Trang chủ Chuyên môn Tài liệu: PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHỐNG DỒN DÂN, LẬP ẤP CHIẾN LƯỢC CỦA MỸ VÀ CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN Ở CÁC TỈNH DUYÊN HẢI NAM TRUNG BỘ (1961 – 1963)

Tài liệu: PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHỐNG DỒN DÂN, LẬP ẤP CHIẾN LƯỢC CỦA MỸ VÀ CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN Ở CÁC TỈNH DUYÊN HẢI NAM TRUNG BỘ (1961 – 1963)

bởi Lịch Sử Tổ
274 views

PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHỐNG DỒN DÂN, LẬP ẤP CHIẾN LƯỢC CỦA MỸ VÀ CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN

Ở CÁC TỈNH DUYÊN HẢI NAM TRUNG BỘ (1961 – 1963)

Ths Nguyễn Tiến Vinh

  1. Mỹ và chính quyền Sài Gòn triển khai “quốc sách ấp chiến lược” ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ

Giữa năm 1961, Mỹ và chính quyền Sài Gòn bắt đầu thực hiện kế hoạch “bình định” rào ấp chiến lược, xem đây là “quốc sách” có tính quyết định đối với chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Trong quá trình triển khai “quốc sách” này ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ[1], chính quyền Sài Gòn xác định Quảng Ngãi là một trọng điểm xây dựng ấp chiến lược, trong đó có “ấp kiểu mẫu” như Kim Sa (xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh), là một trong hai ấp thí điểm trên toàn miền Nam. Tại đây, chính quyền Sài Gòn bắt hơn 10.000 dân xây dựng ấp kiên cố theo kiểu “hai sông, ba núi”[2] trong vòng 7 ngày.

Trong giai đoạn từ 1961 đến 1963, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ các địa phương, phong trào đấu tranh chống, phá ấp chiến lược nơi đây đã diễn ra rất quyết liệt, sôi nổi, góp phần quan trọng đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” với “quốc sách ấp chiến lược”.

  1. Phong trào chống dồn dân, lập ấp chiến lược của Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ từ 1961 đến 1963

Địa bàn Quảng Ngãi – Quảng Nam: Vận dụng chủ trương của Bộ Chính trị (1 – 1961) vào hoàn cảnh cụ thể của chiến trường, Liên Khu ủy V chủ trương phát động quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ, giải phóng nông thôn đồng bằng và quyết định tổ chức trọng điểm mũi đồng bằng của Khu gồm 4 huyện: Tam Kỳ, Tiên Phước (Quảng Nam), Bình Sơn, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), lập Đảng ủy phụ trách với mật danh 32A[3] để phát động quần chúng phá ấp chiến lược, giải phóng vùng nông thôn, xây dựng làng chiến đấu.

Đầu năm 1961, các lực lượng vũ trang Khu, tỉnh, huyện phối hợp giải phóng thôn Tứ Mỹ (Kỳ Sanh, Tam Kỳ), phát động quần chúng nổi dậy chống dồn dân, lập ấp chiến lược, lập chính quyền nhân dân tự quản. Đây là điểm phát động quần chúng phá ấp chiến lược, giải phóng nông thôn đồng bằng đầu tiên của tỉnh Quảng Nam. Ngày 27 – 10 – 1961, bộ đội tỉnh và đội vũ trang huyện Tiên Phước vượt sông Tranh giải phóng hai xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc (Tiên Phước) với hơn 8.000 dân. Sau chiến thắng, bộ đội ta trụ lại phát động quần chúng phá ấp chiến lược, xây dựng chính quyền tự quản ở nhiều xã, thôn.

Phối hợp với những hoạt động trên, các đội vũ trang tỉnh đẩy mạnh hoạt động vũ trang, xây dựng cơ sở cách mạng, diệt ác, phá lỏng tiến tới phá banh ấp chiến lược. Tiêu biểu là du kích huyện phá lỏng các ấp chiến lược ở các xã thuộc Điện Hòa, Điện Tiến, Điện Thọ, Điện Ngọc.

