Trang chủ Chuyên môn PHONG TRÀO CHỐNG, PHÁ “ẤP CHIẾN LƯỢC” Ở MIỀN TÂY NAM BỘ TRONG NĂM 1964

PHONG TRÀO CHỐNG, PHÁ “ẤP CHIẾN LƯỢC” Ở MIỀN TÂY NAM BỘ TRONG NĂM 1964

bởi Lịch Sử Tổ
2,184 views

PHONG TRÀO CHỐNG, PHÁ “ẤP CHIẾN LƯỢC”  

Ở MIỀN TÂY NAM BỘ TRONG NĂM 1964

TS. Nguyễn Tiến Vinh

       “Ấp chiến lược” là Quốc sách của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong quá trình thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961 – 1965) ở miền Nam Việt Nam, trong đó có địa bàn miền Tây Nam Bộ. Quốc sách “ấp chiến lược” được triển khai trên quy mô lớn với nhiều thủ đoạn thâm độc nhằm tiêu diệt bằng được lực lượng cách mạng miền Nam nói chung và miền Tây Nam Bộ nói riêng. Trong năm 1964, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ các cấp, bằng nhiều hình thức, quân và dân miền Tây Nam Bộ đã nổi dậy phá tan từng mảng “ấp chiến lược”, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

1. “Ấp chiến lược ở miền Tây Nam Bộ

      Trong quá trình xâm lược miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ cùng với chính quyền Sài Gòn xem việc bình định, lập “ấp chiến lược” là một quốc sách có ảnh hưởng quan trọng đến sự thành bại của các kế hoạch xâm lược, nhất là trong giai đoạn Mỹ tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961 – 1965) trên chiến trường miền Nam Việt Nam. Mục đích của quốc sách này là nhằm “tát nước bắt cá”, chia rẽ quần chúng nhân dân với lực lượng cách mạng, tách cán bộ cách mạng của Đảng ra khỏi nhân dân, mưu đồ cô lập và tiêu diệt lực lượng cách mạng miền Nam nhằm áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam.

      Đối với miền Tây Nam Bộ ([1]) (gồm các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh), đây vốn là địa bàn chiến lược quan trọng, là vùng nông thôn tiêu biểu đặc trưng ở miền Nam Việt Nam và là chiến trường mà các lực lượng cách mạng miền Nam và quân đội Sài Gòn giành giật quyết liệt, dai dẳng trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm. Riêng trong năm 1964, xuất phát từ sự đa dạng về điều kiện tự nhiên và dân cư, kinh tế – xã hội vùng miền, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên Tỉnh ủy miền Tây Nam Bộ thì cuộc đấu tranh chống, phá “ấp chiến lược” ở các địa phương miền Tây Nam Bộ diễn ra rất quyết liệt, phong phú về hình thức tổ chức và mang những nét đặc trưng. Thắng lợi của phong trào chống, phá “ấp chiến lược” ở miền Tây Nam Bộ trong năm 1964 đã góp phần quan trọng làm cho chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” với quốc sách “ấp chiến lược” thất bại ở miền Nam, buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”

2. Phong trào chống, phá “ấp chiến lược” ở miền Tây Nam Bộ trong năm 1964

2.1. Âm mưu của Mỹ – chính quyền Sài Gòn từ năm 1964

      Thắng lợi của cách mạng miền Nam, trong đó có phong trào đấu tranh chống, phá “ấp chiến l­ược” năm 1963, đã đẩy chính quyền và quân đội Sài Gòn vào thế suy yếu toàn diện. Thắng lợi này cũng góp phần tác động sâu sắc đến nhận thức và làm cho các tầng lớp nhân dân, trong đó có các tổ chức tôn giáo, tín ng­ưỡng miền Nam nhận rõ hơn “bộ mặt thật” của chính phủ Ngô Đình Diệm và chính sách xâm lư­ợc của Mỹ. Được sự ủng hộ và giật dây của Mỹ, ngày 01/11/1963, một số t­ướng lĩnh cấp cao trong quân đội Sài Gòn tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Diệm – Nhu, lập nên chính thể mới do t­ướng D­ương Văn Minh đứng đầu. Hơn hai m­ươi ngày sau khi chính quyền Diệm ở miền Nam Việt Nam bị lật đổ, ngày 22/11/1963, chính Tổng thống J. Kennedy – ngư­ời quyết định tiến hành “Chiến tranh đặc biệt” ở Việt Nam cũng bị ám sát. Đây là sự kiện không chỉ gây chấn động nư­ớc Mỹ, ảnh hư­ởng lớn tới những cố gắng của chính quyền Mỹ đối với cuộc chiến tranh ở Việt Nam, làm cho chính quyền Sài Gòn thêm hoang mang, dao động hơn nữa.

