CÕI BÁC XƯA – DI SẢN QUÝ GIÁ MUÔN ĐỜI
Các đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm nhà sàn Bác Hồ tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh – Phủ Chủ tịch.
(TG) – Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là Di tích quốc gia đặc biệt, nơi Bác Hồ đã sống, làm việc, lo cho đất nước, cho Nhân dân và cho cả thế giới cần lao, đến hơi thở cuối cùng. Nhà thơ Tố Hữu từng gọi nơi này là “Cõi Bác xưa”: “…Nhà gác đơn sơ, một góc vườn/ Gỗ thường mộc mạc, chẳng mùi sơn/ Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối/ Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn…”. Cõi ấy vừa là “cõi thiêng”, cõi người hiền”, vừa là cõi văn hóa thanh tao, giản dị; cõi ấy cũng là cõi của cỏ cây, hoa lá, của nếp nhà sàn đơn sơ, của ao cá thân thương; không gian của làng quê Việt đến tận cùng – từ nỗi khóm hoa, vị hương, hòn sỏi, ngọn cỏ, tiếng chim, giọt nắng…
CÕI BÁC XƯA NHƯ CÓ BÁC HÔM NAY
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nằm trên địa bàn phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, thủ đô Hà Nội. Đây là nơi Bác Hồ kính yêu sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người (từ ngày 19 tháng 12 năm 1954 đến ngày 2 tháng 9 năm 1969). Đây cũng từng là trụ sở làm việc của Trung ương Đảng và Nhà nước Việt Nam sau khi Cách mạng tháng Tám thành công (1945). Tổng diện tích Khu di tích rộng khoảng 14ha, gồm hệ thống nhà cửa, sân, vườn, thảm cỏ, ao cá, đường đi, trong đó nổi bật là 3 điểm di tích thành phần: Nhà 54, Nhà sàn (“Nhà sàn Bác Hồ”) và Nhà 67.
Nhà 54: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại Nhà 54 trong khoảng thời gian gần 4 năm (từ tháng 12 năm 1954 đến giữa tháng 5 năm 1958). Sau đó, Người chuyển sang ở ngôi nhà sàn, được xây dựng trong khu vườn Phủ Chủ tịch, nhưng thường nhật, Người vẫn đi về nơi này để dùng cơm, kiểm tra sức khoẻ. Nhà 54 có ba phòng, phía giáp ao là phòng làm việc, cũng là nơi Bác tiếp khách, ở giữa là phòng ăn, kế tiếp là phòng ngủ. Ở phòng ăn của Bác, trên bàn ăn chỉ có đôi đũa, mấy chiếc bát, đĩa nhỏ của bữa ăn đơn sơ, thanh đạm, không mấy ai nghĩ đó bàn ăn, là bữa ăn thường ngày của vị Chủ tịch nước. Phòng ngủ bên cạnh cũng chỉ có chiếc giường cá nhân nhỏ, loại gỗ thường; chiếc tủ đựng quần áo bình dân, mộc mạc, trong đó xếp gọn gàng ba, bốn bộ quần áo vải thô mềm và bộ quần áo ka-ki Người mặc khi làm việc, tiếp khách hay đi công tác. Tổng số tài liệu, hiện vật ở trong Nhà 54 gần là gần 500 hiện vật, trong đó, hiện vật bằng chất liệu giấy (sách, báo, tạp chí…) đã lên tới hơn 300 hiện vật. Chủ nhân của những vật dụng đó hẳn là một người ưa sự tối giản, sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp, cần kiệm. Cạnh Nhà 54 là Nhà ký sắc lệnh, cũng là nơi Bác Hồ tiếp khách, nơi ở của các chiến sỹ bảo vệ. Sau khi Người mất, một ban thờ được lập nên để thờ Bác, thờ thân phụ và thân mẫu của Bác.