Sang năm 1962, phong trào giải phóng nông thôn đồng bằng ở Quảng Nam tiếp tục phát triển. Trước sự lớn mạnh của lực lượng cách mạng, tháng 8 – 1962, quân đội Sài Gòn mở trận càn quét “Lam Sơn” đánh vào Trà My – Phước Sơn[4], Phước Lãnh, Phước Ngọc nhằm lập phòng tuyến ngăn chặn cách mạng xuống đồng bằng, dồn dân vào các ấp chiến lược. Đối phó lại, ngày 25 – 9 – 1962, lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam vượt sông Tiên đánh chiếm cơ quan Hội đồng ba xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà (huyện Tiên Phước), lập chính quyền nhân dân tự quản ở các xã, thôn; xây dựng làng chiến đấu. Trên đà thắng lợi, lực lượng vũ trang tỉnh đẩy mạnh tiến công, giải phóng thêm nhiều thôn xã như xã Tiên Dương, Tiên Trà; Quế Sơn giải phóng các thôn Trà Linh, Bình Kiều, Hòa Ninh, Hòa Khương … Trong năm 1962, lực lượng cách mạng phối hợp, hỗ trợ quần chúng phá rã 41 ấp chiến lược (có ấp phá đến 6 lần), phát động quần chúng ở 244/989 thôn, 57/180 xã, lập chính quyền nhân dân tự quản ở 14 xã[5].

Cùng với các hoạt động vũ trang, hoạt động chính trị cũng bắt đầu chuyển biến theo phương châm kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị. Ở các vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát và vùng tranh chấp, quần chúng đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ, chống dồn dân vào ấp chiến lược, chống bắt lính, buộc chính quyền Sài Gòn phải chấp nhận những yêu sách của nhân dân. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của nhân dân khu Tây huyện Duy Xuyên kéo đến khu kỹ nghệ An Hòa đòi chính quyền Sài Gòn phải bồi thường đất đai, nhà cửa bị chiếm đoạt làm khu kỹ nghệ, xây dựng ấp chiến lược. Tính đến năm 1963, quân dân Quảng Nam đã phá tan 94/320 ấp chiến lược, làm chủ 76/471 thôn, xây dựng được 36 làng chiến đấu, đồng thời vận động 1.460 binh sĩ Sài Gòn về với cách mạng[6].

Ở Quảng Ngãi, từ năm 1963, phong trào chống dồn dân, lập ấp chiến lược có bước phát triển mạnh. Từ tháng 1 đến tháng 10 – 1963, quân đội Sài Gòn mở 375 cuộc càn quét với các chiến dịch “Phượng hoàng”, “Trung nghĩa” đánh vào các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long (cửa ngõ căn cứ vùng trung châu), Tân An, Vĩnh Tuy (Sơn Tịnh), Đông Sơn, Đức Phổ, Cà Ty (vùng núi nằm giữa hai huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh). Với thủ đoạn đánh phá quyết liệt, chính quyền Sài Gòn đã “lập được 474 ấp chiến lược với 446.000 dân ở đồng bằng, 51 ấp chiến lược ở miền núi. Hầu hết các thôn xã được giải phóng đều bị lấn chiếm lại” [7].

Thực hiện chủ trương của Quân khu ủy V là các lực lượng phải bám trụ địa bàn, kết hợp ba mũi giáp công trong chống càn quét, phá ấp chiến lược. Tháng 4 – 1963, Tỉnh ủy quyết định mở “Chiến dịch 40”, trọng điểm là vùng Đông Bắc huyện Đức Phổ, Nam huyện Mộ Đức nhằm phá thế kìm kẹp và lập ấp chiến lược của chính quyền Sài Gòn ở các xã ven biển và dọc quốc lộ 1. Đêm 23 – 4 – 1963, quân và dân huyện Đức Phổ nổi dậy phá banh hệ thống ấp chiến lược của chính quyền Sài Gòn ở hai xã Phổ An và Phổ Quang, nhân dân xã Phổ Thuận phá lỏng thế kìm kẹp của địch. Sáng 24 – 4, gần 500 dân các xã ở xung quanh huyện lỵ Đức Phổ biểu tình để hỗ trợ cho phong trào trọng điểm của huyện, nên đến năm 1963, phong trào chống, phá ấp chiến lược phát triển mạnh từ Phổ Thạnh, Phổ Minh, Phổ Cường, Phổ Hiệp, Phổ Nhơn, Phổ An từng bước phá lỏng, phá rã các ấp chiến lược. Những thắng lợi tại Đức Phổ đã cổ vũ cho phong trào phá ấp chiến lược tại các địa bàn khác trong tỉnh.

