Trang chủ Chuyên môn HƯỚNG DẪN HỌC SINH ĐỌC TẬP BẢN ĐỒ ĐỊA LÍ 8

HƯỚNG DẪN HỌC SINH ĐỌC TẬP BẢN ĐỒ ĐỊA LÍ 8

bởi Địa Lý Tổ
402 views

1. Cấu trúc sách tập bản đồ địa lí 8

Tập bản đồ địa lí 8 gồm 24 bản đồ, chia làm 2 phần:

– Thiên nhiên con người ở các châu lục (Châu Á): gồm 14 bản đồ

+ Địa hình – khoáng sản châu Á

+ Các đới và các kiểu khí hậu

+ Các đới cảnh quan

+ Hành chính châu Á

+ Dân số, mật độ dân số và các đô thị lớn

+ Kinh tế chung

+ Bản đồ địa lí tự nhiên, bản đồ địa lí kinh tế của các khu vực Tây Nam Á, Nam Á, Đông Á và Đông Nam Á

– Địa lí Việt Nam (địa lí tự nhiên): gồm 10 bản đồ

+ Hành chính Việt Nam

+ Hình thể Việt Nam

+ Khoáng sản Việt Nam

+ Khí hậu Việt Nam

+ Các hệ thống sông

+ Các nhóm và các loại đất chính

+ Thực vật và động vật

+ Địa lí tự nhiên miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ, miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

2. Cách đọc các dạng bản đồ

    2.1. Đọc bản đồ tự nhiên:

* Địa hình – khoáng sản:

– Địa hình: Dựa vào thang phân tầng độ cao kết hợp các kí hiệu trên bản đồ, xác định các dạng địa hình, phân bố. Đối với địa hình trên bản đồ, có các dạng tìm tên, xác định vị trí, nhận định…

+ Núi: Kể tên các dãy núi, đỉnh núi cao, xác định vị trí (thuộc quốc gia, khu vực nào), hướng núi, độ cao trung bình.

+ Cao nguyên, sơn nguyên: kể tên các cao nguyên, sơn nguyên, vị trí của các cao nguyên, sơn nguyên.

+ Đồng bằng: Kể tên các đồng bằng, vị trí của các đồng bằng.

+ Nhận định chung về địa hình trên bản đồ

– Khoáng sản: Nhận xét chung về đặc điểm của tài nguyên khoáng sản, kể tên các loại khoáng sản, phân bố.

* Sông ngòi:

– Nhận diện kí hiệu: Là những đường màu xanh trên bản đồ.

– Nhận xét chung về đặc điểm của sông ngòi khi phân tích.

– Xác định vị trí của sông

– Bắt nguồn từ đâu, đổ ra đâu

– Hướng chảy của sông

– Tìm mối quan hệ của sông ngòi với địa hình

* Khí hậu:

Bản đồ khí hậu là bản đồ phức tạp, gồm nhiều yếu tố khác nhau trên bản đồ như kiểu khí hậu, vùng khí hậu, bão, gió, nhiệt độ, lượng mưa… Ở học kì 1, khi tìm hiểu về châu Á học sinh chỉ cần xác định được vị trí của các đới, kiểu khí hậu. Từng kiểu khí hậu có đặc điểm gì đều được thể hiện bằng các biểu đồ đi kèm. Ở học kì 2, khi tìm hiểu về khí hậu, có 3 bản đồ khác nhau là khí hậu chung, nhiệt độ và lượng mưa trung bình năm.

Đối với học sinh lớp 8, cơ bản học sinh cần đọc được những đặc điểm sau trên các loại bản đồ khí hậu:

– Xác định được các đới khí hậu, kiểu khí hậu.

– Đọc tên các loại gió, hướng gió, phạm vi tác động, tính chất, tần suất hoạt động

– Xác định được phạm vi hoạt động của bão, tháng hoạt động, tần suất hoạt động.

– Đọc được các biểu đồ trên bản đồ, từ đó  rút ra đặc điểm khí hậu của một số địa phương, kết hợp với bản đồ địa hình, giải thích nguyên nhân.

– Xác định được nhiệt độ, lượng mưa ở các khu vực, tỉnh (thành)

* Cảnh quan:

– Kể tên các cảnh quan chính

– Xác định được vị trí.

– Kết hợp với bản đồ địa hình, khí hậu giải thích

2.2. Bản đồ kinh tế – xã hội:

* Bản đồ hành chính:

Xác định vị trí của các quốc gia

* Bản đồ dân cư

– Kể tên, xác định vị trí của các đô thị lớn.

– Xác định được những nơi tập trung đông dân, thưa dân; những nơi mật độ dân số cao, mật độ dân số thấp.

– Kết hợp với các dạng bản đồ tự nhiên giải thích

– Phân tích các biểu đồ trên trang bản đồ để có thể trình bày được đặc điểm dân số.

* Bản đồ kinh tế:

Trên bản đồ kinh tế thể hiện các nội dung về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.

– Nông nghiệp: Xác định được các vùng nông nghiệp (trồng trọt, đồng cỏ, rừng…), xác định được vị trí của các cây trồng, vật nuôi ở các khu vực, các quốc gia.

– Công nghiệp: Kể tên được các trung tâm công nghiệp, xác định được vị trí của các trung tâm công nghiệp; những vùng khai thác khoáng sản (phát triển công nghiệp khai khoáng), vị trí của các ngành công nghiệp.

– Dịch vụ: phân tích biểu đồ xuất nhập khẩu, xác định được vị trí các sân bay, hải cảng, điểm du lịch.