Tiện nghi sinh hoạt trong phòng ngủ có chiếc giường gỗ trải chiếu cói, mùa Đông trải thêm tấm đệm, chăn bông và một lò sưởi điện nhỏ. Trên bàn làm việc ở phòng ngủ còn một số sách, tạp chí, chiếc mũ cối và chiếc đài bán dẫn của bà con Việt kiều Thái Lan tặng. Trên chiếc tủ nhỏ đặt ở đầu giường vẫn còn chiếc đồng hồ và cuốn sách Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII mà Hồ Chủ tịch đang đọc dở.
Gần Nhà sàn là nơi Hồ Chủ tịch thường làm việc về mùa Hè, nơi họp Bộ Chính trị quyết định nhiều vấn đề quan trọng của cách mạng Việt Nam, nơi tiếp khách thân mật. Hiện nay, gần 250 tài liệu và toàn bộ kiến trúc, khuôn viên Nhà sàn được bảo quản, giữ gìn như những ngày cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc.
Nhà sàn Bác Hồ: Ngôi nhà được khởi công xây dựng ngày 15/4/1958, hoàn thành một tháng sau đó (ngày 18/5/1958). Vật liệu chủ yếu là gỗ nhóm 4, kiểu kiến trúc nhà sàn của đồng bào Việt Bắc. Ngôi nhà hướng Đông Nam, trước nhà là hồ nước rộng, là “Ao cá Bác Hồ”; trước nhà có hai cây dừa, phía sau là cây vú sữa, quanh nhà là vườn cây, thảm cỏ, đường xoài. Tầng trên của Nhà sàn có một phòng làm việc và một phòng ngủ của Bác. Phòng làm việc của Bác có chiếc bàn gỗ, chiếc ghế mây, một đèn bàn, một giá sách. Ngăn dưới cùng của giá sách là chiếc máy chữ, được Bác sử dụng hàng ngày. Phòng ngủ, tiện nghi sinh hoạt của Bác giản dị, đơn sơ: chiếc giường gỗ trải chiếu cói mùa hè, thêm tấm nệm vải mùa đông, chăn bông, lò sưởi điện nhỏ; và một quạt điện nhỏ để cuối giường. Phía đầu giường là chiếc quạt mo cau mà người Nghệ An thường dùng và chiếc quạt bằng lá cọ của núi rừng Việt Bắc. Một vật dụng thân thương khác trong phòng ngủ của Bác là chiếc radio của bà con Việt kiều ở Thái Lan tặng Người. Chiếc đài vừa đưa tin tức, văn nghệ, vừa là người bạn tâm giao khi đêm đã về khuya “để có tiếng người”. Trên bàn làm việc ở phòng ngủ của Bác luôn có một số sách, báo, tạp chí, chiếc đồng hồ. Di tích Nhà sàn có gần 350 tài liệu, hiện vật đang được lưu giữ, trưng bày. Nhà sàn của Bác cũng gần với ngôi nhà của Thủ tướng Chính phủ, gần Phủ Chủ tịch và các cơ quan của Đảng, Nhà nước; có núi Nùng làm điểm tựa tâm linh. Bác Hồ chuyển từ Nhà 54 bên kia hồ cá đến ở và làm việc bên này từ ngày 19/5/1958 và gắn bó suốt 11 năm cuối cuộc đời. Đây là giai đoạn có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò xuất sắc, người đồng chí gần gũi của Bác từng nhận xét: “Nhà sàn đơn sơ của Bác chỉ vẻn vẹn có vài ba phòng, trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại thì cái nhà nho nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao”[1].