Địa bàn Bình Định: Đầu năm 1961, quân đội Sài Gòn mở hơn 60 cuộc hành quân càn quét vào căn cứ, vùng giáp ranh nhằm phá bàn đạp và hành lang của cách mạng ở Bình Định. Chính quyền Sài Gòn tăng cường bắt lính, củng cố tổ chức Liên gia và Thanh niên Cộng hòa, bắt dân phát quang, rào các vùng giáp ranh, gài mìn, dồn dân vào các xóm lẻ. Huyện ủy Phù Cát, Hoài Nhơn lãnh đạo nhân dân đấu tranh phá lỏng các ấp chiến lược, diệt ác ôn. Tiêu biểu ở Cát Hanh, Cát Hiệp (Phù Cát), Hoài Thanh, Bồng Sơn (Hoài Nhơn), nhân dân kết hợp đấu tranh chính trị với công tác binh vận và đạt nhiều kết quả như đấu tranh trực diện chống dồn dân các xóm thôn vùng ven núi: xóm Hiệp Ba (thôn Đại Khoan, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát); Nghĩa Nhơn, Bình Sơn (xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân); Nhà Giác, Đồng Tranh (Hoài Sơn, Hoài Nhơn). Nhân dân vùng Hà Thanh (huyện Vân Canh) đấu tranh nới lỏng thế kìm kẹp. Lần đầu tiên quân và dân Bình Định đã phá lỏng và phá rã ấp chiến lược ở một số vùng giáp ranh từ Bắc vào Nam của tỉnh ở các xã Hoài Sơn, Hoài Hảo, Hoài Thanh, Ân Nghĩa, Ân Hữu, Ân Hảo; Mỹ Trinh, Mỹ Hiệp, Cát Sơn, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Phước An, Phước Thành.

Bước sang năm 1962, Mỹ – chính quyền Sài Gòn tăng cường các cuộc càn quét ở Vĩnh Hiệp (huyện Vĩnh Thạnh), Hoài Mỹ, Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn), Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ), Cát Hanh, Cát Hiệp (huyện Phù Cát) hòng cưỡng bức nhân dân vào các ấp chiến lược. Sau khi thực hiện thí điểm lập ấp chiến lược ở xã Ân Hảo (Hoài Ân), Hoài Thanh (Hoài Nhơn), chính quyền Sài Gòn nhanh chóng triển khai ra toàn tỉnh với kế hoạch lập 200 ấp trong năm 1962. Quân và dân Bình Định kiên quyết đánh trả, tiêu biểu là chiến thắng Núi Bé, Hoài Sơn (03 – 3 – 1962) mở đầu việc bộ đội địa phương sử dụng chiến thuật tiến công địch trong công sự vững chắc. Kết hợp với đấu tranh vũ trang, nhân dân nổi dậy phá rã hàng loạt ấp chiến lược ở 26 thôn thuộc huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Bình Khê. Ở Vân Canh, đồng bào thiểu số ở 6 xã kéo nhau lên quận biểu tình chống bắt lính, chống dồn dân vào ấp chiến lược. Tháng 6 – 1962, các lực lượng vũ trang tỉnh, huyện đã phá lỏng 8 ấp, tiêu biểu là cuộc biểu tình của 4.000 lượt quần chúng xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ) với các khẩu hiệu chống dồn dân, lập ấp chiến lược, đòi tự do đi lại làm ăn.

Để đối phó với các cuộc tiến công mạnh mẽ, quyết liệt của quân và dân Bình Định, quân đội Sài Gòn liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét, lớn nhất là trận càn “Dân tiến” từ ngày 15 – 9 – 1962 đến 3 – 1963 với 10 tiểu đoàn bộ binh của sư đoàn 9, chà đi xát lại một vùng rộng lớn từ Tây Bắc Hoài Nhơn lên Hoài Ân, An Lão và Đông Bắc Vĩnh Thạnh, đồng thời lập thêm nhiều ấp chiến lược ở cả vùng “an ninh”, tức là vùng cách mạng chưa hoạt động đến.

