Trang chủ Liên kếtGiáo dục toàn diện Bài tổng kết các dự án Arkki theo khối – Tháng 9&10

Bài tổng kết các dự án Arkki theo khối – Tháng 9&10

bởi admin
37 views

Lớp 6: Từ bản đồ tới mô hình 3D

Đã bao giờ các bạn thắc mắc những kiến thức địa lý được ứng dụng ở một dự án STEAM thì như thế nào chưa? Nghe nói môn Địa lý ở THCS cũng “khoai”, đòi hỏi kết hợp cả tư duy tưởng tượng với kiến thức thực tế nữa, không biết thực tế thì ra sao?

Mở đầu với dự án Từ bản đồ đến cảnh quan 3D, các bạn học sinh lớp 6 đã được học về nhiều loại địa hình khác nhau, về các yếu tố tạo nên địa hình, kỹ năng đọc bản đồ, các đường đồng mức có thể thể hiện bằng nhiều cách khác nhau qua đó hiểu được cách đường đồng mức trên bản đồ 2D có thể thể hiện được cảnh quan 3D trên thực tế.

Bài học này giúp cho các bạn có thể không chỉ có khả năng kết nối các mẫu địa hình – thiên nhiên tương ứng với các độ cao khác nhau mà còn phát huy trí tưởng tượng khi được đóng vai làm cư dân ở những địa hình đó.

Dù học sinh lớp 6 còn nhiều bỡ ngỡ với mô hình lớp học Arkki, nhưng với phương pháp tiếp cận trực quan hands-on learning (học qua thực hành) các bạn hoàn toàn thích ứng rất nhanh khi được học trên các bản vẽ (sketch) cho tới mô hình 3D thực tế.

Các vấn đề về sự khác nhau giữa nhiệt độ, môi trường sống, hệ sinh thái của các dạng địa hình khác nhau cũng được các bạn tìm hiểu và đưa vào bài làm. Có nhóm xây dựng những quần đảo giữa biển khơi, có núi lửa, hay khu dân cư ngay cạnh sa mạc, có nhóm xây dựng các vùng đồng bằng cao nguyên có người sinh sống, có nhóm còn “chia” đất cho các thành viên xây nhà luôn. Và khi được tha hồ tưởng tượng, các bạn thậm chí có thể quay về thời nguyên thủy để xây nhà nữa.

Cùng xem các bạn 6A1 quy hoạch các quần đảo của mình thế nào nhé! https://youtu.be/xiXN-DTm9As

Việc phải tính toán để phân bố các dạng địa hình giúp các bạn hiểu hơn về việc hình thành các không gian cộng đồng trong thiên nhiên bắt đầu như thế nào. Đây cũng là mục tiêu Chương trình thực hành tư duy sáng tạo của Arkki dành cho học sinh lớp 6 –  sử dụng các hiện tượng có sự liên hệ với các khái niệm trừu tượng. Học sinh sẽ bắt đầu tương tác với các chủ đề về văn hoá, xã hội, bản sắc, đất nước…

Sau dự án đầu tiên, các bạn cũng đã rèn luyện được các kỹ năng thế kỉ 21 như phân chia công việc trong nhóm, thuyết trình ý tưởng & tư duy phản biện, đánh giá. Mỗi bạn cũng có những cuốn sổ tay sáng tạo & phản biện để ghi chép những ý tưởng, suy nghĩ của mình. Chờ đón các bạn thể hiện năng lực sáng tạo và các ý tưởng mới ở các dự án tiếp theo nhé!

Lớp 7: Vương quốc tưởng tượng

Các bạn học sinh lớp 7 đã có một năm được trải nghiệm chương trình giáo dục STEAM & kỹ năng thế kỉ 21 của Arkki. Trong chuỗi chương trình của cấp THCS, lớp 6 với chủ đề cộng đồng của tôi, tới lớp 7 học sinh được “nhập vai” giải quyết các vấn đề phức tạp khi con người ở không gian vật chất được tác động bởi các khái niệm trừu tượng.