     Trong năm 1961–1963, “ấp chiến lư­ợc” và những hậu quả của nó đã gây nên sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng miền Nam và trên thực tế nó đã bị quân và dân miền Nam đánh bại một bư­ớc cơ bản trong năm 1963, nên một trong những biện pháp quan trọng nhằm tạo ra sự thay đổi kết cục “Chiến tranh đặc biệt” mà kế hoạch Johnson – Mc. Namara đ­ưa ra là: “Xúc tiến việc lập ấp chiến lư­ợc đư­ợc đổi tên là ấp tân sinh, xem việc này đi đôi với việc tiến công quân sự là then chốt của kế hoạch mới([2]). Và theo kinh nghiệm của R. Thompson: “cũng như ở Malaysia, chiến tranh du kích tồn tại và phát triển được là nhờ tổ chức cơ sở chính trị bí mật ở nông thôn. Vì vậy muốn đánh bại được đối phương trước hết phải ưu tiên tập trung đánh bại các hoạt động lật đổ chính trị chứ không phải quân du kích; tổ chức bí mật ở cơ sở không bị đánh vỡ thì các đơn vị du kích và cả chủ lực đối phương cũng không bị đánh bại, để phá tận gốc tổ chức chính trị Cộng sản phải dùng tổ chức tình báo, thực hiện bình định, lập ấp chiến lược ở miền Nam Việt Nam([3]).

     Ngày 9/3/1964, Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Khánh ký sắc lệnh 103-SL/CT giải tán Ủy ban Liên bộ đặc trách ấp chiến lược từ cấp Trung ương đến các khu chiến thuật, dưới sự hỗ trợ của Mỹ, hệ thống “ấp chiến lược” được thay đổi với tên gọi mới là “ấp tân sinh”[4]. Chương trình xây dựng “ấp tân sinh” hay còn gọi là “Chương trình cải tiến dân sinh ở nông thôn” được bắt đầu từ ngày 1/4/1964 chia làm 2 bước:

 + Bước 1: Từ ngày 01/4/1964 đến tháng 12/1965 sẽ hành quân càn quét trên các địa bàn trọng điểm ở Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ, trong đó, địa bàn miền Tây Nam Bộ chủ yếu tập trung vào Cà Mau, Kiên Giang và Vĩnh Long.

+ Bước 2: Từ năm 1966 sẽ tiến công vào các vùng căn cứ, các đơn vị chủ lực của quân giải phóng, phá hủy các cơ sở quân sự của ta.

   Thực hiện kế hoạch trên, chính quyền Sài Gòn đã triển khai các kế hoạch hành quân, tấn công vào các khu vực trọng yếu ở Tây Nam Bộ hòng bảo vệ những “ấp chiến lược” tại đây và thiết lập các “ấp tân sinh” theo sự chỉ đạo của Mỹ.

2.2.Phong trào chống, phá “ấp chiến lược” ở miền Tây Nam Bộ trong năm 1964

      Nắm bắt sự chuyển biến của tình hình, tháng 11/1963, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ư­ơng Đảng Lao động Việt Nam đã họp bàn về phư­ơng hư­ớng phát triển của cách mạng miền Nam trong năm 1964. Qua phân tích âm m­ưu và kế hoạch mới của Mỹ – chính quyền Sài Gòn, những thuận lợi và khó khăn cũng như­ những bài học kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn đấu tranh của quân và dân miền Nam trong những năm đầu đối phó với chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” từ năm 1961 đến năm 1963, Bộ Chính trị chỉ rõ: “Ph­ương thức tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam tr­ước mắt vẫn đ­ược xác định là kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang. Hai hình thức đấu tranh này đều cơ bản, có vai trò quyết định; trong đó, đấu tranh vũ trang có vai trò quyết định trực tiếp tiêu diệt lực lư­ợng quân địch, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào đấu tranh chống phá ấp chiến l­ược phát triển và giành thắng lợi([5]).