Trước tình thế này, Tỉnh ủy chủ trương không chỉ đưa quần chúng đốt phá hàng rào, bãi chông mà còn chống càn quét, thanh lọc dân. Từ tháng 7 đến tháng 10 năm 1962, quần chúng nổi dậy phá thế kìm kẹp ở 30 thôn, phá lỏng 114 ấpchiến, trong đó có 30 ấp bị phá banh, đốt 128.700 mét rào. Tính đến hết năm 1962, đã có 67 cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng chống dồn dân vào ấp chiến lược, phá banh 46 ấp, phá lỏng 134 ấp, đốt hơn 200.000 mét rào, lấp hơn 7000 m hào, 3.000 cọc sắt, 5.000 kg kẽm gai bị thiêu hủy[8].

Năm 1963, quân đội Sài Gòn tăng cường đánh phá ác liệt, hòng thực hiện cho bằng được “quốc sách ấp chiến lược”, chúng mở hơn 180 trận càn, sử dụng chiến thuật “trực thăng vận” để dồn dân, lập ấp chiến lược ở các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn và Bắc Phù Mỹ. Đến tháng 7 – 1963, chính quyền Sài Gòn lập được 460 ấp chiến lược ở đồng bằng Bình Định, dồn hơn 513.588 người (toàn tỉnh có 800.000 dân) vào các ấp chiến lược. Ngoài ra, chính quyền Sài Gòn còn lập thêm một số cụm ấp chiến lược liên hoàn tại những vùng xung yếu: An Đỗ (Hoài Sơn, Hoài Nhơn), Kim Sơn (Ân Nghĩa, Hoài Ân), Thạch Bàn (Cát Sơn), Long Định (Cát Hiệp, Phù Cát) nhằm ngăn chặn các hướng tấn công của lực lượng cách mạng xuống đồng bằng.

Trong năm 1963, hơn 18.620 lượt quần chúng Bình Định đã nổi dậy cùng đội công tác phá 136 ấp, trong đó có 38 ấp phá dứt điểm. Riêng các xã phía Đông huyện Phù Mỹ có đến 5.462 lượt quần chúng tham gia phá 16 ấp, tức là 342 người phá 1 ấp (năm 1962, chỉ có 29 người phá 1 ấp), đốt 97.272 mét rào, 454.729 cây gỗ rào ACL, 187.000 cây chông bị phá hủy, lấp 12.580 mét hào[9]. Tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh phá ấp chiến lược An Giang (Mỹ Đức – Phù Mỹ) kéo dài hơn 50 ngày đêm (từ 15 – 3 đến 5 – 5 – 1963). Đây là chiến thắng điển hình về “ba mũi giáp công” phá ấp chiến lược củatỉnh.

Trong thời gian này, quần chúng ở 5 huyện (Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, Bình Khê) liên tiếp nổi dậy phá kẹp 54 thôn (có 22 thôn bị kẹp lại), trong đó Phù Mỹ đã phá kẹp 22 thôn với hơn 22.000 dân. Chỉ trong tháng 5 – 1963, cách mạng đã giành quyền làm chủ 37 thôn của 7 xã với 31.000 dân, tổ chức 343 cuộc đấu tranh trực diện chống gom dân vào ấp chiến lược. Nhân dân 2 thôn Phú Thứ, Hà Ra (Phù Mỹ) với 600 gia đình đấu tranh đòi về làng cũ. Nhân dân 4 thôn ở phía Tây An Lão đấu tranh chống 1 tiểu đoàn lính Sài Gòn càn quét để lập ấp chiến lược suốt 1 tháng. Có 172 gia đình ở thôn Tiên Thuận, Tả Giang (Bình Giang, Bình Khê), 100 gia đình ở 2 thôn Mỹ Thuận, Lộc Khánh (Cát Thắng, Phù Cát), toàn bộ thôn Trung Tín (Phước Lộc, Tuy Phước) kiên cường chống dồn dân lập ấp chiến lược.

