Trang chủ Liên kếtHọc tập và làm theo lời Bác Tầm nhìn văn hóa sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Lời kêu gọi thi đua ái quốc

Tầm nhìn văn hóa sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Lời kêu gọi thi đua ái quốc

bởi admin
34 views
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước (Đại hội Anh hùng Chiến sĩ Thi đua lần thứ IV) tháng 12-1966 – Nguồn: mcve.org.vn

BỒI DƯỠNG, LÀM GIÀU KIẾN THỨC VĂN HÓA CHO NHÂN DÂN

Trong ba mục đích của phong trào thi đua ái quốc được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra là “Diệt giặc đói khổ, diệt giặc dốt nát, diệt giặc ngoại xâm”, thì mục tiêu “diệt giặc dốt nát” chỉ đứng sau “diệt giặc đói khổ” và đứng trước cả mục tiêu “diệt giặc ngoại xâm”.

Trong tình thế cách mạng nước nhà đang phải đương đầu với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, có ý kiến cho rằng nên đưa mục đích “diệt giặc ngoại xâm” lên trước thì phù hợp hơn với hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Nhưng tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa mục đích “diệt giặc dốt nát” lên trước mục đích “diệt giặc ngoại xâm”? Điều này thể hiện trí tuệ uyên thâm và tầm nhìn xa trông rộng của Người. Vì trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Người đã chỉ ra, kết quả của thi đua ái quốc là “Toàn dân đủ ăn đủ mặc. Toàn dân sẽ biết đọc ,biết viết. Toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực, khí giới để giết giặc ngoại xâm. Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn”.

Như vậy, có thể hiểu rằng, muốn kháng chiến thành công thì trước hết phải thanh toán được nạn đói khát, cung cấp đủ lương thực thực phẩm để nuôi dưỡng lực lượng quân hùng tướng mạnh, đồng thời phải xóa bỏ được nạn mù chữ, nâng cao kiến thức văn hóa cho đồng bào, chiến sĩ. Hàm ý thông điệp ở đây là: Muốn làm được bất cứ việc gì lớn lao, cao cả, cũng phải luôn quan tâm đến hai vấn đề căn cốt nhất là việc ăn, việc học hành để con người có đủ sức khỏe, tri thức làm chủ cuộc sống, làm chủ xã hội.

CHĂM LO HẠNH PHÚC CHO NHÂN DÂN

Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh cách làm là phải dựa vào “lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân” và khẳng định sứ mệnh cao cả của thi đua yêu nước chính là để “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”.

Kể từ khi rời Bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911 đến lúc từ trần ngày 2/9/1969, trong gần 60 năm cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, một trong những mục tiêu lớn nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo đuổi và thực hiện là mang lại cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân. Bởi thế, ngay sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã chính thức quyết định lấy tên quốc hiệu nước ta là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, kèm theo tiêu ngữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”. Theo Người, độc lập chủ quyền, thống nhất giang sơn, toàn vẹn lãnh thổ không thể tách rời cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Bởi như Người từng khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì” và: “Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui, hạnh phúc”.

Nhân dân là chủ nhân chân chính của lịch sử, là nhân tố quyết định đến sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, muốn phong trào thi đua yêu nước thành công thì phải biết dựa vào sức dân, phát huy nội lực của dân, nhưng đồng thời phải “gây hạnh phúc cho dân”, tức là phải mang lại những lợi ích thiết thực (cả vật chất và tinh thần) cho nhân dân thụ hưởng. Đó là hàm ý sâu xa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nhắc nhớ chúng ta là mọi phong trào thi đua đều phải hướng về và phục vụ lợi ích, hạnh phúc của nhân dân.

COI TRỌNG MẶT TRẬN VĂN HÓA

Một trong những nét nổi bật làm nên tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh từ Lời kêu gọi thi đua ái quốc là lần đầu tiên Người đã xác định văn hóa cũng là một mặt trận: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mọi mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”.

Là lãnh tụ tối cao của dân tộc, thông kim bác cổ, am tường văn hóa Đông Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng yếu tố văn hóa trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Vì con người gắn liền với văn hóa, đấu tranh trên mặt trận văn hóa thực chất là đấu tranh ngăn chặn, loại bỏ những tàn dư tiêu cực, lạc hậu của xã hội phong kiến, thực dân và những tệ nạn xấu xa của xã hội đương thời, đồng thời quan tâm xây dựng, vun trồng, bồi đắp những giá trị đạo đức, văn hóa mới. Bởi những giá trị văn hóa như Người đã khẳng định: “Cần kiệm liêm chính là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của thi đua ái quốc”. Đặt trong bối cảnh nước nhà còn muôn vàn khó khăn, đời sống nhân dân gặp nhiều thiếu thốn, gian khổ và nhất là đồng bào, chiến sĩ cả nước đang phải đối mặt trực tiếp với sự xâm lăng của kẻ thù, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định mỗi người dân không chỉ trở thành chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, mà còn là chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa, chính là khẳng định ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Thông điệp về coi trọng mặt trận văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Vì Người từng khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” với hàm ý văn hóa giữ vai trò như là ngọn “đèn pha” soi sáng cho con người đi về phía trước. Đây là một quan điểm sáng tạo, độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa.

