
Rồng dưới thời Lê sơ được truyền cảm hứng từ Rồng thời Minh, Trung Quốc. Đầu Rồng to và mặt Rồng được miêu tả trông dữ tợn và uy nghiêm hơn so với thời kỳ trước. Sừng Rồng có hai chạc với đầu sừng được cuộn tròn lại. Hình tượng Rồng thời Lê sơ có bộ râu quai nón “dấu phẩy” ngắn đặc trưng, cùng với đó là tư thế đưa một chân lên đỡ râu rất phổ biến. Các thiết kế ở thời Lê sơ cũng đã thay thế vòi của Rồng ở các thời trước bằng một chiếc mũi to, còn ở phần miệng thì ngậm một viên châu ngọc với răng nanh được kéo dài và uốn xoăn thừng ở gốc. Thân Rồng dưới thời Lê sơ to khỏe, cứng cáp, kết hợp với mây lửa nhằm thể hiện sức mạnh uy quyền của các bậc đế vương. Những con Rồng 5 móng đặc biệt chỉ dành cho bậc đế vương với phần bờm lớn và cổ thường nhỏ hơn thân. Vảy Rồng được thể hiện bằng các đường sọc dày. Phần râu mép và túm lông của khuỷu chân luôn được kéo dài nhằm tạo cảm giác bay bổng và mềm mại, ở phía đuôi Rồng nhà Lê sơ lại mềm mại và có phần giống với đuôi cá.


Hình tượng Rồng thời nhà Lê phản ánh mạnh mẽ tầm quan trọng của Nho giáo và sự giao thoa văn hóa Trung Quốc vào nước ta. Rồng trở thành biểu trưng cho vua và uy quyền của triều Lê. Chính vì thế mà ở mỗi triều đại nhà Lê, hình tượng rồng lại khác nhau. Nếu thời Lê Sơ, hình tượng Rồng đầy uy quyền với các đường nét sắc nhọn và mạnh mẽ, thì Rồng của thời Lê Trung Hưng lại len lỏi vào đời sống dân gian, mang dáng dấp của một loài linh thú gần gũi, bảo hộ cho đời sống nhân dân với những đường nét linh hoạt, tự do, thoải mái hơn, thể hiện những khát vọng về một cuộc sống ấm no, không còn loạn lạc.Bia cung đình và bia mộ của hoàng tộc nhà Lê được trang trí bằng các hoa văn trên diềm bia, mà chủ đạo là các hoa văn hình Rồng. Mục đích là để phân chia đẳng cấp theo tư tưởng Nho giáo và tư tưởng chính thống – sùng Nho ức Phật. Đồ gốm thời Lê cũng được tráng gốm trắng mỏng và trang trí nổi hoa văn Rồng 5 móng với chữ “Quan” ở giữa. Do hình tượng Rồng 5 móng là hình tượng biểu trưng của vua nên các loại đồ gốm này là đồ ngự dụng chỉ dành riêng cho vua.




Hình tượng Rồng thời Nguyễn khi được thể hiện không chỉ truyền tải được nét nghệ thuật mà còn phải tuân thủ những định chế xã hội và những thiết chế đương thời.Những hình tượng phổ biến của Rồng thời Nguyễn là “Lưỡng long tranh châu”, “Long ẩn vân” và “Long cưỡi sóng”. Hình ảnh Lưỡng long tranh châu thường xuất hiện trên các mái đình, chùa hay cuộn tròn trong lòng bát đĩa và ẩn mình trên những cột kèo, thể hiện 2 con rồng đang tranh nhau hạt châu biểu trưng cho Thái cực và vũ trụ, còn viên châu không được ngậm bởi con rồng nào thể hiện cho âm dương cân bằng. Hình ảnh Long ẩn vân lại thể hiện rồng ẩn mình trong mây hay cưỡi mây, điều này thể hiện sức mạnh của rồng trên trời có thể hô mưa gọi gió, qua đó mong cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Cuối cùng là hình tượng Long cưỡi sóng. Ở hình tượng này, ta thấy được Rồng đang cưỡi trên những con sóng. Đây là biểu hiện của sức mạnh của rồng dưới biển và qua đây thể hiện mong ước bình an, được thuận buồm xuôi gió khi ra khơi.

Mọi thắc mắc hay đóng góp ý kiến vui lòng liên hệ:
– Email: vanhoaviettdn@gmail.com
– Facebook: @vanhoavntdnschool