      Về chống, phá ấp chiến lư­ợc, Nghị quyết Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Vừa qua, Đảng bộ miền Nam đã có những kinh nghiệm rất quý về công tác phá ấp chiến l­ược. Địa phương nào cũng có những điển hình rất tốt về phá ấp chiến lư­ợc. Cần ra sức tổng kết và phổ biến chứng kinh nghiệm ấy. Yêu cầu trong hai, ba năm tới phải phá cho được về căn bản ấp chiến lư­ợc của địch và phải làm chủ thật sự các xã, thôn giải phóng([6]).

     Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị và hưởng ứng lời kêu gọi của Hội nghị Chính trị đặc biệt và Kế hoạch tiến công của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, đầu tháng 4/1964, để mở đầu các cuộc tiến công địch trên địa bàn Miền Tây Nam Bộ, Bộ Tư lệnh khu 9 – Tây Nam Bộ quyết định mở chiến dịch tiến công Chi khu Vĩnh Thuận tại tỉnh Kiên Giang, để đối phó quân đội Sài Gòn đưa quân từ Huyện Sử (Cà Mau) đến chi viện, đồng thời đưa viện binh đổ quân bằng đường không đến Vĩnh Thuận. Cuộc chiến đấu tại Vĩnh Thuận điễn ra rất quyết liệt.

      Vào lúc 0 giờ ngày 12/4/1964, Tiểu đoàn 96 thuộc Trung đoàn 1 của Khu 9 Tây Nam Bộ cùng bộ đội huyện Vĩnh Thuận đánh trận địa pháo, chiếm dinh quận, chi Công an, cơ quan hành chính quận và xã, tiếp đó đánh tiếp một đồn và làm thiệt hại nặng căn cứ bảo an của quận diệt 100 quân (trong số đó có tên Quận trưởng Vĩnh Thuận), phá hủy hai khẩu pháo 105 ly. Vào 7 giờ sáng cùng ngày, quân đội Sài Gòn điều một tiểu đoàn biệt kích cùng hai đại đội bảo an từ Huyện Sử kéo lên, toán biệt kích này rơi vào ổ phục kích của tiểu đoàn 309 thuộc Trung đoàn 1 của Khu 9, đơn vị chủ lực khu 9 đã tiến công tiêu diệt gọn tiểu đoàn biệt kích này và đánh thiệt hại nặng hai đại đội bảo an, tiêu diệt 300 tên lính, thu về gần 200 súng. Ngay trong đêm 12/4/1964, tiểu đoàn 309 đánh tiếp đồn Ranh Hạt thuộc Huyện Sử, buộc đối phương phải co cụm cố thủ.

      Bị tổn thất nặng nề, Bộ Tư lệnh vùng 4 chiến thuật cho máy bay đổ hai tiểu đoàn dù xuống cánh đồng Vĩnh Thuận nhưng chưa kịp đặt chân xuống đất đã bị quân cách mạng nổ súng, đánh thiệt hại nặng. Quân đội Sài Gòn dùng bom napal đốt cháy hàng trăm hecta rẫy khóm để chặn đường truy kích của các đơn vị chủ lực khu 9. Trưa ngày 17/4/1964, đối phương rút chạy về Thới Bình (Cà Mau). Du kích Vĩnh Thuận diệt thêm 2 lính, thu 6 súng. Sau 7 ngày đêm chiến đấu, quân và dân diệt khoảng 600 lính, bắn cháy và hỏng 10 máy bay, thu nhiều súng đạn và hàng trăm chiếc dù, chiến thắng Vĩnh Thuận đã tạo thời cơ để nhân dân trong huyện nổi dậy phá các “ấp chiến lược” trên địa bàn Vĩnh Thuận, đây được xem là chiến thắng lớn nhất của quân dân miền Tây Nam Bộ trong năm 1964, là nguồn cổ vũ lớn lao cho quân dân ta tiếp tục tiến công địch[7]