Bài học đầu tiên của năm lớp 7 gắn liền với môn Lịch sử – Địa lý – Thiên văn & Sinh học, khi các bạn được tìm hiểu các hình thái đặc trưng của xã hội, từ đó sáng tạo ra một vương quốc tưởng tượng bên ngoài vũ trụ. Học sinh sẽ chia sẻ vị trí sinh sống, đặc điểm của cư dân và hình thái xã hội cụ thể, hình thức sinh hoạt đặc trưng của vùng đất tưởng tượng đó.

Đây là dự án đầu tiên trong chuỗi dự án Thành phố bên ngoài vũ trụ (Outerspace city) giúp học sinh phác thảo các ý tưởng căn bản để tham gia các dự án khám phá các yếu tố hình thành nên một cộng đồng gồm cư dân, hình thái xã hội, không gian sống, văn hoá và các yếu tố trường có thể thấy được thông qua hình thức biểu hiện thị giác.

Công cụ sáng tạo đặc biệt lần này là bảng vẽ kể chuyện (storyboard), một công cụ được ứng dụng nhiều trong ngành thiết kế, điện ảnh, quảng cáo để minh họa các ý tưởng câu chuyện thành hình ảnh trực quan. Các bạn đã đưa ra nhân vật tưởng tưởng, đặc điểm sinh học & nhu cầu của nhân vật cùng mô tả về không gian địa lý của hành tinh trên storyboard.

Bản storyboard của các bạn hết sức đa dạng. Ta có thể gặp vương quốc rất lạ lùng dành cho các cư dân Cam, sinh sống trên một hành tinh có ½ là nước cam và thuộc một dải cam hà nào đó. Cũng có thể là các nhân vật thường gặp trong các bộ phim khoa học viễn tưởng nửa người nửa cá, nửa người nửa robot.

Từ bản storyboard này các bạn được “phóng to” đời sống của cư dân các hành tinh lên quy mô thành phố và cả các khu dân cư, nhà ở của họ. Tư duy thiết kế (Design thinking) được áp dụng mạnh mẽ để giúp bạn thấu cảm được từ điều kiện sống, cấu tạo sinh học và nhu cầu sử dụng không gian, nội thất của các cư dân ngoài hành tinh. Nếu cư dân ở đó là nửa người – nửa robot thì sẽ cần gì? Nếu cư dân ở thành phố không trọng lượng thì sẽ di chuyển ra sao? Tất cả bài toán này đều lần lượt được các bạn đưa ra các phương án và làm thành mẫu thử (Prototype) quy hoạch thành phố.

Thành phố có thể trong một mặt phẳng, mà cũng có thể là các khu nhà ở, khu làm việc chồng lên nhau thành hàng dọc và di chuyển bằng những chiếc thang máy khổng lồ. Hay ở hành tinh của các bạn quy luật đảo ngược so với Trái Đất, Mặt trời sẽ mọc từ hướng Tây chẳng hạn.  

Ý tưởng của lớp 7A3: https://youtu.be/dPjz7sVSQvY

Việc được vượt ra khỏi không gian của thực tế giúp kích thích trí tưởng tượng lên cao nhất. Các câu hỏi để phát triển tư duy bậc cao (High-ordered thinking skills) cũng được đặt ra để các bạn nâng cao khả năng tư duy logic, phân tích, lật lại vấn đề. Kiến thức giờ không chỉ là các con chữ trên giấy mà được kết nối và vận dụng rất linh hoạt trong các dự án. Đặc biệt, phần thuyết trình của bài học đã giúp cho các bạn thể hiện được năng lực giao tiếp. Một thành phố chưa từng có trong thực tế hiện lên vô cùng sinh động qua ngôn ngữ và cách kể chuyện hài hước, với các điểm nhấn, nút thắt được đặt vào rất khéo.

Thuyết trình không còn “đáng sợ” như thông thường nữa mà trở nên cực kì hứng thú. Các bạn hết giờ rồi vẫn còn muốn được chia sẻ tiếp, thậm chí có nhóm còn hỏi cô buổi sau có tiếp tục được thuyết trình để kể về ý tưởng phát triển thêm nữa không.

Vương quốc tưởng tượng là chủ đề xuyên suốt cho năm học của lớp 7, vậy trong các bài học tới các thần dân ngoài vũ trụ sẽ còn được sáng chế thêm những sản phẩm hay công trình nào nữa đây? Mời các bạn theo dõi tiếp tục với Arkki nhé.