Tại căn nhà sàn đơn sơ này, Bác Hồ viết, chỉnh sửa, hoàn thiện bản Di chúc thiêng liêng của Người để lại cho toàn Đảng, toàn Dân, toàn quân ta bắt đầu từ năm 1965 đến năm 1969; “Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước” (1966) khẳng định quyết tâm sắt đá “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Di chúc của Bác là nỗi niềm, là tình cảm muôn vàn yêu thương, là tư tưởng, tầm nhìn chiến lược, là mong muốn cháy bỏng của Bác đối với Đảng, Nhân dân, bạn bè quốc tế, nhất là với thế hệ trẻ trước khi Người đi vào cõi vĩnh hằng
“Bác đi… Di chúc giục lòng ta
Cho cả muôn đời một khúc ca
Lẽ sống, niềm tin, mong ước lớn
Và tình thương, ơn nghĩa bao la”
(Tố Hữu, “Theo chân Bác”)
Nhà sàn Bác Hồ đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam và bạn bè trên thế giới, là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết dân tộc và quốc tế, tình yêu thương con người, yêu quý thiên nhiên, đạo đức sáng ngời, lối sống giản dị, mộc mạc và thanh cao của Người – Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất.
Nhà 67: Năm 1967, khi đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc, nhất là ở Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bộ Chính trị đã quyết định xây dựng ở phía sau Nhà sàn của Bác một ngôi nhà kiên cố, phía bên phải có hầm phòng không, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Người. Ngôi nhà được khởi công xây dựng ngày 1/5/1967, khánh thành ngày 20/7/1967. Đây là nơi Bác Hồ có các cuộc họp, gặp gỡ với Bộ Chính trị, cũng là nơi Người được chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh và trút hơi thở cuối cùng. Tên gọi ngôi nhà là Nhà 67 hoặc DK2.
Từ ngày 25/8/1969 trở đi, khi bệnh tình của Bác ngày một nặng hơn, Bộ Chính trị quyết định dành Nhà 67 làm nơi chữa bệnh cho Người. Dẫu là nơi dưỡng bệnh, nhưng trên tường ngôi nhà vẫn treo hai tấm bản đồ quân sự để Bác theo dõi tình hình chiến trường miền Nam, chiến sự ở miền Bắc. Chiếc đài Zenith đặt trên bàn làm việc là chiến lợi phẩm của quân giải phóng miền Nam báo công và kính tặng Bác. Trên bàn làm việc, một số sách báo, tài liệu Bác còn đọc dở, có trang báo Bác dùng bút đánh dấu. Tờ báo và bản tin cuối cùng Người xem là ngày 24 tháng 8 năm 1969. Chiếc đồng hồ trên tủ nhỏ ở cạnh giường và cuốn lịch nhỏ treo tường dừng lại thời khắc 9 giờ 47 phút, ngày 2/9/1969, Bác kính yêu “Vào cuộc trường sinh, nhẹ cánh bay”…. Ở Nhà 67, sau khi Bác Hồ đi xa, một bàn thờ giản dị mà xúc động được lập và luôn ngan ngát hương hoa.
Nhà 67 nằm phía sau Nhà sàn (cách khoảng 30 m), được khởi công xây dựng ngày 1/5/1967, khánh thành ngày 20/7/1967.
Cùng với 3 di tích đặc biệt nêu trên, Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch còn có các ngôi nhà nhỏ, các công trình phụ trợ, cảnh quan tươi đẹp gợi nhớ những kỷ niệm yêu thương, xúc động về Bác Hồ, về các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế. Đó là Giàn hoa Phủ Chủ tịch, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh thường tiếp khách; Nhà Thủ tướng; Nhà ký các sắc lệnh; Đường Xoài – con đường mà Bác thường đi bộ sau giờ làm việc và tập thể dục mỗi buổi sáng; “Đường mòn Bác Hồ”: con đường mà Bác thường luyện tập đi bộ với mong muốn có đủ sức khỏe vào thăm đồng bào, chiến sỹ miền Nam; là “Ao cá Bác Hồ” với diện tích 3.320 m², sâu 3 mét nước, có nhiều loài cá được nuôi thả tại đây; là Cầu gỗ qua ao; là Nhà bếp A, Nhà bếp B; Hầm H66, Hầm D1…Là nhiều cây cối, hoa lá, chim muông của 161 loài thực vật thuộc 54 họ thực vật.