    Sau chiến thắng Vĩnh Thuận, lãnh đạo Khu 9 – Miền Tây Nam Bộ chủ trương đánh Trung tâm biệt kích Huyện Sử (nay thuộc huyện Thới Bình – Cà Mau) gồm hai đồn tứ giác, ba đồn tam giác, mười lô cốt. Trung đoàn 2 của Khu 9 phối hợp với địa phương quân và du kích xã thực hiện kinh nghiệm đánh Điện Biên Phủ “bao vây đánh lấn” huy động hàng ngàn quân dân đào các chiến hào từ năm hướng, tiến dần vào Trung tâm biệt kích Huyện Sử, đến 23 giờ ngày 19/5/1964, quân cách mạng diệt hoàn toàn Trung tâm biệt kích Huyện Sử, tiêu diệt 150 lính, bắt sống 100 lính, thu toàn bộ vũ khí. Sau trận tập kích này, kinh nghiệm “bao vây đánh lấn” được phổ biến rộng rãi ra toàn Khu 9 – Tây Nam Bộ.

      Nhân đà thắng lợi tại Vĩnh Thuận và Trung tâm biệt kích Huyện Sử, quân dân huyện Thới Bình phá tan các “ấp chiến lược” Rạch Ông, Rạch Giồng, Bàu Mốp, Bà Đặng, mở rộng vùng giảỉ phóng. Ngày 26/5/1964, 2 Tiểu đoàn 306 và 309 – Khu 9 tiếp tục phối hợp với địa phương quân Thới Bình và du kích xã, tập kích tất cả đồn bốt trong khu vực này, phá “ấp chiến lược đặc biệt” Khai Hoang. Đây vốn là khu trù mật đã bị lực lượng cách mạng phá đi phá lại nhiều lần, đối phương đã chuyển thành “ấp chiến lược đặc biệt” và dùng Tiểu đoàn 2 (thuộc Trung đoàn 32, Sư đoàn 21 quân chủ lực Sài Gòn) chốt giữ. Tại ấp này, đối phương sử dụng giàn pháo uy hiếp vùng căn cứ U Minh Hạ. Kết thúc trận tiến công này, các đơn vị chủ lực khu 9 là tiểu đoàn 306 và tiểu đoàn 309 đã xóa sổ toàn bộ tiểu đoàn 2 của quân đội Sài Gòn, thu toàn bộ vũ khí, phá hỏng 2 pháo 105 ly. Đến cuối năm 1964, lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau có bước phát triển mới, có 7.000 đảng viên; lực lượng vũ trang, chính trị, binh vận đều tăng, có 3.182 thanh niên tòng quân, đưa về Khu và Miền 2.000 người có 47 xã đều lập chính quyền cách mạng và đối phương chỉ còn 14 ấp chiến lược trên địa bàn Cà Mau ([8]).

        Phát huy thành quả có được, lực lượng chủ lực Khu (Trung đoàn 2) cùng lực lượng tỉnh Rạch Giá mở đợt tấn công đồn bốt để khai thông hành lang từ U Minh Thượng lên vùng “lòng chảo” Giồng Riềng, mở rộng vùng giải phóng các huyện Gò Quao, Giồng Riềng, An Biên với chiến thuật “công đồn đả viện” – (tiến công đồn bốt, đánh lui cứu viện). Đêm 18/7/1964, địa phương quân Gò Quao và du kích xã đánh một số đồn bốt ven chi khu Gò Quao – Sóc Ven. Quân đội Sài Gòn đưa một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 21 từ tiểu khu Chương Thiện lên giải vây, lực lượng này bị Trung đoàn 2 của Khu 9 phục kích trên lộ Lục Phi (xã Vĩnh Hòa Hưng). Kết quả, tiểu đoàn đối phương bị đánh bại, quân cách mạng diệt và bắt sống 300 quân, thu toàn bộ vũ khí, bắn hỏng hai máy bay phản lực, để phản công đối phương dùng trực thăng bắn phá bừa bãi, gây thiệt hại cho dân. Dưới sự tổ chức bí mật của Huyện ủy Gò Quao, nhân dân trong huyện đã dùng “hàng trăm xuồng ghe với hàng ngàn người kéo ra Tiểu khu Chương Thiện và Chi khu Gò Quao, đấu tranh phản đối máy bay đối phương bắn phá giết hại nhân dân và vận động binh sĩ đào ngũ về với cách mạng([9]).