 

 

Lớp 10: Tư duy thiết kế
Thiết kế giải pháp cho Sức khỏe & đời sống tinh thần

Trở thành học sinh THPT là một dấu mốc quan trọng của mỗi bạn. Những đổi thay về khối lượng kiến thức, những mục tiêu mới dài hơi hơn cho chặng đường học tập và định hướng nghề nghiệp tương lai của mỗi bạn được đặt ra.

Nghe có vẻ hơi áp lực nhỉ? Chính vì thế, chủ đề mà Arkki lựa chọn cho các bạn học sinh khối 10 để áp dụng Tư duy thiết kế vào dự án chính là Sức khoẻ và đời sống tinh thần. Từ chủ đề này, các bạn sẽ tự thiết kế ra được những công cụ, các phương pháp giúp bảo vệ, rèn luyện thể chất và tinh thần để chuẩn bị cho những dự định lớn hơn và sẵn sàng thích ứng với đổi thay của thế giới như Covid-19, biến đổi khí hậu, v.v….

Để tạo ra một sản phẩm, công cụ, phương pháp mới, Arkki xây dựng môi trường thảo luận tích cực và sáng tạo trong lớp học.

Để dẫn dắt bộ óc sáng tạo của mỗi bạn, thầy cô đã giới thiệu một công cụ được các tập đoàn sử dụng và cũng được Arkki đưa vào trong bài học dự án –  Tư duy thiết kế (Design thinking).  Các  bạn được đi qua lần lượt từng bước của Tư duy thiết kế – thực hành sơ đồ thấu cảm với đối tượng mình muốn tạo sản phẩm/ dịch vụ, từ đó tổng hợp và sử dụng thông tin nhận được để xác định các góc nhìn khác nhau về trạng thái sức khoẻ và đời sống tinh thần của mỗi cá nhân.

Điểm thú vị là tư duy tưởng tượng của các bạn tiếp tục được phát triển mạnh mẽ. Dự án này thử thách học sinh đưa ra nhiều ý tưởng táo bạo, càng đi xa khỏi suy nghĩ bình thường và an toàn của mình càng tốt. Đây là bài tập để giúp các bạn hiểu tinh thần làm việc của bước đưa ra ý tưởng trong quy trình tư duy thiết kế. Mỗi giai đoạn làm việc đòi hỏi cách thức tư duy khác nhau, sự sáng tạo và suy nghĩ hoàn toàn mới trong mỗi học sinh.

Lần đầu tiên hiện thực hóa ý tưởng các bạn sẽ không chỉ còn lên kế hoạch trên giấy nữa. Trong quá trình biến ý tưởng từ bản vẽ 2D thành 3D các bạn phải thử nghiệm rất nhiều cách khác nhau. vì những lúc các chi tiết trên bản vẽ kỹ thuật phức tạp hoặc khó hình dung trong thực tế. Chính việc này đã rèn luyện cho các học sinh bước vào lớp 10 một nếp tư duy mới đó là không ngại Thử – Sai – Làm lại. Đây cũng là nếp tư duy quan trọng của những nhà sáng lập tương lai, khi bạn có ý tưởng và có công cụ cũng như phương pháp để biết được rằng liệu cộng đồng, người tiêu dùng có thực sự cần đến ý tưởng đó.

Các bạn được trải qua quá trình thấu cảm, phát triển ý tưởng, mẫu thử, thử nghiệm lấy phản hồi và lại quay về quá trình mẫu thử tiếp tục khi sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Dự án này cũng hỗ trợ học sinh tham gia các cuộc thi tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề xã hội như FutureU – chương trình do Arkki phối hợp cùng Saigon Innovation Hub & Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Việt Nam tổ chức hay Youth: Co Lab – Vườn ươm sáng tạo xã hội của Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Bộ KH&CN, Citi Foundation.

Cùng xem các sản phẩm vừa hữu dụng vừa được thiết kế thông minh của các bạn học sinh khối 10 nhé!

Lớp 11: Tư duy thiết kế
Thiết kế giải pháp cho Đô thị và cộng đồng bền vững

Lớp 11, khi các bạn đã trở thành anh chị lớn trong trường, trách nhiệm lên đôi vai cũng nhiều hơn hẳn. Nhiều mục tiêu học tập đặt ra hơn, nhiều bạn lên chức trong ban điều hành các câu lạc bộ hơn và muôn vàn dự định cá nhân khác.