Đêm 7 – 10 – 1963, tiểu đoàn 50 mở cuộc tập kích vào trụ sở xã Ân Tường nhằm hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy phá các ấp chiến lược Phú Khương, Tân Thạnh, Long Giang, Trí Tường. Sáng hôm sau, 2 tiểu đoàn lính Sài Gòn có xe M113 và máy bay lên thẳng yểm trợ kéo đến phản kích. Quân dân ta đánh trả quyết liệt, loại khỏi vòng chiến hơn 150 quân địch, hạ 1 máy bay, bắn hỏng 3 xe M113. Đây là chiến thắng lớn nhất của quân và dân Bình Định trong những năm 1961 – 1963 và là chiến thắng đầu tiên đánh bại chiến thuật “thiết xa vận” của quân đội Sài Gòn. Phối hợp với đấu tranh vũ trang, quần chúng nổi dậy phá hơn 50 ấp chiến lược, trong đó có 20 ấp bị phá banh. Lần đầu tiên khu Đông tỉnh BìnhĐịnh đã phá lỏng 2 ấp chiến lược ở phía đông huyện Phù Cát.

Tháng 11 – 1963, nhân cơ hội Mỹ ủng hộ tướng Dương Văn Minh làm đảo chính, lật đổ anh em Diệm – Nhu, chính trường Sài Gòn chao đảo, quân và dân Bình Định đẩy mạnh diệt ác ôn, phá kìm kẹp ở 101 thôn với 121.103 dân, giải phóng nhiều vùng ở Tây sông An Lão, thung lũng Kim Sơn (Hoài Ân), Nam Hoài Nhơn, Tây Phù Cát, Đông Bắc Bình Khê, giải phóng hoàn toàn 73 thôn với 75.571 dân, cao nhất Liên khu V (73/219 thôn toàn Khu)[10]. Ở khu Đông, quần chúng nổi dậy phá hàng loạt ấp chiến lược ở các xã Cát Khánh, Cát Chánh (Phù Cát); Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận (Tuy Phước). Cuối năm 1963, toàn tỉnh Bình Định đã có 283 thôn được giải phóng. Phong trào phá ấp chiến lược đã huy động hơn 46.000 lượt quần chúng tham gia, phá 109 ấp, trong đó có 84 ấp phá dứt điểm. Tiêu biểu là huyện Hoài Nhơn đã phá 84 ấp, trong đó có 38 ấp phá dứt điểm.

Địa bàn Phú Yên – Khánh Hòa: Quân đội Sài Gòn mở “chiến dịch Hải Yến” với trung đoàn chủ lực 47, một tiểu đoàn biệt động, một tiểu đoàn công binh, 4 đại đội biệt kích, 17 đại đội bảo an, 81 tổng đoàn dân vệ, 40 trung đội thanh niên chiến đấu, một chi đoàn xe M113, một đại đội trọng pháo với 4 khẩu 105 ly, 2 khẩu 155 ly, một chiến đoàn Bình Phú, 2 đội hải thuyền, 45 máy bay các loại đánh vào địa bàn các huyện Tuy Hòa, Tây Sơn Hòa, Tuy An, Đồng Xuân dồn hơn 30.000 dân vào các ấp chiến lược Hòn Lúp, Xuân Lãnh, Núi Miếu. Tháng 11 – 1962, Tỉnh ủy họp tại Suối Cối – Kỳ Lộ (huyện Đồng Xuân) xác định phá ấp chiến lược là nhiệm vụ trung tâm hàng đầu. Trong 10 tháng (từ 5 – 1962 đến 2 – 1963) chiến đấu chống “chiến dịch Hải Yến”, các lực lượng vũ trang Phú Yên đã giải phóng 24 xã (8 xã đồng bằng), phá 33 ấp, đưa 55.000 đồng bào về làng cũ. Tỉnh trưởng Phú Yên đã báo cáo trong Hội nghị ấp chiến lược Trung nguyên Trung phần ngày 30 – 5 – 1962 tại Nha Trang: “Tình hình xây dựng ấp chiến lược ở Phú Yên tính đến ngày 30 – 5 – 1962, quận Tuy Hòa dự định xây dựng 30 ấp mới hoàn thành được 2 ấp, quận Tuy An ấn định 36 ấp mới hoàn thành 5 ấp, quận Sông Cầu ấn định xây dựng 19 ấp mới xây dựng được 5 ấp, quận Đồng Xuân ấn định 10 ấp mới xây dựng được 5 ấp”[11] 

Tại Khánh Hòa, chính quyền Sài Gòn cho quân bao vây các thôn vùng ven như: Đất Sét, Khánh Xuân, Xuân Lâm, Cẩm Sơn (xã Diên Xuân) bắt nhân dân dồn xuống vùng sâu để tạo vành đai trắng. Nhân dân đã 3 lần đấu tranh trở về làng cũ. Đồng bào ở các vùng giáp ranh nổi dậy phá rào ấp chiến lược. Đến giữa tháng 6 – 1963, quân và dân Khánh Hòa phá tan chiến dịch Thiềm Đầu Thủy của địch nhằm rút 15.000 dân miền núi dồn về các khu tập trung ở đồng bằng; bước đầu làm thất bại “quốc sách ấp chiến lược” của chính quyền Sài Gòn tại địa bàn tỉnh.

Địa bàn Ninh Thuận – Bình Thuận: Đầu năm 1961, Tỉnh ủy Ninh Thuận chủ trương vũ trang tuyên truyền diệt ác, phá kìm, mở rộng cơ sở với phương châm kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự. Ở phía Nam tỉnh Ninh Thuận, Tỉnh ủy chủ trương “mở vùng”, lấy Sơn Hải làm thí điểm. Sau thắng lợi, lực lượng vũ trang tỉnh tấn công vào Cà Ná phá ấp, phá kìm. Giữa năm 1961, lực lượng vũ trang tỉnh tiếp tục tấn công phá banh ấp Xóm Bằng, đưa một số dân về sống hợp pháp ở vùng CK19 (Am Đá Hang, Núi Chùa, Cầu Gãy).

Lực lượng cách mạng bên trong và bên ngoài kết hợp tấn công bằng ba mũi, đồng bào kiên quyết không chịu lập tề (địch lập lên ta lại phá). Tuy nhiên, đến cuối năm 1962, chính quyền Sài Gòn đã lập lại thế kìm trên các ấp mới giải phóng. Đến giữa năm 1963, địch đã lập xong 125/127 ấp chiến lược với gần 99% dân số. Mặc dù chính quyền Sài Gòn thành công trong việc gom dân vào các ấp chiến lược nhưng không nắm được dân, lực lượng cách mạng vẫn được bảo toàn và thường xuyên ra vào ấp để xây dựng cơ sở. Đây là điều kiện thuận lợi để lực lượng cách mạng tiếp tục chống, phá ấp chiến lược trong thời gian tiếp theo.

Ở Bình Thuận, tháng 6 năm 1962, Tỉnh ủy và Ban quân sự tỉnh đề ra nhiệm vụ trung tâm là chống, phá ấp chiến lược trên quốc lộ 1 và liên tỉnh lộ 8, Hàm Tân. Quán triệt tinh thần trên, các đơn vị vũ trang tỉnh đẩy mạnh tiến công địch. Tháng 7 – 1962, đại đội Lê Hồng Phong cùng với bộ đội địa phương phối hợp, tiến công vào các ấp Rạng, Long Phú, Long Hoa diệt ác ôn, phát động nhân dân phá trên 5.000 m rào ACL ở huyện Thuận Phong; phá lỏng các ấp chiến lược Hiệp An, Hiệp Bình, Hiệp Thành, Hiệp Hòa (khu Lê Hồng Phong). Đại đội Hoành Sơn phối hợp với bộ đội địa phương huyện Hàm Thuận liên tục tiến công vào các ấp chiến lược trên đường 8 và Đại Nẫm, hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá banh bộ máy kìm kẹp, phá rào hàng loạt ấp chiến lược. Ngày 4 – 8 – 1962, bộ đội huyện Hàm Tân phá động quần chúng nổi dậy phá banh các ấp chiến lược Phong Điền, Hiệp Nghĩa, Hiệp Phước, Hiệp Trí và Hiệp Tín (xã Tân Hiệp).

Phát huy những thắng lợi đã giành được, các đại đội 486, 489 hỗ trợ nhân dân Long Hoa nổi dậy phá các ấp chiến lược Tà Nung, Bàu Ốc, Xa Ra, Tùy Hòa. Ở các huyện Hàm Tân, Hàm Thuận, Thuận Phong, Bắc Sơn và thị xã Phan Thiết, lực lượng vũ trang phá banh các ấp chiến lược Cây Găng, Phong Điền, Hiệp Phước, Hiệp Nghĩa, Tam Tân, Hiệp An; phá lỏng và phá rã các ấp trên đường số 8, Đại Nẫm; đánh phá các ấp chiến lược Cà Lon, Bá Ghe, Gia Hòa, đưa một số đồng bào dân tộc về buôn, rẫy. Đến năm 1963, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy địa phương, quân và dân toàn tỉnh đã phá banh 13 ấp, phá lỏng 36 ấp chiến lược, 550 binh sĩ Sài Gòn rã ngũ[12].