Một di tích quan trọng khác của Khi di tích là Toà nhà Phủ Chủ tịch, một thời từng là Phủ Toàn quyền Đông Dương. Tòa nhà cao bốn tầng nhìn thẳng ra đường Hùng Vương được xây dựng theo phong cách kiến trúc thời Phục Hưng, khởi công năm 1900, hoàn thành năm 1906, do kiến trúc sư người Pháp gốc Đức Lich-ten Fen-đơ thiết kế. Toàn bộ toà nhà có diện tích 1.300 mét vuông, hơn 30 phòng, mỗi phòng được trang trí theo một phong cách riêng. Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta thắng lợi, Thủ đô Hà Nội được giải phóng (10/10/1954), cùng với Nhà sàn bên trong, toà nhà Phủ Chủ tịch được Bác Hồ dùng làm nơi họp Hội đồng Chính phủ; tiếp đón khách quốc tế; gặp gỡ đại biểu nhân dân trong nước, nhất là đồng bào, chiến sỹ Miền Nam ra thăm miền Bắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phòng làm việc nhà 54, tháng 4/1957 – Ảnh: Tư liệu
BÈ BẠN NẶNG ÂN TÌNH
Chủ tịch Chủ tịch Cuba Phi-đen Cát-xtrô lúc sinh thời đã ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vinh quang đời đời thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tấm gương lớn nhất của người cách mạng vĩ đại ngày càng được khâm phục, ngưỡng mộ và luôn luôn được yêu mến không chỉ nhân dân Việt Nam mà còn của các dân tộc khác trên thế giới”. Nhiều chính khách, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo khi đến thăm Khu di tích Phủ Chủ tịch đã bày tỏ sự khâm phục, niềm yêu kính sâu sắc dành cho Hồ Chí Minh. Ngài Tổng thống An-giê-ri Áp-đun A-zit Bô-ti-phờ-li-ka viết: “Chúng tôi tự hào và đánh giá cao sự khiêm nhường, giản dị, thanh cao của Hồ Chí Minh. Cuộc đời con người vĩ đại này sẽ còn sống mãi, bất diệt trong ký ức của dân tộc mình. Người còn là nguồn hy vọng và ngọn đuốc cho các dân tộc đang đấu tranh vì một thế giới hòa bình, công bằng, tự do, tiến bộ và thịnh vượng”. Ngài Gien-ni, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Mỹ ca ngợi: “Tuy sống giản dị, nhưng Người đã để lại một tài sản vô giá cho con cháu, cho nhân dân Việt Nam anh hùng và cho nhân dân toàn thế giới đang tha thiết một cuộc sống tốt đẹp hơn – Chủ nghĩa xã hội”. Đại diện Đảng Cộng sản Úc ghi những dòng xúc động: “Như tất cả những nhà cách mạng vĩ đại chân chính, Hồ Chí Minh là xương, thịt của nhân dân. Người sống giản dị, khiêm tốn trong sự vĩ đại, một lòng một dạ cống hiến cho sự nghiệp cao cả: độc lập, tự do cho Việt Nam, con đường cách mạng cho công nhân và nhân dân bị áp bức trên thế giới”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm ao cá Bác Hồ – Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Ngài Xten-ly Ma-bi-đê-la lãnh đạo của Hội đồng Cách mạng Đại hội dân tộc Phi khi thăm nơi ở lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Một ngôi nhà đơn sơ, một chiếc giường giản dị. Người sống một cuộc sống vô cùng khiêm tốn trong lúc chính Người có thể sống như một ông vua. Người luôn xứng đáng là một tấm gương cho mọi thời đại cách mạng. Đó là một con người suốt đời hoạt động cho cuộc sống ngày càng tốt hơn, không chỉ cho nhân dân Việt Nam, mà cho người châu Á, châu Phi, châu Mỹ – Latinh và ở khắp những nơi còn có sự bất công”. Bà Ét giơ Pê-tra-xa, người Chi-lê, viết: “Nơi ở và làm việc của đồng chí Hồ Chí Minh quả là một bài học lớn đối với tất cả những người cách mạng trên thế giới. Cuộc sống đơn sơ và giản dị của Người chứng tỏ rằng Người đã vượt lên trên hết thảy mọi ham muốn vật chất. Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời cho dân tộc. Chính vì vậy, với dân tộc mình, Người trở nên vĩ đại và đáng yêu. Với các dân tộc trên thế giới, Người trở thành con người đáng kính và đáng khâm phục”. Ngài Tổng thống Ấn Độ Ven-ka-ta-ra-man ca ngợi: “…Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà đấu tranh giải phóng dân tộc tiêu biểu. Bằng bản lĩnh và tài năng, Người đã lãnh đạo nhân dân mình tự giải phóng khỏi gông xiềng đế quốc, tạo dựng nên hình ảnh bất diệt trong trái tim khối óc của những người yêu nước Việt Nam. Người còn là một người có tinh thần quốc tế chủ nghĩa tuyệt vời: sống hết mình cho niềm tin cuộc sống của những dân tộc anh em khác, vì những mục đích cao cả của loài người trên khắp năm châu. Người là nguồn động lực và khát vọng cho tất cả những ai yêu hòa bình trên thế giới ở mọi thời đại”. Nữ nhà báo, nhà văn Pháp Ma-đơ-len Ríp-phô từng đến Việt Nam nhiều lần, ở nhiều ngày và vinh dự được nhận làm con nuôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà tặng Bác Hồ cuốn sách “Ở miền Bắc Việt Nam – viết dưới bom” với lời đề tặng: “Kính gửi Bác Hồ sự đóng góp nhỏ bé nhưng chân thành này vào cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam anh hùng với tất cả tấm lòng của cháu”.
Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương Kiko cùng Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Quốc trưởng Campuchia Nô-rô-đôm Xi-ha-núc viết: “…Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử các dân tộc Đông Dương và các dân tộc châu Á, châu Phi và châu Mỹ-la-tinh như là tượng trưng cho cuộc đấu tranh yêu nước giành độc lập dân tộc. Được nhân dân kính mến, được các bạn hữu khâm phục, được kẻ thù tôn trọng, Người là một trong những nhân vật hoạt động chính trị và là lãnh tụ cao quý nhất của thế kỷ này…”. Giáo sư H.Din của Trường Đại học Bô-xtơn (Mỹ) viết “Người là một trong những lãnh tụ vĩ đại của thế kỷ này. Giữa lúc ở nhiều nơi trên thế giới rất cần cách mạng thì Người đã lãnh đạo hai cuộc cách mạng ở Việt Nam, một cuộc cách mạng nhằm thay đổi cơ cấu xã hội đã có từ lâu ở Việt Nam, để làm sao cho nhiều người hơn nữa có thể hưởng những thành quả của xã hội, và một cuộc cách mạng nhằm lật đổ ách thống trị của nước ngoài, trước đây là Pháp, sau này là Mỹ…”. Mây-lê mô Đi-ốp, tác giả cuốn sách “Những vấn đề chính trị ở châu Phi da đen” gửi tới Hồ Chí Minh cuốn sách với lời đề tặng: “Để kỷ niệm niềm vinh dự mà ngài đã ban cho tôi khi tiếp tôi ở Hà Nội; Để tỏ lòng ngưỡng mộ một người thầy vĩ đại, xin kính tặng Ngài tập sách của học trò”. Ba mươi năm trước, nhân kỷ niệm trọng thể 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tiến sĩ M. Ácmét, Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO đã nói: “Ít có nhân vật nào trong lịch sử đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số đó”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn Nghị sĩ Quốc hội Anh sang thăm Việt Nam, ngày 4/5/1957.
