Trang chủ Liên kếtCác câu lạc bộ 20 năm Trần Chuyên – Những câu chuyện chờ kể cùng Câu lạc bộ Văn hóa Việt Nam

20 năm Trần Chuyên – Những câu chuyện chờ kể cùng Câu lạc bộ Văn hóa Việt Nam

bởi TDN Đoàn đội
243 views

20 NĂM TRẦN CHUYÊN – NHỮNG CÂU CHUYỆN CHỜ KỂ

CÙNG CÂU LẠC BỘ VĂN HÓA VIỆT NAM

 

1. Về cái tên Lasan Taberd: Mọi người thường nghĩ Lasan Taberd là cái tên của trường Trần Đại Nghĩa ngày đó. Nhưng thực chất cái tên ấy viết đúng là La Salle Taberd (Institution La Salle Taberd), với La Salle (Lasan) là một dòng tu công giáo vô cùng nổi tiếng ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc đến tận ngày nay và Taberd chính là đường Nguyễn Du xưa được đặt theo tên thánh Jean Louis Taberd (rue Jean Louis Taberd). Cũng vì lẽ đó mà ngôi trường dòng cổ kính đã mang tên La salle Taberd trong hàng thập kỉ.

2. Hiện này có rất nhiều bạn trong chúng mình nhầm lẫn ý nghĩa của từ “kỳ đài” – vốn dùng để chỉ phần sảnh nơi các thầy cô hay đứng phát biểu, và thầy giám thị hay đứng để giám sát . Thế nhưng nếu xét theo đúng nghĩa Hán Việt của nó thì kỳ đài – có thể được hiểu là “cột cờ”, đáng ra phải dùng để chỉ cây cột màu trắng treo cờ giữa sân Lý Tự Trọng. Còn nơi mà mọi người vẫn thường gọi là kỳ đài thực ra chỉ là phần sảnh của khối lồi (avant-corps) trong kiến trúc cổ điển nhằm tạo đường nét thêm cho khối kiến trúc chính. Nó chỉ trở thành sảnh phát biểu từ sau bản thiết kế của kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng, còn trước đó là cầu thang trước cửa (front door steps) nhằm thêm lối ra sau cho công trình.

3. Khu đất của trường mình mang một giá trị rất đặc biệt không chỉ bởi khuôn đất cao ráo thuận lợi mà còn vì sự quan trọng của các công trình kiến trúc từng xây dựng trên nó. Vị trí này từng là trung tâm hoàng cung nơi thành quy do vua Gia Long cho xây dựng thuở còn làm Nguyễn vương. Ngay cả sau đó khi toàn bộ khu cung điện ấy đã bị phá bỏ thì chính người Pháp đã cho dựng dinh thống đốc (Hôtel du gouverneu) đầu tiên tại Sài Gòn ngay trên mảnh đất “thiên thời địa lợi” của Trần Chuyên (Sau đó họ đã dời sang khu dinh độc lập ngày nay và cơ sở dinh cũ giao lại làm trường dòng).

 

4. Về năm xây dựng chính xác của trường

Mái ngói đỏ gạch ẩn mình dưới tàng hoa sứ, bức tường vàng cùng với những mái vòm hiền hòa đậm chất Pháp đã trở thành thương hiệu mỗi khi chúng mình nhắc đến Trần Chuyên. Nhưng liệu bạn đã từng tự hỏi trường mình được xây dựng từ thuở nào? Câu trả lời chính là năm 1874 . Trường mình là một tổ hợp nhà gỗ mượn cơ sở của dinh toàn quyền trước đây được xây lại kiên cố với 2 dãy phòng học lớn 3 tầng và một nhà giám hiệu, tạo nên một tổng thể chính diện hài hòa cho trường.

5. Cổng trường đường Nguyễn Du đầu tiên trông như thế nào?

Cổng đường Nguyễn Du hiện nay mang phong cách artdeco dù cũng xây từ thời Pháp nhưng không hẳn là chiếc cổng nguyên thủy của trường. Trước đây cổng trường là tổ hợp cổng vòm gạch quét vôi vữa mái tụ cửa gỗ thuần túy cổ điển Pháp, sau nhiều năm, cổng Nguyễn Du đã có rất nhiều thay đổi về kiểu dáng nhưng đây mới chính là hình ảnh đầu tiên của nơi này.

6. Trường Trần Đại Nghĩa là một bảo tàng kiến trúc?

Kiến trúc trường toát lên nét đẹp cổ kính nhưng không kém phần kiên cố so với những công trình kiến trúc hiện nay. Vì vậy nhiều người nói rằng trường Trần Đại Nghĩa chính là một bảo tàng kiến trúc. Khu A, B, hội trường và cổng Lý Tự Trọng là một tổ hợp kiến trúc theo chủ nghĩa hiện đại (modernism) do kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng thiết kế vào năm 1960. Còn khu C, D, nhà giám hiệu cùng với cổng Nguyễn Du có thể xem là một “bảo tàng” nhỏ thể hiện những giai đoạn phát triển kiến trúc với các trường phái nghệ thuật khác nhau: kiến trúc tân cổ điển (neoclasical architecture), kiến trúc hiện đại (modernist architecture) và nghệ thuật art decor (cổng Nguyễn Du mang phong cách này).

7. Tản mạn về hội trường A.

Hai bên hội trường A được trang trí với những khung sắt có hình nốt nhạc, micro hay những người đang ca hát. Trước đây, hội trường từng là thính đường (phòng văn nghệ) hiện đại bậc nhất và cũng là một trong những niềm tự hào của học sinh trường Lasan Taberd mỗi khi nhắc đến. Thính đường được thiết kế sao cho bất kể số lượng người trong khán phòng, âm thanh truyền đi luôn đủ nghe. Các cửa sổ được bày trí hợp lý để đón lượng ánh nắng vừa đủ giúp không gian thoáng đãng, không bị hầm.

8. Không nhộn nhịp như sân Lý Tự Trọng, sân Nguyễn Du mang trong mình một dáng vẻ rất êm đềm, nhẹ nhàng và truyền thống. Các vườn cây cảnh và những bệ tượng được bày trí theo phong cách Pháp đã tạo nên một góc sân khép kín, đầy tôn nghiêm và cổ kính. Vì vậy, nơi này từng được đặt một cái tên rất oai là “Sân Danh Dự”. Thật xứng đáng với sự trang trọng của nó đúng không nào?

9. Gắn liền với trường Trần Đại Nghĩa không thể thiếu hình ảnh của môn thể thao bóng rổ. Bóng rổ đã trở nên thân thuộc không chỉ đối với các “tuyển thủ” mà còn đối với những “khán giả” từng được chứng kiến các trận đấu hừng hực khí thế diễn ra ở sân Lý Tự Trọng. Nhưng liệu bạn có biết rằng, tính đến nay trụ bóng cũng đã 60 năm tuổi, nếu không có sự cố bị húc ngã. Các trụ bóng rổ được dựng lên cùng thời với dãy phòng học A, B và cổng Lý Tự Trọng, thể hiện rõ nét tiêu chí giáo dục học sinh xưa về cả đạo đức, trí tuệ và thể chất, phát triển toàn diện con người.