TỔ LỊCH SỬ HƯỚNG VỀ LỄ GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG
Giỗ Tổ Hùng Vương – từ rất lâu đã trở thành ngày trọng đại của cả dân tộc; đã in đậm trong cõi tâm linh của mỗi người dân đất Việt.
Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm giáo dục truyền thống yêu nước “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước.
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Từ xưa đến nay, khi nhắc đến nguồn cội, tổ tiên thì mỗi chúng ta đều rất tự hào vì mình là “Con Rồng cháu Tiên”.
Trong thời đại ngày nay, với đầy đủ những minh chứng khoa học đã xác minh thời đại Hùng Vương là thời kì văn minh đồng thau rực rỡ, là thời đại hoàn toàn có thật, mở đầu cho lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc ta.
Thời kì các vua Hùng dựng nước là thời kì người Việt cổ hình thành nhà nước cổ đại trên lưu vực các con sông lớn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày nay. Người Việt cổ đã dựng nên nền văn minh đầu tiên của mình là văn minh Văn Lang – Âu Lạc, còn gọi là văn minh sông Hồng. Đó là nền văn minh nông nghiệp lúa nước, mang đậm bản sắc của một dân tộc cần cù, sáng tạo trong lao động, dũng cảm và bất khuất trong chiến đấu để bảo vệ đất nước.
Đã trải qua 18 đời Hùng Vương khởi dựng, hơn mười thế kỉ đấu tranh giành độc lập chủ quyền, và hơn mười thế kỉ vừa tiếp tục xây dựng, vừa chiến đấu bảo vệ đất nước chống các thế lực ngoại xâm, người dân Việt Nam ngày càng thấm thía hơn về nguồn cội của mình. Ngày giỗ, ngày Tết, khi thưởng thức hương vị của những chiếc bánh chưng, chúng ta nhớ về Lang Liêu chịu khó và sáng tạo; khi đất nước bị đe dọa bởi ngoại xâm, chúng ta nhớ đến cậu bé làng Gióng còn nhỏ mà cũng lo góp phần chống giặc; mỗi khi gặp thiên tai, lũ lụt thì lại noi gương kiên cường chống đỡ của Sơn Tinh… Những con người ấy của thời đại Hùng Vương luôn nhắc chúng ta phải sống sao cho xứng đáng.
Ngày 19 – 09 – 1954, tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nhắc nhở: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Lời căn dặn cũng là lời hứa quyết tâm ấy của vị đứng đầu đất nước, dân tộc đã được thực hiện vào mùa Xuân năm 1975. Sau 30 năm chiến đấu gian khổ hy sinh, nhân dân ta đã quét sạch bọn xâm lược ra khỏi bờ cõi, giang sơn thống nhất, quy về một mối. Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ sinh 100 con, nửa theo cha xuống biển, nửa theo mẹ lên rừng đã khơi dậy ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào và gắn kết chúng ta thành một khối đại đoàn kết. Hai chữ đồng bào là khởi nguồn của yêu thương, đùm bọc, của sức mạnh Việt Nam.
Mỗi năm đến ngày giỗ Tổ là mỗi lần chúng ta ôn lại lịch sử hình thành của dân tộc mình để ngọn lửa nhiệt tình trong mỗi con người chúng ta mãi cháy lên niềm tin yêu, hy vọng, để đoàn kết, ra sức tiếp nối tổ tiên xây dựng và bảo vệ trường tồn giang sơn gấm vóc Việt Nam.