NHỚ LỜI DI CHÚC, THEO CHÂN BÁC
Trong số các di tích quốc gia đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, cùng với Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An – nơi sinh thành, dưỡng dục Bác Hồ và những người thân trong gia đình Bác, thì Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một trong hai di tích có vị trí hết sức đặc biệt do tính chất, tầm vóc, sức tác động và lan tỏa to lớn về lịch sử, chính trị, văn hóa, đối ngoại.
Thực hiện sự chỉ đạo, căn dặn ân cần của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nguyện vọng tha thiết của các tầng lớp nhân dân, hàng chục năm qua, tập thể cán bộ, nhân viên Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã nêu cao trách nhiệm, lòng yêu kính và biết ơn vô hạn với Bác, làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo, nghiên cứu, quản lý, phát huy giá trị to lớn nhiều mặt của Khu di tích quốc gia đặc biệt này. Mấy chục năm qua, Khu di tích đã tiếp đón, phục vụ gần 90 triệu lượt người trong và ngoài nước đến thăm viếng, tỏ lòng ngưỡng mộ, biết ơn Bác Hồ. Những năm gần đây, mỗi năm, Khu di tích đón trung bình hơn hai triệu lượt khách, trong đó có hơn 3.000 đoàn với hơn 100.000 lượt người được trực tiếp nghe thuyết minh, được hướng dẫn khi thăm viếng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng việc tự học, tự làm, tự nêu gương một cách lặng lẽ, bền bỉ, thường nhật. Cả cuộc đời cao đẹp, bình dị, trong sáng của Bác; tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác luôn là tấm gương sáng để chúng ta noi theo, làm theo. Bác căn dặn “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Bác đã làm điều đó một cách tự giác, tự tại, an nhiên mọi lúc, mọi nơi. Với chúng ta, mỗi di tích, hiện vật, tài liệu, câu chuyện, hồi ức về Bác Hồ ở Khu di tích này, hiển nhiên, hơn cả những bài viết, bài diễn văn, bài giảng, cuốn sách. Cái sự hơn ở đây là tính chân thực, sinh động, xúc động, giác ngộ đến tận tâm can; sức làn tỏa từ đó, cũng mạnh mẽ, sâu sắc, lấp lánh, rộng khắp. Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt của Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ngày 12/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu di tích này là Di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1272/QĐ-TTg).
Các đại biểu và nhân dân tham quan triển lãm “55 năm ngày Bác đi xa, 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969-2024)”.
Từ nỗ lực to lớn và kết quả quan trọng đã đạt được trong 55 năm thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh tại Khu di tích mang tên Người ở Trung tâm chính trị Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, chúng ta cần tiếp tục quan tâm và thực hiện tốt hơn nữa việc giữ gìn, bảo quản “cõi Bác xưa” như thời Bác đã sống và làm việc. Tiếp tục nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, trưng bày, bảo vệ tài liệu, hiện vật ở Khu di tích. Tôn trọng tính lịch sử, tính nguyên gốc, nhất là các hiện vật, tài liệu gắn liền với Bác lúc sinh thời. Khẳng định và làm rõ hơn nữa giá trị lớn lao bản Di chúc của Bác, của Nhà sàn, Nhà 54, Nhà 67 và các di tích, hiện vật, tài liệu khác. Nghiên cứu, đổi mới một cách hợp lý việc trưng bày, giới thiệu, thuyết minh, tương tác với khách thăm viếng. Thực hiện số hóa công tác nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu, lan tỏa giá trị đặc biệt của Khu di tích. Nâng cao chất lượng phục vụ đồng bào ta và bạn bè quốc tế đến thăm viếng Khu di tích. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Di tích quốc gia đặc biệt này./.
PGS.TS. NGUYỄN THẾ KỶ
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương
[1] Phạm Văn Đồng, Hồ Chủ tịch – tinh hoa của dân tộc, lương tâm của thời đại, Nxb Sự thật, H, 1975
Nguồn: CÕI BÁC XƯA – DI SẢN QUÝ GIÁ MUÔN ĐỜI – Tạp chí Tuyên giáo (tuyengiao.vn)