  1. Kết luận

Ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, từ năm 1961 – 1963, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó biện pháp quân sự là chủ yếu để mở các cuộc hành quân càn quét, triệt hạ xóm làng, nhà cửa, ruộng vườn của nông dân để buộc họ phải vào sinh sống trong các ấp chiến lược.

Để chống lại chính sách dồn dân, lập ấp chiến lược, từ giữa năm 1961 đến năm 1963, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ các cấp, phong trào đấu tranh chống, phá ấp chiến lược ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đã bùng lên mạnh mẽ, có những bước tiến quan trọng với những hình thức đấu tranh sôi nổi, quy mô rộng khắp, có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cuộc nổi dậy của quần chúng ở bên trong với các cuộc tấn công vũ trang từ bên ngoài vào, phong trào đã giành được những thắng lợi quan trọng. Trong năm 1963, quân và dân tỉnh Quảng Đà và Quảng Nam phá 94/320 ấp chiến lược, giành quyền làm chủ 76/471 thôn, có 36 thôn xây dựng làng chiến đấu; quân và dân tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định đã tiến hành 1.524 cuộc đấu tranh, phá đi phá lại 1.876 lần ấp chiến lược, phá được 400/900 ấp chiến lược[13]; Ở Phú Yên, quân và dân phá 33/98 ấp chiến lược, giải phóng 24 xã (có 8 xã đồng bằng); Quân dân tỉnh Bình Thuận phá banh rào ở 36 ấp chiến lược, cắt phá 27.697 mét rào kẽm gai, 1.785 mét rào tre, 56.830 cây chông tre, lấp và san bằng 3.102 mét hào[14].Những thắng lợi trong phong trào chống, phá ấp chiến lược ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ trong giai đoạn từ 1961 đến 1963 đã tạo nền tảng vững chắc cho phong trào cách mạng ở nơi đây phát triển mạnh mẽ trong các giai đoạn tiếp theo.

 

 

[1] Duyên hải Nam Trung Bộ gồm các tỉnh Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

[2] Ấp được rào bằng ba lớp với dây kẽm gai và cọc sắt, 2 dãy hào sâu ở giữa các lớp rào, dưới cắm chông dày đặc.

[3] Đảng ủy 32A gồm: Bí thư: Nguyễn Văn Ưng; Ủy viên: Vũ Trọng Hoàng, Chín Hoa, Đỗ Thế Chấp, Hồ Truyền, Vân, Chín Hòa.

[4] Nơi đóng cơ quan của Khu ủy V ở Nước Là, Trà My (Quảng Nam).

[5] Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng, Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng (1930 – 1975), Nxb CTQG, H, 2006, tr.430.

[6] Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng, Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng (1930 – 1975), Nxb CTQG, H, 2006, tr.436.

[7] Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên, Phú Yên – 30 năm chiến tranh giải phóng (1945 – 1975), XN in Tổng hợp Phú Yên, 1993, tr.226-227.

[8] Đảng bộ tỉnh Bình Định, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định, XN in Bình Định, 2005, tr.74-78.

[9] Đảng bộ tỉnh Bình Định, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định, XN in Bình Định, 2005, tr.78.

 

[10] Đảng bộ tỉnh Bình Định, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định, XN in Bình Định, 2015, tr.82.

[11] Đảng bộ huyện Đồng Xuân, Lịch sử Đảng bộ huyện Đồng Xuân (1930 – 1975), XN in Tổng hợp Phú Yên, 1996, tr.151.

 

[12] Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, Tập 2, XN in Bình Thuận, 2000, tr.73-74.

[13] Bộ Tư lệnh Quân khu V, Khu V, 30 năm chiến tranh giải phóng, Tập 2, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1989, tr.131.

[14] Nguyễn Công Thục, Phong trào đấu tranh chống phá ấp chiến lược (1963 1964), Nxb CTQG, H, 2006, tr.120.