Trang chủ Chi bộ - Đoàn thể Bộ ba kỹ năng cho người trẻ trong thời đại mới – Kỳ 1

Bộ ba kỹ năng cho người trẻ trong thời đại mới – Kỳ 1

bởi TDN Đoàn đội
50 views
KÌ 1: BỘ BA KỸ NĂNG CHO NGƯỜI TRẺ TRONG THỜI ĐẠI MỚI
Sự phát triển không ngừng của thế giới rộng lớn ngoài kia quả là một mối bận tâm lớn đến với những bạn trẻ, khi họ phải luôn thay đổi liên tục từng ngày để có thể thích ứng với những tiêu chí mà thế giới đòi hỏi ở một người công dân toàn cầu trong công cuộc đổi mới toàn diện. Đã qua rồi thời ta còn là những đứa trẻ vô tư vô lo, giờ đây, để có thể đứng vững trước những thử thách của thời đại mới, những bạn trẻ phải luôn bận tâm về những kỹ năng cần có để biến từ một người bình thường trở thành một người có tầm vóc vĩ đại trên thế giới.
Thế nhưng, giải pháp hiệu quả ở đây là gì?
Và để cho các bạn không phải hoài lăn tăn nghĩ ngợi, Câu lạc bộ Kĩ năng công chúng ngày hôm nay xin được phép nhá hàng trình làng bộ ba kỹ năng đầy mới lạ tuy nhỏ nhắn nhưng lại có một sức mạnh phi thường. Với bộ ba gồm kĩ năng lãnh đạo, phản biện và sáng tạo, những bạn trẻ như đã có thêm một trợ thủ đắc lực, giúp họ có thể vượt qua những thử thách đầy gian nan mà tiến tới giành lấy vinh quang đang chờ đợi phía trước.
Thử thách đang tới gần kề, vậy liệu bạn đã có sẵn sàng đón nhận? Hãy trang bị kỹ càng, chớ màng lo sợ mà tiến tới giành lấy thắng lợi vẻ vang cho bản thân mình nhé.
KỸ NĂNG SÁNG TẠO

Trong thời đại ngày nay điều quan trọng không phải là bạn có sáng tạo hay không mà là bạn sáng tạo nhiều đến chừng nào. Có thể nói, không ai có thể định nghĩa “sáng tạo” một cách nhất định vì chẳng phải làm vậy nó sẽ không còn sáng tạo nữa hay không. Ai trong mỗi chúng ta đều mang trong mình sự sáng tạo nhưng cũng như định nghĩa của “sáng tạo”, không có sự sáng tạo nào giống nhau. Không phải cứ vượt mọi rào cản là sáng tạo và cũng không phải lúc nào dựa theo lề lối là rập khuôn.

“It’s not what you look at that matters, it’s what you see.” (Quan trọng không phải là bạn nhìn gì mà là bạn thấy gì.) _ Henry David Thoreau.

Và cuối cùng hãy tưởng tượng rằng bạn đang mắc kẹt ở hoang đảo với chỉ một vài dụng cụ, bạn sẽ làm gì để sống sót? Ngay tại lúc này đây, khi ta không có bất kỳ một con đường dễ dàng nào thì vận dụng tư duy sáng tạo sẽ là chiếc phao cứu sinh cho bản thân bằng cách trở nên linh hoạt trong các tình huống.

Sự sáng tạo ngày nay luôn là một trong những kỹ năng quan trọng mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm ở các ứng cử viên xin việc. Không chỉ các ngành Nghệ thuật mới cần tư duy sáng tạo, mà ngay cả khi làm việc trong các ngành nghề Khoa học Kỹ thuật thì kỹ năng này là vô cùng thiết yếu.

Người có tư duy sáng tạo thường sẽ biết linh hoạt trong cách làm việc, dễ dàng di chuyển trật tự của các tri thức mà mình đã lĩnh hội, xây dựng cách suy nghĩ mới, tạo ra sự liên kết các mối quan hệ mới,…Để làm được điều này thì cần phải tránh việc tư duy máy móc, áp dụng kiến thức một cách rập khuôn trong các hoàn cảnh mà yếu tố môi trường có thể thay đổi bất cứ lúc nào.

