Trang chủ Liên kếtHọc tập và làm theo lời Bác Tấm gương văn hóa đọc Hồ Chí Minh

Tấm gương văn hóa đọc Hồ Chí Minh

bởi admin
32 views

Tấm gương văn hóa đọc Hồ Chí Minh

 

Ảnh tư liệu (Nguồn: www.bqllang.gov.vn)

(Thanhuytphcm.vn) – Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của Đảng, của nhân dân và của cả dân tộc. “Dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta đã sinh ra Người – Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta ”[1]. UNESCO đã vinh danh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Người anh hùng ấy, nhà văn hóa kiệt xuất ấy trong suốt cuộc đời mình đã cần mẫn, chăm lo học tập và đặc biệt là đọc sách, báo. Chính quá trình đọc, suy ngẫm và tích tũy kiến thức từ sách vở và thực tiễn cuộc sống không những đã đem lại cho Người khối kiến thức đồ sộ, phong phú, mà còn góp phần tạo nên tư tưởng, đạo đức và phong cách con người Hồ Chí Minh.

Có thể khẳng định rằng, Người là một tấm gương trong sáng, mẫu mực về đọc và vận dụng kiến thức từ sách vở. Và chính Người đã in dấu ấn sâu đậm trong văn hóa đọc, tạo nên văn hóa đọc Hồ Chí Minh. Theo hành trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, với những sự kiện nổi bật, có thể rút ra nhiều điều để học tập Bác, làm theo Bác.

Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước. Hành trang của Người lúc đó không chỉ có đôi bàn tay lao động, mà Người còn mang theo cả truyền thống và tinh hoa văn hóa Việt Nam. Những tri thức Người có được là kết quả học tập không ngừng ngay từ gia đình, trong nhà trường, trong sách vở. Những kiến thức ấy không chỉ tạo cho Người vốn tri thức, mà ở Người còn hình thành cả chủ kiến về con đường cứu nước, cứu dân. Đó là nền tảng để Người tiếp tục học tập, tiếp thu kiến thức mới. Khi sang đến Pháp, hoạt động trong phong trào công nhân, tham gia vào Đảng Xã hội, Nguyễn Ái Quốc không những năng nổ trong các hoạt động của phong trào mà còn tranh thủ thời gian đọc các loại sách báo tiến bộ và cả những sách về lịch sử, văn hóa của Pháp và các nước phương Tây. Nhờ có kiến thức nền tảng từ văn hóa dân tộc, từ những hiểu biết về thực tiễn cuộc sống, nên khi đọc Luận cương về các vấn đề thuộc địa và dân tộc của Lê nin đăng trên báo Nhân đạo. Người nhớ lại: “Bài đó khó hiểu, vì có những từ ngữ mà tôi không biết rõ. Nhưng tôi đọc đi đọc lại và dần dần tôi hiểu ý nghĩa của nó một cách sâu sắc. Bản Luận cương làm cho tôi cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi xúc động đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang đứng trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cải cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Từ đó, tôi đã có một sự lựa chọn: tán thành Quốc tế thứ ba và hoàn toàn tin theo Lê-nin”[2].

Tin theo Lê-nin, Người đã tham gia sáng lập Đảng cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản. Những ngày ở Pháp và sau này ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc ra sức học tập. Người là bạn đọc thân quen của Thư viện Quốc gia Pháp, Thư viện của Đại học Phương Đông. Đọc sách lý luận, lịch sử, văn hóa…, chắt lọc những gì tinh túy nhất, cần thiết nhất cho mình, cho dân tộc mình. Những kiến thức từ sách, từ báo chí mà Người đã đọc, được Người thẩm định, sàng lọc, chọn lọc, phát triển tinh tế và sâu sắc, và khi vận dụng Người luôn sáng tạo sao cho phù hợp với thực tiễn.

Chúng ta biết rằng, Ngày Sách và tôn vinh văn hóa đọc Việt Nam được lấy Ngày 21/4 – ngày mà cuốn “Đường Kách mệnh”, cuốn sách là tập hợp các bài viết của Nguyễn Ái Quốc làm tài liệu giảng dạy cho lớp thanh niên cách mạng đầu tiên ở Quảng Châu (Trung Quốc) được in và phát hành. Trong cuốn sách ấy, mặc dù được Bác Hồ viết với văn phong hết sức ngắn gọn, với những từ ngữ dễ đọc, dễ hiểu, nhưng ở đó Người đã chuyển tải những gì chắt lọc nhất kiến thức mà Người đã đọc, vốn sống thực tiễn phong phú mà Người đã trải nghiệm, đúc kết. Đường Cách mệnh đã chỉ rõ những điểm căn bản nhất trong đường lối chiến lược của cách mạng, trong xây dựng một chính đảng cách mạng chân chính với đội ngũ cán bộ, đảng viên hết lòng vì dân, vì nước.

Cùng với những chỉ dẫn hết sức cụ thể về những việc cần làm để vận động, tổ chức quần chúng cách mạng, người đọc có thể hiểu bản chất các cuộc cách mạng nổi tiếng trên thế giới như cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp, cách mạng Nga và lý do tại sao chúng ta đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga. Cuốn “Đường Kách mệnh” tuy nhỏ bé, ngắn gọn nhưng chứa đựng nội dung cơ bản, chỉ dẫn cho Đảng ta và mỗi người cộng sản con đường, phương thức làm cách mạng, con đường, phương thức đến với quần chúng nhân dân. Và nhất là ngay từ vấn đề đầu tiên cuốn sách đó, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Tư cách một người kách mệnh”- một vấn đề mà hiện nay hết sức nóng hổi trong cuộc sống của Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên.