       Sau chiến thắng Lục Phi, quân dân Gò Quao bao vây bức rút 3 đồn, giải phóng xã Vĩnh Hòa Hưng, khai thông hành lang U Minh Thượng lên Giồng Riềng. Bộ đội và du kích Giồng Riềng phá “ấp chiến lược” Thác Lác, phá lộ Bến Nhứt, bức rút đồn Cây Dừa, giải phóng thêm năm ấp trên sông Cái Bé. Bộ đội Rạch Giá diệt đồn Kinh Mười (xã Thạnh Đông A). Lực lượng Hà Tiên đánh đồn Cò Trắng, phối hợp với tiểu đoàn của An Giang, có nội ứng kết hợp, diệt gọn chi khu Kiên Lương, loại 150 quân đối phương ([10]).  

     Trung đoàn chủ lực Khu 9 dùng chiến thuật “bao vây đánh lấn” tiến công Chi khu Hiếu Lễ (An Biên). Sau gần một tháng bị bộ đội bao vây và chặn đánh, quân chi viện của Chi khu Hiếu Lễ rút chạy về Chi khu Thứ Ba. Do hoảng sợ, binh lính các đồn trên kinh Cán Gáo, từ Chi khu Thứ Mười Một đến Chi khu Thứ Sáu rút chạy về Chi khu Thứ Ba. Lực lượng cách mạng giải phóng hoàn toàn 5 xã và các ấp chiến lược tại đây, khiến đối phương chỉ còn kiểm soát từ Chi khu Thứ Năm đến vàm Xẻo Rô.

      Ngoài những chiến thắng lớn mở đầu năm 1964 ở hai tỉnh Cà Mau, Rạch Giá – Kiên Giang thì trên khắp các chiến trường Tây Nam Bộ từ Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, lực lượng cách mạng đều hăng hái tiến lên, tấn công đối phương, diệt đồn, phá “ấp chiến lược”, đánh quân chi viện, phối hợp và đẩy mạnh đấu tranh chính trị, binh vận thu nhiều kết quả rất khả quan.

     Lực lượng chủ lực Khu 9 đã phối hợp cùng bộ đội Cần Thơ, Sóc Trăng tiến công Chi khu Long Mỹ diệt đồn Vịnh Chèo, phá hàng loạt ấp chiến lược dọc theo kênh Phụng Hiệp. Lực lượng địa phương quân Phụng Hiệp diệt 4 đồn, phá banh hệ thống “ấp chiến lược” ở vùng giáp ranh 3 huyện Phụng Hiệp, Châu Thành, Kế Sách. Tháng 6 và 7/1964, Tiểu đoàn Tây Đô (Cần Thơ) tiến vào vùng Trung An, Thốt Nốt, diệt ác, trừ gian, thực hiện vũ trang tuyên truyền vào vùng Hòa Hảo, xâm nhập vào các ấp chiến lược tại đây chờ thời cơ vì đây là vùng có tình hình tôn giáo hết sức phức tạp. Cùng lúc đó bộ đội Sóc Trăng bám trụ cùng nhân dân, phá nhiều “ấp chiến lược” ở vùng An Ninh, Long Phú, mở rộng vùng giải phóng đến gần thị xã Sóc Trăng, bảo vệ vững chắc căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng.  Tiểu đoàn Phú Lợi của Sóc Trăng luồn sâu vào các vùng đồng bào Khmer ở Vĩnh Châu, đánh đồn, phá ấp chiến lược, chặn đánh đoàn xe của đối phương ở Bạc Liêu lên chi viện cho Vĩnh Châu, phá hủy 6 xe buộc chúng phải tháo chạy về lại Bạc Liêu. Trong trận càn ngày 16/10/1964, quân đội Sài Gòn đổ quân bằng trực thăng xuống ấp Giồng Bớm (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) bao vây Tiểu đoàn Phú Lợi. Trong trận này, Tiểu đoàn Phú Lợi và quân dân Vĩnh Châu đã tiêu diệt hai Trung đội quân đội Sài Gòn.

      Trên chiến trường Vĩnh Long, ở huyện Châu Thành, quân cách mạng phá tan “ấp chiến lược” Phước Ngươn (xã Phước Hậu), đây vốn là một mô hình mà chính quyền Sài Gòn cho là “ấp chiến lược kiểu mẫu” ở Tây Nam Bộ. Cùng lúc đó, lực lượng vũ trang tỉnh Trà Vinh (lúc này Chính quyền Sài Gòn gọi Trà Vinh là Vĩnh Bình) đánh diệt một đại đội bảo an, gỡ hàng chục đồn bốt ở huyện Cầu Kè. Bộ đội chủ lực của tỉnh cùng du kích Cầu Kè đã đánh trả nhiều cuộc càn quét của quân đội Sài Gòn. Trong đó, vào tháng 10/1964, bộ đội chủ lực và du kích địa phương đã đánh tan 2 đại đội, loại khỏi vòng chiến đấu 220 quân, bắn rơi 3 trực thăng. Tháng 11/1964, Tiểu đoàn Trà Vinh cùng du kích Long Toàn – huyện Duyên Hải diệt một đại đội bảo an, sử dụng chiến thuật “bao vây đánh lấn” bức rút chi khu Long Toàn, phá các “ấp chiến lược” tại đây ([11]).

        Như vậy, với những đợt tiến công liên tục trong năm 1964, quân và dân miền Tây Nam Bộ đã đưa phong trào chống phá “ấp chiến lược” ở miền Tây Nam Bộ lên tầm cao mới, theo đó khác với năm 1963, quân và dân miền Tây Nam Bộ đã có sự tiến bộ vượt bậc trong đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang kết hợp 3 thứ quân trên chiến trường miền Tây Nam Bộ. Các kế hoạch hành quân càn quét cấp bằng đường không, đường bộ và đường thủy của quân đội Sài Gòn đều bị đánh bại. Các chiến thắng quân sự quan trọng như chiến thắng Vĩnh Thuận, Lục Phi đã tạo thời cơ cho nhân dân các tỉnh miền Tây nổi dậy phá tan từng mảng lớn “ấp chiến lược”, góp phần vào thắng lợi chung của quân dân miền Nam trong năm 1964, có thể nhận thấy trong số các “ấp chiến lược” được giải phóng trong năm 1964 thì quân dân miền Tây đã góp phần giải phóng gần 1/3 số “ấp chiến lược” trên toàn miền Nam Việt Nam. Theo đánh giá của Khu ủy Khu 9 – Tây Nam Bộ thì: “Những thắng lợi liên tục đó đã phá từng mảng lớn ấp chiến lược ở miền Tây Nam Bộ, mở rộng vùng giải phóng liên hoàn từ Cần Thơ đến vùng Rạch Giá – Cà Mau với hơn 100 xã, trên 1.000 ấp và hơn 1.000.000 dân, đến cuối năm 1964 về cơ bản quân dân miền Tây Nam Bộ đã phá được Quốc sách ấp chiến lược của địch([12]). Và theo tổng kết của Bộ chỉ huy Miền thì: “tính chung toàn miền Nam trong năm 1964, quân dân ta đã đẩy mạnh đấu tranh quân sự và chính trị trên cả 3 vùng chiến lược, giáng cho quân Ngụy những đòn nặng nề, phá 3.695 ấp chiến lược…làm thất bại cơ bản quốc sách âp chiến lược của địch. Như vậy đến cuối năm 1964 mọi nỗ lực của địch trong chiến tranh đặc biệt bị phá sản về căn bản([13]).

3. Kết luận

       Miền Tây Nam Bộ là một trong những chiến trư­ờng chiến l­ược quan trọng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nư­ớc, nhất là trong giai đoạn Mỹ – chính quyền Sài Gòn thực hiện chiến l­ược “Chiến tranh đặc biệt”. Miền Tây Nam Bộ còn là vùng nông thôn rộng lớn nhất của cả nước, là địa bàn có số lượng “ấp chiến lược” quy mô nhất ở miền Nam Việt Nam. Vì vậy trên chiến trường này địch luôn bố trí một số l­ượng lớn quân, các đơn vị thiện chiến cùng các quân binh chủng hiện đại…  Vì vậy mà phong trào chống phá “ấp chiến lư­ợc” của quân và dân miền Tây Nam bộ là một quá trình đấu tranh hết sức gay go gian khổ, quyết liệt. Tuy nhiên dưới sự lãnh đạo của các cấp bộ Đảng, quân và dân các tỉnh miền Tây Nam bộ không ngừng phát triển phong trào, từng b­ước tiến lên nhất là trong năm 1964.