Bên cạnh đó, sự thành thạo cũng chính là điểm đặc trưng cho loại tư duy này. Đó là khả năng xem xét các sự vật, hiện tượng theo nhiều cách khác nhau, có cái nhìn toàn diện về một vấn đề để tiếp nhận và giải quyết các vấn đề. Vì thế, người có tư duy sáng tạo thường nhạy bén, họ có thể phát hiện nhanh chóng các vấn đề, xung đột, sai sót và sự bất hợp lý, với sự tinh tế của các cơ quan cảm giác, với khả năng cảm nhận trực tiếp, giàu cảm xúc, nhạy cảm, họ có thể đoán biết được chính xác cảm xúc của người khác.

Có rất nhiều bài tập để ta có thể rèn luyện kỹ năng tư duy sáng tạo, trong đó chính là việc hãy biến mình trở thành một cỗ máy ý tưởng. Đây chính là mô hình được khởi xướng bởi tác giả James Altucher, khi việc ta cần làm chính là đề xuất 10 ý tưởng mỗi ngày. Hãy tạo ra các chủ đề khác nhau mỗi ngày, chúng có thể liên quan đến công việc, giống như “10 công cụ thiết kế chưa từng được phát minh trước đó” hoặc “10 cách để đọc sách hiệu quả”. Hoặc cũng có thể là một chủ đề gì đó hoàn toàn không liên quan và mang tính đời sống như “10 điều phải trải nghiệm cho mùa hè tới”, hay “10 công nghệ giúp chó có khả năng nói”. Từ đó, hãy sử dụng trí tưởng tượng của mình kết hợp với các kiến thức nền để ghi ra các ý tưởng thỏa mãn đề bài bạn đã đưa ra.

Kỹ năng sáng tạo là vô cùng thiết thực và là một vũ khí lợi hại hỗ trợ bạn trên con đường đến thành công trong tương lai. Vì thế bạn hãy tạo ra thật nhiều cơ hội cho bản thân rèn luyện tư duy sáng tạo để đạt được hiệu quả cao nhất trong học tập và làm việc.

Các kỹ năng trong thế giới 4.0 hiện nay quả đóng vai trò thật quan trọng. Hãy bỏ túi vài bí kíp mà CLB Kĩ năng công chúng chia sẻ trên để trở nên nổi bật và thể hiện được chính bản thân mình nhé.

KỸ NĂNG LÃNH ĐẠO
“Before you are a leader, success is all about growing yourself. When you become a leader, success is all about growing others” (Trước khi bạn là một nhà lãnh đạo, thành công của bạn là phát triển bản thân. Khi bạn trở thành người lãnh đạo, thành công là lúc bạn phát triển người khác.) _ Jack Welch

Một người có kỹ năng lãnh đạo tốt là một người ngoài việc biết đưa ra những tầm nhìn chiến lược có lợi cho lợi cho tổ chức của mình thì người đó còn phải biết lắng nghe, biết đồng cảm với những người xung quanh mình. Họ biết phân bổ công việc phù hợp với khả năng của từng người, biết cách gắn kết, hoà giải bất đồng giữa thành viên với nhau để đạt năng suất làm việc tốt nhất; họ quan tâm đến những gánh nặng mà mỗi cá nhân đang vác trên vai để san sẻ với nhau nhưng vẫn sáng suốt, công tư phân minh khi đưa ra quyết định có liên quan đến lợi ích chung của mọi người. Quan trọng nhất, một người lãnh đạo tốt là một người biết rằng dù tổ chức ấy không có sự hiện diện của chính họ thì vẫn sẽ hoạt động bình thường, suôn sẻ vì họ có niềm tin là họ đã cung cấp đủ sự cố vấn, kỹ năng làm việc cho mọi người và sẵn sàng nhận lấy rủi ro về phía mình đổi lấy cho cơ hội để các cấp dưới mình có thể phát huy bản thân và cống hiến cho tổ chức chung.

Tóm lại, lãnh đạo tốt là biết tạo cơ hội cho mọi người cùng nhau phát triển, biết hy sinh những điều nhỏ nhặt để đổi lấy hiệu quả lâu dài. Và một người lãnh đạo tốt là người thật sự tự tin nói với lòng mình rằng mình làm được và sẵn sàng chấp nhận những thử thách, khó khăn phía trước.