Hiểu được tâm lý này, các dự án của Arkki hướng các bạn đi từ động lực bản thân tới thế giới quan bên ngoài, với các đề tài cụ thể trong môi trường đô thị, các xu hướng phát triển hiện nay trên thế giới,… Mỗi bạn từ đó sẽ tìm hiểu và áp dụng tư duy thiết kế để đề xuất phương án giải quyết vấn đề mà thế giới hướng đến để xây dựng tương lai bền vững.

Chủ đề xuyên suốt của lớp 11 chính là Thành phố và cộng đồng phát triển bền vững. Khi tiếp cận bằng phương pháp tư duy thiết kế, các bạn đi qua sơ đồ thấu cảm với những người dân trong thành phố của mình và từ đó thử nghiệm mật độ cũng như cải tiến các khu vực sinh sống, làm việc trong thành phố.

Các bạn dành nhiều sự quan tâm cho các chủ đề về ô nhiễm không khí và tiếng ồn, những vấn đề nổi bật của đô thị. Khi mở rộng vấn đề từ cá nhân sang cộng đồng, điều tất yếu là ý tưởng của các bạn cần được mở ra nhiều góc nhìn hơn. Khả năng thấu cảm của các bạn học sinh ở chủ đề này cũng được khai thác sâu hơn, các bạn không chỉ nhìn nhận một hiện tượng theo một góc mà có khả năng đánh giá từ rất nhiều hướng. Ví dụ như hiện tượng kẹt xe, nếu nhìn qua thì chỉ thấy đây là vấn đề giao thông, khói bụi, nhưng quan sát hình ảnh của một người phụ nữ bịt kín giữa làn xe chen chúc, bạn còn có thể cảm nhận cả nỗi lo lắng, sự căng thẳng sau giờ làm của chị. Từ đó mà các bạn hình dung các sản phẩm và tiện ích công cộng để giúp người dân có thể giải quyết những vấn đề cả chủ quan và khách quan nữa.

Trong các lớp học, các thầy cô Arkki cũng tạo điều kiện để các bạn có các phiên kết nối nhanh để chia sẻ về ý tưởng với các bạn trong lớp. Lúc này những góp ý mang tính xây dựng giúp cho ý tưởng hoàn thiện hơn. Đây là phương pháp Học từ bạn bè (Peer learning) được Arkki áp dụng trong chương trình của mình trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, học sinh cũng có cơ hội phản tư để giúp ý tưởng của mình liên tục có sự tối ưu và kiểm nghiệm các giả thiết ban đầu của mình khi áp dụng các vòng lặp Tư duy thiết kế – Thử nghiệm – Phân tích – Làm lại ý tưởng/ mẫu thử hoặc Lật lại vất đề. Nhiều mô hình rất sáng tạo đã được ra đời trong không gian lớp học hàng ngày của bạn. Ví dụ như vạch qua đường thông minh giúp giảm tốc, hay xe sử dụng năng lượng mặt trời để di chuyển và có cơ chế lọc không khí như cây lá quang hợp, hay đèn giao thông có khả năng dọn rác v.v….

Ý tưởng của lớp 11A5: https://youtu.be/Lm7YHypiplE

Điều này càng chứng tỏ, khi các bạn được đặt vào một môi trường và được trao quyền để phát triển tư duy bậc cao, sáng tạo thì các kết quả tạo ra sẽ không chỉ dừng ở việc tạo một mẫu thử mà hoàn toàn các bạn có thể phát triển thành các dự án. Ở THPT, Arkki chú trọng phát triển song song cho học sinh cả tư duy sáng tạo và tư duy phản biện. Tư duy phản biện lúc này giúp các bạn hình dung được với một nguồn lực hạn chế, hay với tính cấp thiết của vấn đề thì đâu sẽ là giải pháp tinh gọn và đem lại hiệu quả.

Chương trình THPT là chương trình giúp học sinh liên kết với các chủ đề trên thế giới nhằm xây dựng vai trò công dân thông qua các hiện tượng khác nhau mà con người trong thế kỉ 21 đối mặt. Là công dân thế giới, là công dân trong môi trường số và là công dân trong thế giới tương lai mà chính các bạn là người định hình nó.