ĐỀ CAO VAI TRÒ CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC

Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua”.

Như vậy, có 5 thành phần cơ bản tham gia thi đua ái quốc là “sĩ, nông, công, thương, binh”. “Sĩ” ở đây là thành phần trí thức, là những người có học vấn, có hiểu biết cao trong xã hội. Đây là lực lượng nòng cốt truyền bá, phổ biến kiến thức trong xã hội và góp phần thúc đẩy sự phát triển tiến bộ xã hội. Cùng với khơi dậy tinh thần hăng hái thi đua của các thành phần nông dân, công dân, thương nhân, công chức, viên chức, người già, trẻ em, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động: “Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh”. “Sáng tác” gắn liền với hoạt động chuyên môn của giới văn nghệ sĩ, “phát minh” gắn với các công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật của giới khoa học, kỹ sư.

Việc đặt đúng vị trí, vai trò cũng như khơi trúng mạch nguồn ý thức, khả năng sáng tạo của giới trí thức trong thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hàm ý gửi gắm một thông điệp: Biết tập hợp, tổ chức, huy động sức lực, tài năng, trí tuệ của đội ngũ trí thức là góp phần cho công cuộc “diệt giặc dốt nát” mau chóng giành thắng lợi và thúc đẩy công cuộc kiến thiết nước nhà đi tới thành công. Với cách tiếp cận này, thêm một lần khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực sự đề cao vị thế xã hội và coi trọng vai trò to lớn của đội ngũ tri thức. Và trên thực tế, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã thuyết phục, lôi cuốn được nhiều học giả, trí thức, nhà khoa học uyên bác đi theo cách mạng và đóng góp nhiều thành tựu cho sự nghiệp cách mạng nước nhà.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: hochiminh.vn)
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: hochiminh.vn)

KHƠI DẬY SỨC MẠNH VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP CỦA DÂN TỘC

Nhằm khích lệ phong trào thi đua ái quốc của nhân dân ta, trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời hiệu triệu: “Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chẳng những chúng ta có thể thắng lợi, mà chúng ta nhất định thắng lợi trong thi đua ái quốc. Hỡi toàn thể đồng bào! Hỡi toàn thể chiến sĩ! Tiến lên!”.

Trong lời hiệu triệu này, Người không nói “Hỡi toàn thể nhân dân!” mà là “Hỡi toàn thể đồng bào!”. Trước đó hai năm, khi ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), ngay từ câu mở đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Hỡi đồng bào toàn quốc!”. Dùng hai tiếng “đồng bào”, Người muốn khơi gợi, đánh thức trong tình cảm mỗi người dân Việt về huyền thoại “cha Rồng, mẹ Tiên đẻ ra bọc trăm trứng”, về cội nguồn “cùng một bào thai” của nòi giống Việt để từ đó bồi đắp tình yêu xứ sở và nhân lên sức mạnh đoàn kết dời non lấp biển, vững tâm quyết chí đánh tan kẻ thù xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất non sông.

Là người thấu hiểu, thấm nhuần sâu sắc lịch sử và văn hóa nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, cội nguồn, truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của dân tộc ta để động viên đồng bào, chiến sĩ nhen lên ngọn lửa truyền thống hào hùng của ông cha để đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc. Thông điệp văn hóa mà Người muốn gửi gắm, chuyển tải ở đây là, biết khơi đúng tâm lý, tinh thần dân tộc và mạch nguồn văn hóa truyền thống cũng là một trong những cách phát huy sức mạnh nội sinh để thực hiện thắng lợi phong trào thi đua yêu nước.

Ra đời cách nay vừa tròn 75 năm, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ chứa đựng những nội dung, giá trị, tư tưởng tốt đẹp về thi đua yêu nước, mà còn hàm chứa những ý nghĩa, thông điệp văn hóa vô cùng sâu sắc. Những thông điệp đó chứng tỏ tư duy, tầm nhìn văn hóa vượt thời đại của Người, đồng thời thể hiện tư tưởng vĩ đại của danh nhân văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.

Đại tá, ThS. NGUYỄN VĂN HẢI

Nguồn: Tầm nhìn văn hóa sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Lời kêu gọi thi đua ái quốc | Tạp chí Tuyên giáo (tuyengiao.vn)