Điều muốn nói ở đây là, cuốn sách đó là sản phẩm của văn hóa đọc Hồ Chí Minh. Để có cuốn sách nhỏ đó, Hồ Chí Minh đã chắt lọc những gì cơ bản nhất, chắc chắn nhất, tinh túy nhất, cần thiết nhất của lý luận Mác xít từ những sách Người đã đọc, đã chiêm nghiệm. Sau này, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, với những kiến thức đồ sộ, phong phú và sâu sắc đã tích lũy, chỉ trong một thời gian ngắn, Người đã viết nên bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ. Thật bất ngờ và thú vị khi mở đầu bản Tuyên ngôn lịch sử ấy, Hồ Chí Minh đã trích dẫn “những lẽ phải không ai chối cãi được”[3] từ Tuyên ngôn độc lập của Mỹ, Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của Pháp! Chắc chắn là hai bản tuyên ngôn ấy, Người đã đọc, đã suy ngẫm từ những ngày còn ở Pháp, ở Mỹ, ở Liên Xô. Trích dẫn những lẽ phải từ hai bản tuyên ngôn nổi tiếng của hai cường quốc lúc đó nhưng Người lại lấy ngay những điều đó để lên án hành động xâm lược, áp bức các dân tộc của các đế quốc, thực dân, khẳng định quyền được tự do, độc lập của dân tộc và nhân dân Việt Nam. Lựa chọn kiến thức đã đọc điều gì quan trọng nhất mà cách mạng Việt Nam cần và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đó là văn hóa đọc Hồ Chí Minh.

Cũng cần nói thêm rằng, Hồ Chí Minh không chỉ đọc sách lý luận chính trị, Người quan tâm và đọc hầu như tất cả các sách về mọi lĩnh vực của đời sống văn hóa – xã hội… Người đọc nhiều loại sách, đọc trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi bị bắt, bị tù đày. Nhà thơ Hồ Chí Minh có cả một tập thơ Nhật ký trong tù, trong đó có bài “Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi””[4]:

“Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp,

Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông;

Nay ở trong thơ nên có thép,

Nhà thơ cũng phải biết xung phong”[5].

Đọc sách, đọc thơ không chỉ cảm thụ, hiểu biết, mà ở Người còn là sự thăng hoa, có chính kiến, sáng tạo.

Có thể dẫn ra nhiều ví dụ trong văn hóa đọc Hồ Chí Minh. Nếu nói một cách ngắn gọn theo phong cách Hồ Chí Minh thì đọc cũng là một hình thức, một phương thức học. Hồ Chí Minh cho rằng học tập là một việc suốt đời. Và chính Người đã nêu tấm gương sáng về việc ngày nào cũng đọc.

Những ngày này chúng ta đang tôn vinh Ngày sách Việt Nam, tôn vinh văn hóa đọc. Thiết nghĩ, Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh là hiện thân của văn hóa đọc Hồ Chí Minh. Ở Thành phố mang tên Bác, thật tuyệt vời khi chúng ta tôn vinh văn hóa đọc Hồ Chí Minh ngay tại nơi mà Người đã đem những tri thức đã đọc, đã tích lũy làm hành trang ra đi cứu nước, nơi mà ngày nay Đảng bộ và nhân dân Thành phố đang hiện thực hóa không gian văn hóa Hồ Chí Minh, mà trong đó chắc chắn văn hóa đọc Hồ Chí Minh sẽ đi vào cuộc sống của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Thành phố, nhất là lớp lớp thanh niên.

Học tập tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thiết nghĩ cần học ngay văn hóa đọc của Người, biến việc đọc từ yêu cầu của cuộc sống trở thành nhu cầu chính đáng của mỗi người muốn cầu thị, cầu tiến bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên cần trở thành tấm gương sinh động về văn hóa đọc. Để từ đó văn hóa đọc Hồ Chí Minh lan tỏa, thấm đẫm trong mỗi tập thể, trong cộng đồng, trong mỗi cơ quan, đơn vị, tạo nên nguồn trí lực sung mãn trong sự phát triển sôi động của thành phố đầu tàu hiện nay và mai sau!

Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo

(Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)

______________

[1] Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương đọc tại Lễ Truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh

[2] Trả lời phỏng vấn của Sáclơ Phuốcniô, Phóng viên Báo L Humanité ngày 15/7/1969,  Hồ Chí Minh toàn tập, t.15, Nxb CTQG, H., 2011, tr. 584

[3] Xem: Tuyên ngôn Độc lập của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh toàn tập, t.4, Nxb CTQG, H., 2011, tr. 1

[4] Thiên gia thi: Tập tho của “nghìn nhà thơ” của Trung Quốc.

[5] Xem: Hồ Chí Minh toàn tập, t.3, Nxb CTQG, H., 2011, tr. 451

Nguồn: Tấm gương văn hóa đọc Hồ Chí Minh (hcmcpv.org.vn)