Không ai sinh ra là một “nhà lãnh đạo” hay “người tuân lệnh” vì ngay cả những người có tố chức lãnh đạo thì cũng phải trải qua một khoảng thời gian rèn luyện lâu dài và xương máu. Vậy để trở thành một người lãnh đạo tốt thì bạn đừng chờ đợi bất kỳ ai trao cái nhãn mác ấy cho bạn mà hãy tự giành lấy nó và chứng tỏ bản thân mình.
Như vậy, điều bạn cần làm đầu tiên để có thể trở thành một người lãnh đạo giỏi là xác định được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, biết đánh giá bản thân một cách khách quan và sẵn sàng sửa đổi để tốt hơn xây dựng phong cách lãnh đạo riêng. Ở vị thế của một lãnh đạo, bạn phải có quyết đoán, tự tin và tài thuyết phục giỏi, phát triển kỹ năng giao tiếp trước đám đông, tư duy phản biện,…; tập đưa ra nhận xét, đánh giá về một vấn đề khi đã cân nhắc vấn đề đó một cách toàn diện giúp bạn trở nên khách quan hơn khi giải quyết công việc và đưa ra quyết định. Thêm vào đó, bạn cũng phải có khả năng truyền cảm hứng cho người khác. Trong lúc thảo luận làm việc nhóm, thay vì bác bỏ các ý kiến từ mọi người xung quanh, làm cho họ cảm thấy kém cỏi, không tin vào khả năng bản thân, thì bạn hãy động viên, khai thác điểm tốt để cùng nhau tạo ra một năng lượng tích cực, một môi trường làm việc hiệu quả.

KỸ NĂNG PHẢN BIỆN
Theo thầy Nguyễn Chí Hiếu, Giảng viên Thỉnh giảng bộ môn Kinh tế học tại Đại học Fulbright, cho rằng tư duy phản biện là một trong những điểm yếu của giáo dục châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng do lối giáo dục gò bó, rập khuôn. “Tư duy phản biện” được định nghĩa là khả năng đánh giá, cũng như hình thành để có được luồng thông tin, ý tưởng trước bất kỳ vấn đề nào.

Những hiểu lầm về tư duy phản biện là “cãi” mặc dù “cãi” khác với “ tư duy phản biện” ở sự lập luận, dẫn chứng có căn cứ. Ngoài ra, “tư duy phản biện” còn bị lầm tưởng là ích kỷ giữ lấy quan điểm của mình mà không chịu tiếp thu những tư tưởng khác. Thế nhưng, một người có tư duy phản biện tốt là một người biết nhìn nhận ý tưởng và tư duy của người khác theo nhiều phía trước khi khách quan hay chủ quan đánh giá ý tưởng đó. Và cuối cùng, thầy Nguyễn Chí Hiếu cho rằng sai lầm lớn nhất khi tiếp cận “ tư duy phản biện” chính là suy nghĩ đi “phản biện tư duy của người khác”. Thật ra không phải như vậy! Trước khi tiếp cận tư duy của người khác thì chúng ta nên tự phản biện tư duy của chính mình. Nói cách khác tự bản thân chúng ta phải phân tích, đánh giá vấn đề ấy trên nhiều khía cạnh hết sức có thể rồi mới tiếp nhận và tiếp tục phân tích ý kiến của người khác.

Câu hỏi được đặt ra, tư duy phản biện nên được tiếp cận như thế nào? Có rất nhiều cách để một người có thể học được tư duy phản biện, từ một người có tư duy nhưng chưa biết phản biện đến một người có thể tối ưu hóa và thuần thục sử dụng. Bạn có thể tự phản biện với chính bạn trong những lúc rảnh rỗi hay bạn có thể đọc nhiều sách báo hay tiếp cận vấn đề và tự chỉ ra những ý kiến khác nhau. Bạn cũng có thể tham gia các cuộc thi hùng biện, thuyết trình hay tất cả các mô hình kích thích sự suy nghĩ tư duy của bạn. Mỗi cuộc hành trình luôn cho chúng ta những bài học quý báu nên đừng bỏ lỡ điều gì nếu bạn có cơ hội tiếp cận.

Những sai lầm về tư duy phản biện đã mở ra những đường đi hạn hẹp và vất vả cho các bạn học sinh có mong muốn tiếp cận tư duy phản biện. Thế nhưng chúng ta nên hiểu rõ tư duy phản biện thật chất là gì và những lợi ích tuyệt vời mà một người sẽ nhận được nếu phát triển tư duy phản biện theo hướng đúng đắn. Thế kỉ 21 ngày nay yêu cầu học sinh phải thuần thục hơn trong những kỹ năng này và “ tư duy phản biện” xứng đáng được nhận sự quan tâm nhiều hơn nữa.