       Trong năm 1964, quân và dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã vận dụng những hình thức đấu tranh rất phong phú, bằng cả ba mũi giáp công: quân sự chính trị, binh vận trên cả ba vùng chiến lư­ợc đặc biệt là vùng nông thôn rộng lớn Cà Mau, Rạch Giá – Kiên Giang và Vĩnh Long. Với những thắng lợi quân sự quan trọng như chiến thắng Vĩnh Thuận, chiến thắng Lục Phí, chiến thắng Hiếu Lễ, quân dân miền Tây đã tiến lên phá banh và phá rã hàng loạt “ấp chiến l­ược” trên địa bàn cùng đó là các hoạt động với khôi phục và mở rộng vùng căn cứ giải phóng. Phối hợp với chiến trường miền Nam đẩy mạnh các đòn tiến công trên khắp các vùng nông thôn, góp phần làm suy sụp tinh thần của quân đội Sài Gòn và cuối cùng làm phá sản quốc sách “ấp chiến lược” và làm thất bại hoàn hoàn toàn chiến l­ược “Chiến tranh đặc biệt” trên toàn miền Nam Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến (2008), Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến (tập 2), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  • Hội đồng quân nhân cách mạng (1964), “Sắc lệnh 103-SL/CT giải tán Ủy ban Liên bộ đặc trách ấp chiến lược từ cấp Trung ương đến các khu chiến thuật”, Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Lê Hồng Lĩnh và các tác giả, Minh hải 30 năm kháng chiến, NXB Cà Mau, Cà Mau, 1986.
  • Nguyễn Quý (chủ biên), Trịnh Nhu, Nguyễn Văn Lanh (2010), Lịch sử Xứ uỷ Nam Bộ và Trung ương cục miền Nam (1954 – 1975), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  • Nguyễn Công Thục (2006), Phong trào chống phá Ấp Chiến lược 1963-1964, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  • Thompson (1965), Defeating communist insurgency: The lesson of Malaya and Vietnam, Chatto & Windus Press, London.
  • Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (1997), Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 – 1975, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

([1]) Từ tháng 11/1961, được sự chỉ đạo từ Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam ra quyết định thành lập các khu theo đó xác định khu miền Tây Nam Bộ (mật danh T3) bao gồm các tỉnh: Cửu Long (nay là Vĩnh Long – Trà Vinh), Hậu Giang (nay là Thành phố Cần Thơ – Hậu Giang – Sóc Trăng), Kiên Giang, Minh Hải (nay là Bạc Liêu và Cà Mau).

([2]) Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến (2008), Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến (tập 2), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 393.

([3]) R. Thompson (1965), Defeating communist insurgency: The lesson of Malaya and Vietnam, Chatto & Windus Press, London, tr. 64.

([4]) Hội đồng quân nhân cách mạng (1964), “Sắc lệnh 103-SL/CT giải tán Ủy ban Liên bộ đặc trách ấp chiến lược từ cấp Trung ương đến các khu chiến thuật”, Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II, Thành phố Hồ Chí Minh.

([5]) Nguyễn Quý (chủ biên), Trịnh Nhu, Nguyễn Văn Lanh (2010), Lịch sử Xứ uỷ Nam Bộ và Trung ương cục miền Nam (1954 – 1975), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 233.

([6]) Nguyễn Quý (chủ biên), Trịnh Nhu, Nguyễn Văn Lanh (2010), Lịch sử Xứ uỷ Nam Bộ và Trung ương cục miền Nam (1954 – 1975), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 233.

([7]) Nguyễn Công Thục (2006), Phong trào chống phá Ấp Chiến lược 1963-1964, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 143.

([8]) Lê Hồng Lĩnh và các tác giả, Minh hải 30 năm kháng chiến, NXB Cà Mau, Cà Mau, 1986, tr 265.

([9]) Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến (2008), Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến (tập 2), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 403.

([10]) Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến (2008), Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến (tập 2), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 405.

([11]) Nguyễn Công Thục (2006), Phong trào chống phá Ấp Chiến lược 1963-1964, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 143.

([12]) Nguyễn Công Thục (2006), Phong trào chống phá Ấp Chiến lược 1963-1964, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 160.

([13]) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (1997), Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 – 1975, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 343.

Foxit PDF Editor Full Crack Mới Nhất | Tải & Sử Dụng Không Giới Hạn Download ProShow Producer 9.0 Full Crack Vĩnh Viễn