến, phụ nữ miền Bắc còn chít thêm trên đầu một chiếc khăn vuông màu thâm. Đội khăn mỏ quạ là một trong những cách làm đẹp rất quan trọng của phụ nữ Việt Nam một thời. Khăn mỏ quạ phải chít sao cho vừa và hợp với khuôn mặt, ôm lấy khuôn mặt người con gái, làm cho khuôn mặt trắng hồng nổi lên trên nền đen của khuôn khăn, giống như một búp sen hồng.

Miền Bắc – TRÙM KHĂN MỎ QUẠ
Muốn chít khăn mỏ quạ cho đẹp phải gấp chéo khăn vấn tóc thành hình tam giác, đặt ngang trên đỉnh đầu, hai góc khăn buộc vào dưới cằm, tai được trùm kín. Ngoài ra, cũng có kiểu đặt mép khăn xuống gần trán, kéo hai bên khăn về hai phía cho thành một hình mỏ quạ ở giữa rồi buộc hai đầu khăn xuống dưới cằm hoặc quặt đầu khăn buộc ra sau gáy, mép khăn vuông trùm sát vành khăn vấn ở trong làm nổi hình tròn lẳn của vành khăn.

Miền Trung – VẤN KHĂN VÀNH
Với khí hậu khá khô nóng, phụ nữ miền Trung thường vấn tóc gọn gàng nhưng cũng không kém phần đoan trang và tinh tế.

Miền Trung – VẤN KHĂN VÀNH
Kiểu này gần giống với mấn cô dâu mà hiện tại, được dùng trong dịp lễ trọng đại cho các bậc mạng phụ và lễ nhỏ cho các bậc hoàng hậu, công chúa.
“Từ độ rộng 30cm, khăn vành dây được xếp thành bề rộng 6cm với cạnh hở hướng lên trên, rồi quấn thành hình chữ Nhân, tức là chữ V ngược, che tóc, một phần tai và vòng khăn chít bên trong. Khi khăn đã bao giáp vòng, gấp khăn lại còn nửa chiều rộng, bắt đầu từ đằng sau gáy, vẫn để cạnh hở hướng về phía trên, rồi vấn tiếp. Khăn vành được bao chặt ra ngoài phần khăn chít, tạo thành một cái đĩa lớn. Vì nhiễu cát có độ co dãn và nhám cao nên khăn vành ít khi tuột. Phần cuối của khăn được vén khéo vào trong vành khăn phía sau, rồi dùng kim găm dấu cho khéo. Về sau khi tóc uốn trở nên thông dụng, người Huế tạo ra một vòng vải ống tròn nhồi bông chụp vừa lên đầu giả khăn vấn để lót cho khăn vành dây. Một trong những người đầu tiên sử dụng loại khăn vấn sẵn này là Hoàng hậu Nam Phương” – Trịnh Bách.

Miền Trung – CỘT KHĂN LƯƠN
Kiểu này dùng cho các thiếu nữ hoàng tộc, con nhà quan, v.v Thực hiện đơn giản hơn các kiểu còn lại bằng cách lấy một mảnh vải ngang dài rộng vừa vòng đầu rồi buộc chéo lên.

Miền Trung – CỘT KHĂN LƯƠN
Ghi chú: Do điều kiện không cho phép, chúng mình rất tiếc khi không thể phỏng dựng kiểu tóc phổ biến nhất ở miền Trung thời Nguyễn là chít khăn lươn.
Thông tin thêm về chít khăn lươn của miền Trung: Chít khăn lươn thường dùng làm cốt để vấn khăn vành. Ngày thường, kiểu chít tóc này được dùng để làm tóc cho các bà hoàng trong cung, các bà phu nhân vợ quan lớn. Trong các dịp lễ, mệnh phụ trong cung Huế thường vấn khăn vành dây ra ngoài khăn chít. Cách chít khăn ở miền Trung có nhiều điểm khác biệt so với ở miền Bắc: không độn thêm con rắn, có độ dẹp vừa phải, khi nhìn chính diện sẽ lộ ra hai vòng. Khăn vấn Huế được chít với mép khăn hướng lên trên, dấu ở phía trong vành khăn, vành khăn thứ hai bao ra ngoài vành khăn thứ nhất, trong khi ở miền Bắc thì vành thứ hai luồn bên dưới vành một.

Miền Nam – BÚI BÁNH LÁI
Địa điểm tiếp theo trong hành trình ngược về quá khứ chính là miền Nam thân thương.

Miền Nam – BÚI BÁNH LÁI Ở Nam Bộ, búi bánh lái là kiểu tóc phổ biến nhất cho phụ nữ miền Nam ngày xưa, người dù thuộc tầng lớp cao quý hay thấp hèn đều dùng chung kiểu búi tóc này, có khác chăng thì chỉ đến từ trang sức trên búi tóc (tuỳ giàu nghèo mà nhiều hay ít). Đây là kiểu chải lật gốc, búi tóc thả lọn bánh lái, thường có từ 2-4 lọn và giắt sang bên thuận tay của người búi tóc. Kiểu này cần tóc rất dài.

Miền Nam – BÚI BÁNH LÁI TRÙM KHĂN Ngoài ra, búi bánh lái trùm khăn cũng là một kiểu tóc thường thấy, được dùng khi ra đường để che nắng và tô điểm phần đầu tóc thêm duyên dáng. Chi tiết tóc cũng như kiểu búi bánh lái, chỉ khác ở chỗ búi bánh lái trùm khăn có thêm một tấm khăn hình vuông trùm lên, độ rộng khăn tùy thuộc vào vòng đầu.

KHĂN VẤN CHỮ NHẤT

KHĂN HỌNG HEO CHỮ NHẤT

KHĂN VẤN BẺ NGẠNH CHỮ NHÂN