Trang chủ Chuyên mônGiáo dục địa phương Chương trình Học tập trải nghiệm – Giáo dục địa phương Khối 7 năm học 2023 – 2024

Chương trình Học tập trải nghiệm – Giáo dục địa phương Khối 7 năm học 2023 – 2024

bởi admin
193 views

Ngày 28/10/2023, tại sân trường cơ sở 1 (20 Lý Tự Trọng, quận 1), hơn 380 học sinh khối 7 đã có mặt từ 6 giờ sáng háo hức tham gia chuyến Học tập trải nghiệm – Giáo dục địa phương Khối 7 năm học 2023 – 2024 do Tổ HĐTN-HN và NGLL tổ chức.

Sau khi tập trung điểm danh theo xe tại trường, 6h30 đoàn gồm 10 xe đồng loạt khởi hành đi Đền Tưởng Niệm Các Vua Hùng. Trên đường đi, hướng dẫn viên thuyết minh về các danh lam thắng cảnh, giới thiệu kiến thức gắn với chương trình Giáo dục địa phương lớp 7 về địa giới của thành phố HCM, đặc biệt là Thủ Đức – khu đô thị Đông Thành phố. Không chỉ vậy, một vài xe còn tổ chức sinh hoạt tập thể và giao lưu văn nghệ. Các em học sinh dùng điểm tâm sáng trên xe là một món ăn mang nét đặc trưng trong ẩm thực của TP.HCM: Bánh mì Sài gòn.

Đoàn đến Khu Tưởng Niệm Các Vua Hùng khá sớm, khoảng 7 giờ 30 phút, các em di chuyển lên Đền thờ làm lễ dâng hương tưởng niệm, nghe thuyết minh về 18 đời Hùng Vương. Sau khi tham quan các công trình kiến trúc tiêu biểu, các em chụp ảnh và ghi chép lại những tư liệu về các vua Hùng. Đây là một quần thể công trình đặc sắc, có giá trị cao về cảnh quan, kiến trúc và ý nghĩa xã hội với 4 phần chính là: Quảng trường, Đường tre, Đền thờ và Sân vọng. Leo lên 106 bậc thang, đi ngang những hàng tre cao vút, ngắm nhìn các công trình kiến trúc nguy nga, lắng đọng lại biết bao cảm xúc tự hào hòa vào không khí trang nghiêm trong lúc các em làm lễ dâng hương cùng với thầy cô, thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã có công gây dựng đất nước.

         Nằm kế bên Khu Tưởng Niệm Các Vua Hùng Đền thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh nên đoàn không mất nhiều thời gian di chuyển. Hơn 9 giờ sáng, đoàn đã đặt chân đến tham quan công trình tâm linh bề thế được xây dựng để tưởng nhớ công lao của vị tướng đặt nền móng xây dựng vùng đất Sài Gòn – Gia Định. Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) – một trong những danh tướng có công lớn của dân tộc trong thời kỳ dựng nước và giữ nước ở phương Nam. Ông là vị tướng xuất sắc, nhà chính trị tài giỏi, nhân hậu, giàu lòng yêu nước. Cột mốc lịch sử 1698 – năm Nguyễn Hữu Cảnh xác lập các phủ, doanh ở khu vực Sài Gòn – đã được lấy làm năm khai sinh Sài Gòn – TP HCM. Qua hai địa điểm đầu tiên, học sinh đã hiểu hơn về “những người mở cõi” của dân tộc Việt Nam và của mảnh đất Sài Gòn xưa.

             Đến 10 giờ, các xe lần lượt di chuyển về lại trung tâm TP.HCM. Đoàn dùng cơm trưa tại Nhà hàng Đông Hồ, thưởng thức các món ăn đặc trưng ẩm thực thành phố HCM gồm có: Gỏi cuốn Sài Gòn, Cơm tấm, Chè Sương Sa Hạt Lựu... là các món ăn mang đậm hương vị và văn hóa Sài Gòn. Sau bữa ăn trưa, các em giao lưu và chia sẻ về các món ăn vừa thưởng thức, nêu cảm nhận về hương vị và nét ẩm thực của con người TP.HCM. Trong buổi giao lưu, Ban tổ chức còn lồng ghép các bài hát ca ngợi vẻ đẹp của vùng đất và những nét tính cách tốt đẹp của con người Sài Gòn như: Sài Gòn đẹp lắm, Nắng Sài Gòn, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn,…

           Giao lưu tại nhà hàng xong, đoàn khởi hành đến “Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ”. Nơi đây lưu giữ các mẫu áo dài từ truyền thống đến hiện đại, tái hiện nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là của TP. HCM. Các em tham quan 3 phòng trưng bày với các chuyên đề hấp dẫn như: Trang phục, trang sức của phụ nữ các dân tộc ở miền Nam, Tiếng nói của đất, Một số nông cụ truyền thống của phụ nữ miền Nam, Chân dung bà mẹ Việt Nam anh hùng miền Nam, Bà mẹ Việt Nam anh hùng TP.HCM là liệt sĩ,… Với không gian hoài niệm, các em nghe thuyết minh để mở rộng tri thức về giá trị của chiếc áo dài truyền thống trong đời sống tinh thần của người dân thành phố HCM hôm nay và mai sau. Đặc biệt, học sinh đã nắm được kiến thức về trang phục Sài Gòn xuyên suốt tiến trình lịch sử, hiểu hơn về địa phương các em đang sinh sống và học tập.

            Kết thúc chuyến đi, học sinh khối 7 không những được nâng cao hiểu biết về lịch sử người mở cõi vùng đất Sài Gòn, ẩm thực và trang phục Sài Gòn, lắng nghe những bài hát về Sài Gòn mà còn có sự gắn kết, hiểu hơn về bạn bè trong lớp, quen biết bạn bè khác lớp, quan sát sự hòa trộn trong tính cách của con người Sài Gòn.  Chuyến đi này thật sự hữu ích và ý nghĩa !

Sau đây là một số hình ảnh trong chuyến đi: