Trang chủ Chuyên môn CHIẾN DỊCH PHÒNG KHÔNG HÀ NỘI – HẢI PHÒNG NĂM 1972 – SỰ CHỦ ĐỘNG, SÁNG TẠO CỦA QUÂN DÂN MIỀN BẮC

CHIẾN DỊCH PHÒNG KHÔNG HÀ NỘI – HẢI PHÒNG NĂM 1972 – SỰ CHỦ ĐỘNG, SÁNG TẠO CỦA QUÂN DÂN MIỀN BẮC

bởi Lịch Sử Tổ
39 views

CHIẾN DỊCH PHÒNG KHÔNG HÀ NỘI – HI PHÒNG NĂM 1972

– SỰ CHỦ ĐỘNG, SÁNG TẠO CỦA QUÂN DÂN MIỀN BẮC

                                                                                                                                 TS Nguyễn Tiến Vinh[1]

            Thắng lợi của chiến dịch phòng không Hà Nội – Hải Phòng cuối năm 1972 đã đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của đế quốc Mỹ đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc, trong đó có bài học về sự chủ động, sáng tạo của quân và dân miền Bắc. Sự chủ động, sáng tạo đó được thể hiện qua việc dự đoán đúng âm mưu của địch, sớm có quyết tâm chính xác; chuẩn bị chu đáo về tư tưởng, chính trị, tinh thần; về xây dựng, tổ chức lực lượng và thế trận; về xây dựng và từng bước hoàn thiện cách đánh máy bay B52 … giành và giữ thế chủ động ngay từ trước và cũng như trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch.

Chiến dịch phòng không Hà Nội – Hải Phòng năm 1972 là một cuộc đối đầu vô cùng quyết liệt về bản lĩnh, ý chí và trí tuệ giữa ta và địch. Điều mà cả bộ máy chỉ huy chiến tranh đồ sộ của Mỹ bất ngờ nhất, đó là trong điều kiện các sân bay ở miền Bắc đều bị không quân Mỹ khống chế liên tục và bị tàn phá nặng nề nhưng Không quân Việt Nam vẫn cất cánh chiến đấu được? Trong điều kiện Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh điện tử hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ mà chúng cho rằng sẽ làm tê liệt được toàn bộ hệ thống radar và tên lửa của đối phương thì bộ đội Phòng không Việt Nam vẫn phát hiện được B52 và biết cách tiêu diệt chúng? Có được điều bất ngờ đó là nhờ cả một quá trình chủ động chuẩn bị khoa học, công phu và bài bản của quân và dân miền Bắc nói chung, bộ đội Phòng không – Không quân nói riêng.

      Sự chủ động về tư tưởng, chính trị, tinh thần.

Hẳn trong chúng ta, nhiều người còn nhớ, ngay từ năm 1962, khi giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Bộ đội phòng không Phùng Thế Tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi: “Chú đã biết gì về B52 chưa?”. Khi vị Tư lệnh còn lúng túng chưa kịp trả lời thì Bác đã nói “Nói thế thôi, chú có biết cũng chưa làm gì được. Nó bay cao trên 10 cây số mà trong tay chú hiện nay mới chỉ có cao xạ thôi. Nhưng ngay bây giờ, là Tư lệnh Bộ đội phòng không chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B52 này”.[2]  Lời căn dặn của Bác đối với vị Tư lệnh Bộ đội phòng không lúc bấy giờ cũng chính là lời nhắc nhở cho quân và dân cả nước có sự chuẩn bị sớm để sẵn sàng đương đầu với những thách thức mới trước những bước tấn công quân sự của kẻ địch, trong đó có nấc thang cao nhất – sử dụng “Siêu pháo đài bay B52”.

Ngày 18/6/1965, Sư đoàn 3 thuộc Bộ Tư lệnh Không quân chiến lược Mỹ chính thức sử dụng B52 tiến hành phi vụ oanh kích rải thảm đầu tiên xuống khu vực Bến Cát (Tây Bắc Sài Gòn). Sự kiện này gây nên nỗi lo lắng và hoang mang cho không ít người. Phải chuẩn bị tâm thế để đương đầu với loại phương tiện chiến tranh tối tân này, đó là quyết tâm của quân và dân ta lúc bấy giờ. Đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đoàn Phòng không Tam Đảo (19/7/1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Phải tin tưởng vững chắc là ta nhất định thắng. Mỹ nhất định phải thua Phải khẳng định rằng: Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B57, B52 hay “B” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh. Mà đã đánh là nhất định thắng [3]. Lời căn dặn của Người là “liều thuốc tinh thần” giúp cho quân và dân ta củng cố thêm niềm tin dám đánh và quyết đánh thắng B52 của Mỹ.

Khi đế quốc Mỹ mở cuộc Chiến tranh phá hoại leo thang ra đánh phá miền Bắc, mọi hoạt động ở hậu phương lớn miền Bắc đều được chuyển từ thời bình sang thời chiến và nhanh chóng thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh thời chiến. Không chỉ có lực lượng vũ trang, mà cả toàn dân đều quán triệt và thấm nhuần sâu sắc phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân chống lại cuộc Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Đầu năm 1968, khi nghe Tư lệnh quân chủng Phòng Không- Không Quân báo cáo tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo:” Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua”, đồng thời Người nhắc nhở: “Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội” [4]. Lời căn dặn của Người như một chất xúc tác thổi bùng lên một cuộc vận động chính trị sâu rộng trong toàn bộ lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân, làm cho mọi người nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ, xây dựng và củng cố tinh thần, ý chí quyết tâm: “Dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng B52”.

Trước khi đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội và Hải Phòng, quyết tâm đánh và đánh thắng của Đảng, Chính phủ; nhiệm vụ của quân và dân miền Bắc nói chung, Hà Nội – Hải Phòng nói riêng đã được truyền đạt và xuyên suốt đến từng đơn vị lực lượng vũ trang, từng người dân, từng tổ chức đoàn thể quần chúng; đến từng ngõ phố, nhà máy, công trường, xí nghiệp, trường học; đến với từng làng quê … Cùng với việc chuẩn bị và từng bước hoàn thiện các phương án đánh trả, công tác phòng, tránh cũng đã được chuẩn bị chu đáo và triển khai hiệu quả. Người già, trẻ em được sơ tán đưa ra khỏi thành phố để đảm bảo an toàn. Công nhân tham gia lực lượng tự vệ vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu và trực tiếp tham gia chiến đấu. Nông dân ngoại thành vừa sản xuất, vừa phục vụ chiến đấu … Chỉ riêng ở nội thành Hà Nội, có 55 vạn người đã được sơ tán ra khỏi thành phố an toàn trước khi B52 bay vào không phận. Để đương đầu với cuộc tiến công hủy diệt của Không quân Mỹ, quân và dân Thủ đô đã đào 1.136 km hào giao thông, 630.000 hố cá nhân, 187.519 hầm kèo “chữ A”, xây dựng 387.000 căn hầm trú ẩn tập thể…[5] . Có thể thấy, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, quân và dân Thủ đô Hà Nội và Hải Phòng nói riêng, miền Bắc nói chung đã đương đầu với cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mỹ với một tâm thế hiên ngang, chủ động, không bị bất ngờ trước quy mô, thủ đoạn đánh phá ác liệt và tàn bạo của Không quân Mỹ. Thủ đô Hà Nội và hậu phương lớn miền Bắc chẳng những không bị hủy diệt “trở về thời kỳ đồ đá”, mà còn trụ vững; mạch máu giao thông Bắc – Nam vẫn thông suốt, hoạt động chi viện cho chiến trường miền Nam vẫn được duy trì, thậm chí còn được đẩy mạnh hơn trước. Nhịp sống của người dân Thủ đô có sự thay đổi, song mọi bộ máy vẫn hoạt động bình thường. Trong những ngày tháng 12 năm 1972, một nhà báo phương Tây có mặt ở Hà Nội đã mô tả: Tiếng bom B52 đường như đã gây chấn động trên thế giới nhiều hơn là ở Hà Nội. Hà Nội tuy vắng bóng trẻ em nhưng thay vào đó là nhng nam nữ thanh niên súng trường khoác vai nhởn nhơ với chiếc xe đạp cũ kỹ và ném ra đường những chuỗi cười giòn tan. … Chợ vẫn họp sớm trước khi Mặt trời mọc. Hai bên đường ẩn dưới những tán cây chi chít những hầm trú ẩn hình tròn Máy bay B52 của Mỹ tới giữa mùa cưới của Hà Nội vẫn không thể làm gián đoạn mùa làm tổ của các cặp uyên ương…”[6].

Có thể nói, Hà Nội cùng với các địa phương ở miền Bắc bước vào cuộc chiến đấu chống lại cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của đế quốc Mỹ với một tâm thế chủ động, hiên ngang và bình tĩnh. Có được điều đó là nhờ từ rất sớm, chúng ta đã làm tốt công tác chính trị, tư tưởng; xây dựng được quyết tâm và đặc biệt là đã làm cho toàn quân, toàn dân thẩm thấu được tinh thần “Dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng B52”.

      Sự chủ động xây dựng, tổ chức lực lượng và thế trận phòng không nhân dân.

Cùng với xây dựng ý chí quyết tâm, bài học về sự chủ động, sáng tạo trong “Chiến dịch Phòng không Hà Nội – Hải Phòng năm 1972” còn được biểu hiện ở việc từ rất sớm ta đã chủ động xây dựng, tổ chức lực lượng và thế trận phòng không nhân dân một cách khoa học, hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ.

Trong điều kiện còn gặp muôn vàn khó khăn nhưng với sự giúp đỡ của Liên Xô, chúng ta đã tập trung ưu tiên xây dựng lực lượng Phòng không – Không quân phát triển nhanh chóng. Tháng 4/1965, những quả tên lửa đầu tiên của Liên Xô đã được đưa sang Việt Nam. Trên cơ sở “vốn liếng” ban đầu này, ta đã nhanh chóng xây dựng hai trung đoàn tên lửa Phòng không. Giữa năm 1966, theo lời dạy của Bác: “Muốn bắt cọp phải vào tận hang”, Trung đoàn tên lửa 238 – một trong hai trung đoàn đầu tiên này đã được đưa vào tuyến lửa Vĩnh Linh để vừa trực tiếp chiến đấu với B52, vừa làm quen, cọ xát với loại máy bay chiến lược mới B52. Ngày 17/9/1967, Tiểu đoàn tên lửa 84 của Trung đoàn 238 đã đánh trận đầu tiên và hạ được máy bay B52. Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, trên hướng Trị – Thiên đã có 4 trung đoàn tên lửa và hàng chục trung đoàn pháo Phòng không được tung vào trận chiến. Cùng với lực lượng tên lửa, một số trung đoàn radar cũng đã được gấp rút xây dựng. Cho đến trước ngày mở màn chiến dịch “Phòng không Hà Nội – Hải Phòng năm 1972”, chúng ta đã có 4 trung đoàn radar để phát hiện từ xa máy bay B52 Mỹ vào đánh Hà Nội. Hỏa lực bảo vệ cho mặt trận Hà Nội có 2 trung đoàn tên lửa: Trung đoàn 261 đóng ở phía Bắc và Trung đoàn 257 ở phía Tây Nam cùng với 6 trung đoàn pháo Phòng không. Bảo vệ cho Hải Phòng có 2 trung đoàn tên lửa 238 và 285; 3 trung đoàn pháo Phòng không. Trung đoàn tên lửa 274 đóng quân và tham gia chiến đấu ở Nam Khu 4 từ trước đó cũng được lệnh điều ra tăng cường bảo vệ cho Thủ đô Hà Nội.

Cùng với lực lượng tên lửa và radar, trong “12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không” lực lượng Không quân cũng là một đối thủ đáng gờm của B52. Lúc này ta đã có 4 trung đoàn Không quân tiêm kích và 1 trung đoàn vận tải, ném bom … Ngay từ khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng Không quân ra đánh phá miền Bắc, cùng với việc củng cố, bổ sung lực lượng và nâng cấp trang thiết bị, nhiều  sân bay quân sự ở trên khắp miền Bắc đã được gấp rút củng cố, xây mới và đưa vào sử dụng hiệu quả, trong số đó có thể kể đến như: Thọ Xuân, Vinh, Đồng Hới …; đặc biệt là một số sân bay dã chiến ở Khu 4 như: Cẩm Thủy (Thanh Hóa), Anh Sơn (Nghệ An), Khe Cát, Phủ Quỳ (Quảng Bình) … Một số sân bay khác ở phía Bắc và phía Tây như: Nà Sản, Điện Biên, Sầm Nưa, cánh Đồng Chum … cũng được củng cố làm “căn cứ dự bị” cho máy bay cất, hạ cánh để đánh B52 trong trường hợp các sân bay chính bị đánh phá và phong tỏa.

Song song với việc xây dựng và phát triển lực lượng phòng không chủ lực để sẵn sàng đón đánh và đánh thắng B52, lực lượng phòng không nhân dân, mà nòng cốt là tự vệ cũng được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và lãnh đạo các thành phố Hà Nội, Hải Phòng quan tâm xây dựng, phát triển. Trước khi chiến dịch Phòng không Hà Nội – Hải Phòng diễn ra, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã thành lập được 8 đại đội tự vệ tập trung. Trong nội thành, mỗi khu phố đều có 1 đại đội pháo Phòng không 100 ly. Mỗi cơ quan, xí nghiệp có từ 70 tự vệ trở lên đều tổ chức một đội chiến đấu được trang bị súng máy Phòng không 12,7 và 14,5 ly … Ở khu vực ngoại thành, mỗi huyện đều tổ chức 1 đại đội tập trung làm nhiệm vụ cơ động chiến đấu tại chỗ. Cả thành phố có trên 54.000 dân quân tự vệ. Hệ thống trận địa bắn máy bay tầm thấp của dân quân tự vệ được giăng khắp các khu nội thành và các huyện ngoại thành với 192 trận địa, 721 súng máy phòng không Tại Hà Nội và Hải Phòng, phòng không nhân dân cùng với phòng không chủ lực tạo thành một lưới phòng không nhiều tầng, nhiều lớp, có thể đánh được tất cả các loại máy bay, kể cả B52 và vô hiệu hóa được các thủ đoạn đánh phá nham hiểm của Không quân địch. Trước khi cuộc tập kích bằng B52 của Mỹ diễn ra, lực lượng tự vệ Thủ đô đã bố trí 414 trạm, 34 đài quan sát để phát hiện náy bay địch, thông báo kịp thời cho các lực lượng phòng tránh, đánh trả. [7]

Nhờ có sự chủ động và chuẩn bị về lực lượng từ sớm nên trong chiến dịch phòng không Hà Nội – Hải Phòng năm 1972, mặc dù đế quốc Mỹ đã huy động một lực lượng rất lớn về Không quân chiến thuật lẫn Không quân chiến lược đánh phá mang tính hủy diệt, song ta đã không bị bất ngờ và bị động, đủ sức và có đủ lực lượng để đánh và đánh thắng B52 cùng các loại máy bay chiến thuật, các trang thiết bị tối tân khác của địch. Sự xuất hiện của một thế trận phòng không nhiều tầng, nhiều lớp đã tạo ra một bất ngờ lớn đối với kẻ địch.

Sự chủ động, sáng tạo độc đáo về nghệ thuật tác chiến Phòng không; đặc biệt là về cách đánh B52 – một loại “siêu pháo đài bay” từng được cho là “bất khả xâm phạm.

Nhiều người còn nhớ, ngày 12/4/1966, sau khi nghe Tư lệnh Phùng Thế Tài và Chính ủy Đặng Tính báo cáo: “B52 đã vượt giới tuyến ra đánh đèo Mụ Giạ”.  Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: Bất kể tình huống nào, chúng ta cũng phải đánh thắng B52 Mỹ”[8].

Thực hiện lời căn dặn của Bác, giữa năm 1966, Trung đoàn tên lửa 238 “mật danh Đoàn Hạ Long) được đưa vào tuyến lửa Vĩnh Linh chiến đấu tiêu diệt B52; đồng thời đúc rút kinh nghiệm đánh loại “siêu pháo đài bay” này. Đầu năm 1968, một bộ phận cán bộ Tham mưu và phi công của binh chủng Không quân cũng đã đươc đưa vào tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh, thậm chí một nhóm còn leo lên cả đèo Mụ Giạ để trực tiếp quan sát, tìm hiểu đội hình và quy luật hoạt động của máy bay B52 cả ban ngày lẫn ban đêm. Tháng 9/1971, một Trung đoàn radar dẫn đường cũng đã được đưa vào hoạt động ở tuyến lửa Nam Khu 4 để làm quen, nắm bắt quy luật hoạt động của B52 và dẫn đường cho tên lửa. Cuối năm đó, binh chủng Không quân còn lập cả một Bộ chỉ huy tiền phương ở phía Nam bên cạnh Bộ Tư lệnh tiền phương của Quân chủng để theo dõi, nghiên cứu và tổ chức trận địa đón đánh B52 …

Ngay từ tháng 2 năm 1968, khi mà cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân đang diễn ra ở miền Nam, Quân ủy Trung ương đã giao nhiệm vụ cho quân chủng Phòng không – Không quân xây dựng kế hoạch tác chiến phòng không chống dịch tập kích bằng máy bay B52 vào Thủ đô Hà Nội. Tháng 1 năm 1969, bản Dự thảo kế hoạch này đã ra đời, trong đó có nhiều nét sáng tạo độc đáo về nghệ thuật tác chiến phòng không.

Ngày 17/9/1967, chiếc máy bay B52 đầu tiên bị Tiểu đoàn tên lửa 84, Trung đoàn 238 bắn cháy ngay trên bầu trời Vĩnh Linh. Nó không chỉ chứng minh cho thấy, bộ đội Phòng không Việt Nam có thể tiêu diệt được “siêu pháo đài bay”, mà thực tế trận đọ sức này cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý giá, tìm ra được cách phát hiện máy bay B52 và cách đánh chúng hiệu quả. Kinh nghiệm rút ra từ trận thắng này và một số trận đánh B52 tiếp sau đó là cơ sở quan trọng cho sự ra đời tập tài liệu mang tên” Cm nang đánh B52” và nhanh chóng được phổ biến đến các đơn vị trong quân chủng Phòng không – Không quân và toàn quân làm tài liệu huấn luyện cách đánh máy bay B52.

Tiếp theo chiến công tiêu diệt B52 của bộ đội Tên lửa thì trận xuất kích bắn bị thương B52 của phi công Vũ Đình Rạng (ngày 20/9/1971) cho chúng ta khẳng định thêm một điều: MiG 21 của Không quân nếu được chỉ huy, dẫn đường tốt; phi công dũng cảm mưu trí có khả năng tiếp cận và bắn rơi dược B52 của địch. Qua thực tế chiến đấu, các biên đội MiG 21 đều đã được làm quen với điều kiện tác chiến ban đêm, radar bị gây nhiễu nặng, phi công phải phát hiện B52 bằng mắt thường, phải làm tập làm quen với việc cất và hạ cánh ở các sân bay dã chiến. Cũng qua cọ xát với thực tế chiến đấu mà phần lớn phi công MiG 21 của ta đều thích nghi và có khả năng chiến đấu ở độ cao trên 10.000 km.

Có thể thấy, cả 3 lực lượng: Tên lửa, radar và Không quân – những đối tượng chủ yếu của B52 đều đã được đưa vào tuyến lửa Nam khu 4 trực tiếp đối đầu thử thách và tích lũy kinh nghiệm đánh B52 từ rất sớm. Quá trình đó, cùng với nghiên cứu, tìm hiểu về B52, qua thực tế đụng đầu và chiến đấu vơi loại “siêu pháo đài bay” này, các lực lượng Phòng không – Không quân đã có nhiều sáng tạo độc đáo, từ cách “vạch nhiễu, tìm thù” của bộ đội tên lửa, radar … đến thực hiện các phi vụ xuất kích cả ban ngày lẫn ban đêm, thành thạo các động tác cất, hạ cánh tại các sân bay dã chiến; cách né địch, tìm B52 mà đánh …

Từ năm 1968 đến năm 1971, quân chủng Phòng không – Không quân trên cơ sở đúc rút kinh nhiệm từ thực tế các cuộc đụng đầu với B52 đã dày công, tập trung nghiên cứu và xây dựng được một số phương án tác chiến với loại máy bay này; trong đó có cả phương án phát hiện sớm và đánh B52 khi chúng liều lĩnh bay ra đánh phá Hà Nội. Đầu tháng 9/1972, Bản Kế hoạch tác chiến chống cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng sau nhiều lần bổ sung, điều chỉnh đã được Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân hoàn thành một cách cơ bản. Ngày 30/10/1972, tất cả các đơn vị trong toàn Quân chủng đều được tập huấn về cách đánh B52. Ngày 24/11/1972, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng cùng Bộ Tổng tư lệnh đã xuống Sở chỉ huy quân chủng Phòng không – Không quân trực tiếp thông qua kế hoạch đánh B52, bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng. Cho đến trước ngày 03/12/1972, mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch Phòng không Hà Nội – Hải Phòng cơ bản được hoàn tất.

Chiến dịch phòng không Hà Nội – Hải Phòng năm 1972 thực sự là một cuộc đấu trí và đấu mưu cực kỳ căng thẳng giữa Bộ chỉ huy của ta với bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ; đồng thời cũng là một thử thách lớn đối với quân và dân Việt Nam. Nhờ hiểu, đánh giá đúng bản chất, âm mưu thủ đoạn của kẻ địch và lường trước được những hành động phiêu lưu quân sự của chúng nên từ rất sớm chúng ta đã có sự chuẩn bị chu đáo cả về tư tưởng, chính trị tinh thần; cả về tổ chức lực lực lượng, xây dựng thế trận và qua thực tế chiến đấu đã từng bước bổ sung, hoàn chỉnh các phương án tác chiến phòng không…Chính vì vậy, khi Mỹ liều lĩnh mở cuộc tập kích chiến lược bằng đường không vào Hà Nội – Hải Phòng suốt 12 ngày đêm cuối năm 1972, chúng ta đã không bị bất ngờ cả về chiến lược, chiến dịch và cách đánh. Quân và dân miền Bắc bước vào chiến dịch Phòng không Hà Nội – Hải Phòng năm 1972 với một tâm thế chủ động, bình tĩnh, tự tin, triển khai một thế trận chiến tranh nhân dân độc đáo và sáng tạo, làm nên một trận Điện Biên Phủ trên không gây chấn động cả thế giới.

Sau thất bại của cuộc tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng, đế quốc Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom vô điều kiện và đề nghị ta nối lại đàm phán. Ngày 6/1/1973, Cố vấn Lê Đức Thọ cùng phái đoàn ta trở lại Paris trong hào quang của trận Điện Biên Phủ trên không. Trao đổi bên lề Hội nghị, một đại biểu của phái đoàn Mỹ đã thừa nhận Nếu các ngài chỉ anh hùng không thôi thì các ngài đã bị chúng tôi nghiền nát; nhưng các ngài còn biết đánh. Vị chính khách đó phần nào đã nói đúng, chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” không chỉ là thắng lợi của bản lĩnh và lòng dũng cảm của con người Việt nam, mà còn là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là thắng lợi của sức sáng tạo và trí tuệ của con người Việt Nam

Sau đây là một số hình ảnh về cuộc chiến “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 tại Hà Nội (hình ảnh tư liệu của TTXVN)

.

[1]  TS Nguyễn Tiến Vinh, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.

[2] Phùng Thế Tài: “Bác Hồ: B52 sẽ đánh Hà Nội”. Đặc san “Điện Biên Phủ trên không”. H.1987. Tr.1.

[3] Hồ Chí Minh – Biên niên sự kiện quân sự. Nxb QĐND, H.2011. Tr.517

[4] Hồ Chí Minh – Biên niên sự kiện quân sự.  Nxb QQĐND.H.2001. Tr.566

[5] Chiến thắng “Hà Nội Điện Biên Phủ trên không – Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam”. Nxb QĐND.H. 2012. Tr. 263.

[6] Đặc san Điện Biên Phủ trên không. Sdd. Tr.21.

[7] Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không...Sdd. Tr.249.

[8] Đặc san Điện Biên Phủ trên không. Sdd. Tr.32,